Theo đó, dự thảo đã bổ sung quy định về các hình thức tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp, cơ chế góp quyền sử dụng đất, điều chỉnh lại quyền sử dụng đất đối với các dự án tập trung đất nông nghiệp; chính sách khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện tập trung đất để sản xuất nông nghiệp…
Ông Nguyễn Văn Chinh, Tổng Giám đốc điều hành Kim Sơn Farm tại xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội khẳng định, trong bối cảnh hiện nay, đất đai manh mún sẽ không tạo được vị thế cho người nông dân trong chuỗi giá trị ngành nông nghiệp. Ông Nguyễn Văn Chinh mong muốn Luật đất đai sửa đổi sẽ gỡ được những rào cản chính sách trong tích tụ và tập trung đất nông nghiệp.
"Doanh nghiệp chúng tôi có tiếng nói và có quyền đàm phán cũng như có quyền đảm bảo quyền lợi của mình trong hợp đồng mà không cần đến sự can thiệp của chính quyền. Tuy nhiên, chúng tôi xuất phát từ những nông dân sản xuất giỏi, những thanh niên trẻ được đào tạo về kỹ thuật nông nghiệp cũng như tham gia trong quá trình sản xuất, nhưng chúng tôi còn rất nhiều khó khăn về cơ chế làm sao để tích tụ được, chúng tôi thấy chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn” - ông Nguyễn Văn Chinh nói.
Với những quy định mới về quản lý sử dụng đất nông nghiệp, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sẽ góp phần điều chỉnh đất đai theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu của các thành phần kinh tế, thúc đẩy tích tụ tập trung đất đai theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, tập trung, hiệu quả.
TS. Hoàng Thị Thu Huyền, Giám đốc Trung tâm Kinh tế học, Viện Khoa học Xã hội Vùng Nam bộ cho rằng: "Vấn đề là chúng ta kiểm soát như thế nào, chúng ta nên mở hạn điền và cho chuyển đổi quyền sử dụng đất cho cả doanh nghiệp hoặc là những hộ mà không phải là nông nghiệp mà chúng ta kiểm soát chuyện đó, nếu thực sự anh làm nông nghiệp thì tạo điều kiện cho anh làm”.
Hiện trạng sử dụng đất nông nghiệp hiện nay, 90% đất sản xuất nông nghiệp do hộ gia đình cá nhân quản lý sử dụng với phương thức sản xuất phân tán quy mô nhỏ, hiệu quả thấp còn phổ biến. Trong khi đó, quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động trong khu vực nông thôn chưa đồng bộ với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, dịch vụ; hộ nông dân vẫn có tâm lý phòng xa những lúc khó khăn phải quay về quê hương, lấy sản xuất nông nghiệp làm chỗ dựa... nên vẫn giữ ruộng dù có để ruộng hoang.
Chính vì vậy, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan, nội dung thành lập ngân hàng đất nông nghiệp được đề cập trong Dự thảo Luật đất đai sửa đổi sẽ tạo thuận lợi cho quá trình tập trung, tích tụ ruộng đất.
"Hợp tác xã đang đi thuê đất của những người nông dân mà người ta đã đi làm công nghiệp, thuê đất lại để mở rộng quy mô diện tích liên kết nhưng cũng rất hồi hộp. Bởi vì không biết người dân đòi lại lúc nào thì thực ra thì bây giờ thì trong dự thảo Luật đất đai bắt đầu xuất hiện một mô hình mới gọi là ngân hàng đất đai, tức là giống như tiền nhàn rỗi, thì gửi vô đó vị nào cần thì lấy lại, tôi nghĩ rằng ngân hàng đất đai cũng sẽ xử lý được những trường hợp đó” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
(Theo VOV)