Chỉ thị của UBND tỉnh Yên Bái về công tác phòng, chống lụt, bão - giảm nhẹ thiên tai năm 2007
- Cập nhật: Chủ nhật, 15/4/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Để có biện pháp hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, ngày 9/4/2007, UBND tỉnh đã ra Chỉ thị số 10/CT-UBND "Về công tác phòng, chống lụt, bão giảm nhẹ thiên tai năm 2007". Sau đây là nội dung chi tiết:
Chủ động các biện pháp hạn chế ách tắc giao thông.
|
Năm 2007, thời tiết vẫn diễn biến phức tạp, theo dự báo của Tổ chức Khí tượng thế giới, khu vực Thái Bình Dương và Đông Dương chịu ảnh hưởng của hiện tượng Lalina nên khí hậu thời tiết có những diễn biến bất thường. Để chủ động phòng, tránh hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái yêu cầu các cơ quan, ban ngành, đoàn thể; ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, kể cả các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt các nội dung sau:
1.Tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm công tác phòng, chống lụt, bão năm 2006, xác định rõ những nguyên nhân, tồn tại để xây dựng kế hoạch và phương án phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai năm 2007 chi tiết, cụ thể, đảm bảo thống nhất đồng bộ từ huyện đến xã, thôn bản nhất là đối với các vùng trọng điểm xung yếu; có kế hoạch phối hợp chặt chẽ giữa ban, ngành, địa phương nhằm đối phó kịp thời, có hiệu quả với tình huống bất lợi khi thiên tai xảy ra.
2.Kiện toàn tổ chức ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão các cấp, các ngành, đặc biệt là cấp xã. Đối với các địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng lũ lụt, chủ tịch UBND trực tiếp làm trưởng ban.
Củng cố mạng lưới thông tin liên lạc, mạng lưới cảnh báo, dự báo đảm bảo thông tin thông suốt trong mọi tình huống; thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban trong mùa mưa lũ.
3. ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm:
-Phối hợp với ngành chức năng để kiểm tra, đánh giá sự an toàn của các công trình chống lũ như: hồ Thác Bà, đê Trấn Yên, các hồ chứa nước, các công trình giao thông và cơ sở hạ tầng khác. Khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai đối với các công trình bị thiệt hại năm 2006, đồng thời xây dựng phương án chống lũ, bảo vệ an toàn công trình và cho nhân dân vùng hạ lưu.
- Những vùng thường xuyên bị ngập lụt ở 2 ven sông Hồng thuộc thành phố Yên Bái, huyện Trấn Yên và Văn Yên; vùng lòng hồ Thác Bà thuộc Yên Bình và Lục Yên, UBNDcác huyện, thành phố phải có phương án phòng, chống cụ thể để đảm bảo đủ phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra bão lũ.
- Các huyện thường bị ảnh hưởng của lũ quét, sạt lở đất như: Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn, Nghĩa Lộ, thành phố Yên Bái… thì UBND huyện, thị xã cần chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, rà soát kỹ, thống kê các địa bàn dân cư, những thôn bản và những hộ dân sống ở khu vực dễ bị ảnh hưởng trực tiếp của lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt chuẩn bị kỹ phương án tại chỗ. ở những địa bàn dân cư vùng sâu, vùng xa, vùng có nguy cơ bị chia cắt khi có lũ lớn thì phải có phương án dự trữ một số mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, dầu thắp, thuốc cấp cứu, thuốc phòng dịch… và phải bố trí lực lượng hỗ trợ để xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra.
-Đối với các huyện, thị xã, thành phố, năm 2006 bị thiệt hại do lũ quét thì cần tập trung chỉ đạo việc khắc phục hậu quả nhằm ổn định đời sống, sinh hoạt cho nhân dân, đồng thời vận động nhân dân kiên quyết tháo dỡ những vật kiến trúc, vật cản, cây cối… đang vi phạm lòng suối; phải khơi thông dòng chảy nhất là những điểm bị thu hẹp xong trước mùa mưa lũ năm 2007.
4.Các sở, ban, ngành có trách nhiệm:
- Thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh thường xuyên kiểm tra, xem xét việc xây dựng phương án phòng chống lụt bão của các địa phương; tham mưu giúp ủy ban nhân dân tỉnh việc điều hành, xử lý kịp thời, có hiệu quả trong việc đối phó với thiên tai; kiểm tra đôn đốc các sở, ngành, các địa phương thực hiện công tác phòng chống lụt bão năm 2007.
- Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh - cơ quan thường trực về tìm kiếm cứu nạn của tỉnh chuẩn bị lực lượng, phương tiện; xây dựng phương án sẵn sàng ứng cứu, chi viện các tình huống khẩn cấp về mưa lũ, coi đây là nhiệm vụ thường trực chiến đấu của quân đội.
- Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn tỉnh nâng cao chất lượng dự báo, đặc biệt là việc dự báo sớm các khả năng xuất hiện và diễn biến của các tình huống phức tạp để phục vụ cho công tác chỉ huy, chỉ đạo; cung cấp kịp thời các số liệu về dòng chảy, về mưa lũ cho Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh và các ban, ngành, địa phương liên quan để đối phó kịp thời với mọi diễn biến của thiên tai.
- Công an tỉnh đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội khi có thiên tai xảy ra, phối hợp với lực lượng quân đội, với các ngành và địa phương tham gia cứu hộ, cứu nạn.
- Sở Bưu chính - Viễn thông, Bưu điện tỉnh đảm bảo thông tin thông suốt trong mọi tình huống từ tỉnh đến các địa phương, cơ sở nhất là những vùng thường xuyên bị ngập lụt và lũ quét, sạt lở đất.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Thường trực phòng, chống lụt bão tỉnh phối hợp với các địa phương chỉ đạo hoàn thành kế hoạch gia cố tu bổ hệ thống đê điều, hồ đập và các công trình thủy lợi trước mùa mưa lũ; tổ chức kiểm tra và bố trí lực lượng phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc và cây trồng ở những khu vực xảy ra thiên tai; nhanh chóng dập tắt các ổ dịch ngay khi mới phát sinh; chuẩn bị đủ giống dự phòng cho sản xuất nông nghiệp.
- Sở Giao thông vận tải có kế hoạch đảm bảo giao thông thông suốt cho các tuyến đường trọng điểm; chuẩn bị sẵn sàng vật tư, phương tiện, lực lượng ứng cứu và thay thế khi có sự cố giao thông xảy ra.
- Sở Thương mại và Du lịch phối hợp với ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có kế hoạch đảm bảo dự phòng các mặt hàng thiết yếu, thực hiện cung ứng hàng cho vùng sâu, vùng xa trước mùa mưa lũ.
- Sở Văn hóa - Thông tin, Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Yên Bái và các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác truyền tin, phổ biến kịp thời các thông tin dự báo thời tiết, các chủ trương, chỉ thị, mệnh lệnh về công tác phòng chống lụt bão; phối hợp với cơ quan chuyên môn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân những kiến thức cơ bản về phòng, chống lụt, bão và giảm nhẹ thiên tai.
- Các sở: Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục - Đào tạo và các ban ngành có liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao cần tăng cường công tác phòng, chống lụt, bão và khắc phục hậu quả mưa lũ năm 2007.
- Các sở, ban, ngành của tỉnh ngoài việc làm tốt công tác phòng, chống lụt, bão bảo vệ cơ sở của ngành mình, cần sẵn sàng lực lượng, phương tiện để tham gia vào công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả mưa lũ theo sự điều động của ủy ban nhân dân tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, ban ngành, đoàn thể thuộc tỉnh, các cơ quan Trung ương đóng tại tỉnh, chủ tịch, ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.
KT.Chủ tịch
Phó chủ tịch
Nguyễn Văn Bình
(Đã ký)
Các tin khác
Ngày 12-4, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện để phòng chống và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng cháy rừng, bảo vệ tài nguyên rừng và môi trường thiên nhiên.
Bộ Nội vụ vừa có văn bản làm rõ thêm một số điểm liên quan đến thời điểm nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức được quy định trong Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 và Pháp lệnh cán bộ, công chức. Theo đó, thời điểm hưởng chế độ hưu (hưởng lương hưu do Bảo hiểm xã hội chi trả) là thời điểm quyết định nghỉ hưu có hiệu lực thi hành.
Theo Nghị định 63 vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, tổ chức, cá nhân nào có hành vi phá hoại cơ sở hạ tầng thông tin Quốc Gia, mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, thì bị phạt tiền tối đa 100 triệu đồng.
Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Tổng Thanh tra, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố liên quan thanh tra về việc đầu tư, mua sắm trang thiết bị và quy hoạch các đài phát thanh, truyền hình địa phương, bảo đảm tiến độ và chất lượng; kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với các tập thể, cá nhân có sai phạm, thu hồi triệt để tiền vốn của Nhà nước bị thất thoát, chiếm đoạt.