Bổ sung chính sách mới đối với người có công với cách mạng
- Cập nhật: Thứ ba, 20/11/2007 | 12:00:00 AM
Tính từ năm 1947, năm khởi điểm triển khai chính sách ưu đãi người có công (UĐNCC), bắt đầu với 2 chính sách ưu đãi thương binh và liệt sĩ, 3 đối tượng được thụ hưởng thì đến nay chính sách UĐNCC đã mở rộng tới 10 nhóm chính sách, với 13 đối tượng được hưởng.
Tuỳ theo từng giai đoạn và điều kiện của đất nước qua các thời kỳ, chính sách UĐNCC với cách mạng liên tục được sửa đổi, bổ sung kịp thời theo hướng mở rộng đối tượng, bổ sung chính sách và đơn giản hóa thủ tục hành chính trong xác nhận và thực hiện chế độ chính sách ưu đãi.
Tính đến nay cả nước có hơn 8 triệu người với 13 diện đối tượng hưởng chế độ ưu đãi và chăm sóc, Nhà nước cơ bản "phủ sóng" chính sách đến hầu hết các đối tượng có công với cách mạng. Trong đó có khoảng 1,5 triệu người hưởng trợ cấp hàng tháng, hơn 4 triệu người hưởng trợ cấp một lần.
Đối tượng được hưởng 2 chế độ trợ cấp
Theo Thông tư số 25/2007/TT-BLĐTBXH do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) mới ban hành, sẽ bổ sung một số chính sách ưu đãi dành cho các đối tượng đang hưởng chế độ.
Về việc giải quyết chế độ đối với thương, bệnh binh là công nhân viên chức (CNVC) nghỉ việc hưởng chế độ mất sức lao động, Thông tư quy định, CNVC có thời gian công tác thực tế từ 20 năm trở lên hoặc chưa đủ nhưng có đủ 15 năm công tác liên tục trong quân đội, công an đồng thời là thương binh có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật từ 21% trở lên; hoặc có dưới 20 năm công tác, nhưng tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do ốm đau, bệnh tật còn từ 61% trở lên (sau khi đã trừ tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật) thì được hưởng 2 chế độ trợ cấp: mất sức lao động và thương tật; nếu sau khi trừ tỷ lệ này còn dưới 61% thì được chọn hưởng 1 trong 2 chế độ trợ cấp nêu trên.
Cũng tương tự, bệnh binh có thời gian công tác liên tục trong quân đội, công an từ 15 năm trở lên hoặc chưa đủ nhưng cộng thời gian công tác thực tế trước đó có đủ 20 năm trở lên đồng thời là thương binh có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật từ 21% trở lên; hoặc có dưới 15 năm, nhưng tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do ốm đau, bệnh tật còn từ 41% trở lên (sau khi đã trừ tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật) thì được hưởng 2 chế độ trợ cấp: bệnh binh và thương tật; nếu sau khi trừ còn dưới 41% thì được chọn hưởng 1 trong 2 chế độ trợ cấp này.
Bên cạnh đó, NCC với cách mạng được Nhà nước trao tặng Huân Huy chương kháng chiến đã chết mà chưa được hưởng chế độ thì thân nhân sẽ được hưởng trợ cấp 1 lần như quy định đối với thân nhân NCC chết trước ngày 1/1/1995.
Ngoài ra, Nhà nước sẽ xem xét, giải quyết cho hưởng lại chế độ ưu đãi đối với NCC với cách mạng đang hưởng chế độ ưu đãi mà bị kết án tù trên 5 năm có thời gian chấp hành hình phạt tù quy định tại bản án đã tuyên kéo dài đến sau 30/9/2005.
Quy định mới về cấp giấy báo tử và giấy chứng nhận bị thương
Cùng với việc bổ sung chính sách, việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công còn không ngừng được cải cách về cơ chế, thủ tục nhằm huy động sự đóng góp của cộng đồng, động viên sự vươn lên của đối tượng, đảm bảo sự ổn định lâu dài đời sống của NCC.
Cụ thể, theo Thông tư mới ban hành miễn giám định mức độ suy giảm khả năng lao động đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học đồng thời là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, người hưởng chế độ mất sức lao động. Đồng thời, không thực hiện giám định sức khoẻ đối với con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học, mà căn cứ vào tình trạng dị tật thực tế để xét trợ cấp theo mức 470.000đ/tháng hoặc 238.000đ/tháng.
Người hy sinh đã được ghi là liệt sĩ trong các giấy tờ như: giấy báo tử trận; Huân chương, Huy chương; giấy chứng nhận đeo Huân chương, Huy chương; Bảng vàng danh dự; Bảng gia đình vẻ vang hoặc lịch sử Đảng của cấp xã, phường, thị trấn trở lên.
Cấp giấy báo tử đối với người hy sinh trước 1/10/2005 chưa được xác nhận là liệt sỹ trong trường hợp người hy sinh trong chiến đấu hoặc trực tiếp phục vụ chiến đấu đã được nhân dân, chính quyền địa phương suy tôn, đưa hài cốt vào an táng trong nghĩa trang liệt sĩ (có giấy xác nhận của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội nơi đang quản lý mộ).
Cấp giấy chứng nhận bị thương đối với người bị thương trước 1/10/2005 chưa được hưởng chế độ thương tật trong trường hợp người bị thương có vết thương được ghi nhận trong các giấy tờ gốc như: lý lịch cán bộ, lý lịch đảng viên, lý lịch quân nhân được lập trước ngày 1/1/1995; phiếu chuyển thương, chuyển viện lúc bị thương; bệnh án điều trị khi bị thương; giấy ra viện khi bị thương.
Bộ LĐTBXH cũng tiến hành cải cách thủ tục hành chính trong quá trình xem xét, xác nhận NCC theo hướng phân cấp, qui định rõ thẩm quyền và trách nhiệm trong từng khâu, nhằm đảm bảo việc thực hiện chính xác chế độ ưu đãi, như trách nhiệm lập hồ sơ liệt sỹ, cấp lại Bằng Tổ quốc ghi công…
(Theo HNMĐT)
Các tin khác
Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền vừa ký ban hành Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 37/2007/NĐ-CP của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập.
Ngày 13-11, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1721/CĐ-TTg gửi Ban Bí thư, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ quan Trung ương của các đoàn thể.
YBĐT - Dịch tiêu chảy cấp tính đến ngày 2/11 đã lan ra 8 tỉnh, thành trong cả nước với tốc độ lan rất nhanh. Trước tình hình đó, mới đây UBND tỉnh Yên Bái đã có Công điện khẩn số 15/CĐ-UBND gửi các cơ quan, ban, ngành, địa phương, cơ quan thông tin đại chúng trong tỉnh thực hiện ngay một số nhiệm vụ phòng chống dịch. Nội dung như sau:
Ngày 2-11, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1638/CÐ-TTg gửi Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: Huy động cả hệ thống chính trị tuyên truyền phòng, chống dịch; bao vây dập các ổ dịch trong thời gian sớm nhất; Chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm nếu để dịch lan rộng trong địa bàn.