Yên Bái tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch lở mồm long móng gia súc

  • Cập nhật: Thứ ba, 15/1/2019 | 10:18:51 AM

UBND tỉnh Yên Bái vừa ban hành Công văn số 85/UBND-NLN ngày 11/01/2019, về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch lở mồm long móng (LMLM).

Cán bộ thú y phường Hợp Minh tiêm phòng cho đàn gia súc. (Ảnh: Thanh Chi)
Cán bộ thú y phường Hợp Minh tiêm phòng cho đàn gia súc. (Ảnh: Thanh Chi)

Hiện nay, tình hình dịch bệnh lở mồm long móng gia súc trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp và có xu hướng ngày càng lây lan ra diện rộng, gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Theo báo cáo nhanh của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 10/01/2019 đã phát hiện 300 con lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh lở mồm long móng (trong đó: Văn Yên 277 con, Trấn Yên 23 con), đã tổ chức tiêu huỷ 123 con lợn mắc bệnh tại huyện Văn Yên. Thời tiết mưa rét liên tục hiện nay là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh lở mồm long móng bùng phát, lây lan ra diện rộng.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh lở mồm long móng gia súc; nhanh chóng khống chế, dập tắt các ổ dịch, không để lây lan ra diện rộng, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, đặc biệt là huyện Văn Yên, Trấn Yên tập trung chỉ đạo, thực hiện đồng bộ các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh lở mồm long móng có hiệu quả. Khẩn trương tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh kế hoạch mua vắc xin lở mồm long móng, hóa chất sát trùng đảm bảo yêu cầu cấp bách công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo Chi cục chăn nuôi và Thú y, các đơn vị chuyên môn thuộc Sở hướng dẫn người nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống dich bệnh; tăng cường kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh; quản lý, giám sát lâm sàng, thực hiện tốt công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng trong chăn nuôi; đặc biệt tập trung vào những vùng đang có dịch, các khu vực có nguy cơ cao như chợ buôn bán, điểm thu gom lợn, sản phẩm lợn, cơ sở giết mổ lợn, phương tiện vận chuyển v.v..; thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch, kiểm soát việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật.

Huy động và tăng cường cán bộ chuyên môn để phối hợp với các địa phương đang có dịch thực hiện bao vây, khống chế, dập tắt không để dịch lây lan ra diện rộng; kiểm tra, giám sát, cảnh báo nguy cơ đối với những vùng chưa xảy ra dịch; hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp vệ sinh, tiêu độc, khử trùng để hạn chế lây lan.

Cung ứng đầy đủ, kịp thời vắc xin, thuốc sát trùng để triển khai tiêm phòng, tiêu độc khử trùng phòng, chống dịch bệnh. Cập nhật, báo cáo tình hình dịch bệnh hằng ngày để chỉ đạo xử lý kịp thời.

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình, diễn biến dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh lở mồm long móng để người chăn nuôi biết và chủ động trong công tác phòng, chống; khi phát hiện gia súc có dấu hiệu mắc bệnh phải thông tin, báo cáo và tổ chức phòng, chống dịch bệnh kịp thời.

Cập nhật thông tin, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tình hình, diễn biến dịch bệnh lở mồm long móng trước 16h00’ hằng ngày.

Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh phân công, chỉ đạo lực lượng công an, quản lý thị trường tích cực phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã tăng cường kiểm tra, giám sát việc mua bán, vận chuyển trái phép gia súc, sản phẩm gia súc trong những vùng đã xảy ra bệnh lở mồm long móng, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp vi phạm; chỉ đạo, phân công cán bộ trực tại các các chốt kiểm soát dịch bệnh khi được thành lập.

Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh bảo đảm kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch; hướng dẫn các đơn vị quản lý, sử dụng kinh phí đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả và thanh quyết toán theo quy định.

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo chính quyền cấp xã, các đơn vị chuyên môn khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Luật Thú y; Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn; Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 28/12/2018 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường công tác phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi vụ Đông Xuân 2018-2019. Củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật cấp huyện. Phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch.

Thông tin tuyên truyền về tình hình, diễn biến dịch bệnh đến người dân, từ đó tự giác không tham gia các hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn ra vào vùng dịch.

Chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp gia súc mắc bệnh; báo cáo tình hình, diễn biến dịch để chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh kịp thời, hiệu quả.

Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn; không cho giết mổ, mua bán, vận chuyển gia súc bị bệnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

Thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật và các biện pháp kỹ thuật trong phòng, chống dịch bệnh; quyền lợi, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, nhằm đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, giảm thiểu nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh.

Đối với huyện Văn Yên, Trấn Yên đang có ổ dịch lở mồm long móng cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân tại địa phương để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, chỉ đạo, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch. Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, Ủy ban nhân dân các xã đang có dịch phối hợp với cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân hiểu rõ tác hại, cách nhận biết, nguồn bệnh, đường lây truyền, triệu chứng lâm sàng của bệnh lở mồm long móng và cử cán bộ trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch; tổ chức tiêm phòng khẩn cấp cho gia súc khoẻ tại các thôn xảy ra dịch, tiêm phòng bao vây ổ dịch theo hướng từ ngoài vào trong đối với gia súc mẫn cảm tại các thôn chưa có dịch trong cùng xã và các xã tiếp giáp xung quanh xã có dịch; thường xuyên giám sát dịch bệnh theo yêu cầu; tổ chức tiêu hủy bắt buộc toàn bộ số lợn mắc bệnh trong ổ dịch với triệu chứng lâm sàng điển hình để giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch, xử lý dứt điểm các ổ dịch; tổng vệ sinh, phun thuốc tiêu độc khử trùng, không để phát sinh các ổ dịch mới.

Thành lập các chốt kiểm soát dịch bệnh để kiểm soát không cho vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc ra vào vùng có dịch; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định hiện hành. Trường hợp phải thành lập các chốt kiểm soát dịch bệnh trên các tuyến đường do tỉnh, trung ương quản lý, phải có văn bản báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh đồng ý chủ trương trước khi thành lập.

Cập nhật, báo cáo hằng ngày tình hình, diễn biến dịch bệnh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Chi cục Chăn nuôi và thú y) tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

Chủ động bố trí nguồn kinh phí dự phòng hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Trường hợp vượt quá khả năng cân đối của ngân sách địa phương, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, hỗ trợ kịp thời.

Báo Yên Bái, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác cho các cấp, các ngành và người dân về tình hình, diễn biến dịch bệnh và các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch. Việc thông tin phải hết sức thận trọng, đúng quy định pháp luật và tránh gây tâm lý hoang mang trong nhân dân.

Các sở, ngành còn lại theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương triển khai thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch.

YBĐT

Các tin khác
Ảnh minh họa

Công chức được cử dự thi nâng ngạch nhưng không đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện hoặc không đúng yêu cầu của vị trí việc làm thì không được tham dự thi nâng ngạch.

Ảnh minh hoạ.

Thủ tướng vừa yêu cầu đẩy mạnh công tác cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Ảnh minh họa

Tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1/2019; quy định mới về thi tuyển công chức; thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại 9 địa phương;... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 1/2019.

Giao dịch điện tử trong hoạt động nghiệp vụ ngân hàng đang ngày càng phổ biến.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 165/2018/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính. Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính phải tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Điều 5 của Luật Giao dịch điện tử; quy định của pháp luật chuyên ngành và các quy định pháp luật liên quan.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục