Đất đai là tư liệu sản xuất quan trọng của sản xuất nông nghiệp, là tài sản quý của nông dân. Do vậy, một trong những nội dung được đông đảo người dân quan tâm là những thay đổi của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ có tác động như thế nào đến gần 10 triệu hộ nông dân và các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Có nhu cầu mở rộng sản xuất nông nghiệp nhưng bà Đặng Thị Cuối, Giám đốc HTX Nông nghiệp Cuối Quý ở xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng – TP Hà Nội) đang gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề thuê đất. Việc xây dựng một số công trình nhà xưởng, nhà sơ chế phục vụ hoạt động sản xuất trên đất nông nghiệp của bà Cuối cũng không được chính quyền địa phương chấp thuận bởi các quy định của Luật Đất đai 2013 hiện hành.
Vì vậy, bà Đặng Thị Cuối đề nghị: "Chỉ thuê được 5 năm một nên nhà đầu tư tôi cũng lo lắm vì họ không quy hoạch cho vào vùng nông nghiệp công nghệ cao; nếu họ quy hoạch cho vào vùng đất được lâu dài thì tôi sẵn sàng đầu tư hơn, còn bây giờ chỉ làm cầm chừng, cũng chẳng dám phát huy năng lực của mình".
Một trong những nội dung của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là hướng tới hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp. Thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất nông nghiệp. Quy định chặt chẽ các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Ông Cao Thành Văn – Giám đốc HTX Artemia Vĩnh Châu – Bạc Liêu cho rằng, quy định này có thể gây khó khăn cho các tổ chức hợp tác xã khi có nhu cầu thuê đất để mở rộng sản xuất.
"Đất thì Nhà nước cho thuê bao nhiêu năm nay, cứ 5 năm làm tới mà bây giờ để làm chương trình phải có hợp đồng thuê đất dài hạn thì mình mới triển khai chương trình, dự án được… Theo Luật Đất đai là phải đấu giá mà đấu giá thì hợp tác xã đâu có tư cách để đấu giá" - ông Văn bày tỏ,
Khó khăn trong việc tiếp cận nguồn lực đất đai khi có nhu cầu mở rộng sản xuất là tình trạng chung của nhiều hộ nông dân, hợp tác xã. Được chính quyền địa phương hướng dẫn làm hồ sơ thuê đất nông nghiệp để triển khai dự án sản xuất nhưng hơn 2 năm nay, anh Nguyên Hữu Vinh và các thành viên Hợp tác xã Tam Quan (huyện Hoài Nhơn – tỉnh Bình Định) vẫn mòn mỏi chờ đợi quyết định của cơ quan quản lý. Điều này gây khó khăn trong việc triển khai dự án sản xuất cũng như thiệt hại kinh tế cho hợp tác xã.
Nói về những tác động mà Luật Đất đai (sửa đổi) có thể đem lại cho người nông dân, hợp tác xã nông nghiệp, anh Nguyễn Hưu Vinh mong muốn: "Sửa đổi Luật Đất đai làm sao khi có nhu cầu làm kinh tế tập thể hoặc là Nhà nước tạo điều kiện thuê đất thì có cơ chế thủ tục giấy tờ để mình xây dựng nhà xưởng, hoặc là quy hoạch một cánh đồng của hợp tác xã mà bà con nông dân cùng góp vào ý…".
Nhiều ý kiến cho rằng, sẽ là bất hợp lý nếu hạn chế tối đa mục đích sử dụng đất nông nghiệp. Luật Đất đai (sửa đổi) cần cân nhắc việc cho người dân có quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất trên đất nông nghiệp, từ cây này sang cây khác, từ cây sang con hoặc phát triển các mô hình kinh doanh tổng hợp trên đất nông nghiệp theo nhu cầu thị trường… miễn là mục đích nông nghiệp vẫn là chủ yếu (chiếm 80% tổng diện tích sử dụng đất).
Ông Hồ Xuân Hùng – Nguyên Thứ trưởng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho rằng, việc tái cơ cấu lại tư duy về phát triển nông nghiệp đi đôi với cơ cấu lại quỹ đất nông nghiệp có ý nghĩa nền tảng để Luật Đất đai (sửa đổi) tạo ra những tác động tích cực đến lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nước ta.
Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ trao "quyền sử dụng” đất nông nghiệp gần như quyền sở hữu để người nông dân, tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực từ đất đai. Bởi muốn xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, theo hướng hàng hóa và quy mô lớn mà đất đai lại không được quản lý theo đúng quy luật thị trường thì đến một ngưỡng nào đó, nông nghiệp rất khó phát triển.
(Theo VOV)