Thái Lan trước cơn lốc mới
- Cập nhật: Thứ bảy, 29/3/2014 | 2:12:40 PM
Theo kế hoạch, ngày 29-3, thủ đô Bangkok (Thái Lan) sẽ chứng kiến một cuộc biểu tình được cho là lớn nhất do Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân (PDRC) phát động nhằm yêu cầu cải cách chính trị trước khi tổ chức cuộc tổng tuyển cử mới.
Phe Áo vàng biểu tình ngày 28-3 ở Bangkok.
|
Phe Áo đỏ, lực lượng ủng hộ chính phủ, cũng kêu gọi các thành viên chuẩn bị sẵn sàng, cùng tham gia cuộc mít tinh quy mô diễn ra vào ngày 5-4, để bày tỏ ủng hộ Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra. Chính trường Thái Lan lại tăng nhiệt không chỉ bởi các cuộc biểu tình mà còn vì xuất hiện những đồn đoán về một chính phủ lâm thời mới.
Áo đỏ - Áo vàng không nhượng bộ
Thủ lĩnh phe Áo đỏ Chatuporn cũng đã kêu gọi chuẩn bị tham gia cuộc mít tinh quy mô ở thủ đô Bangkok và các khu vực khác vào ngày 5-4 để bày tỏ ủng hộ Thủ tướng tạm quyền Yingluck. Nguyên nhân chính khiến phe Áo đỏ quyết định tổ chức biểu tình lần nữa là để cho cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban, thủ lĩnh phe đối lập, biết rằng, phần lớn nhân dân Thái Lan đều mong đợi chính phủ do người dân bầu chọn. Phe Áo đỏ sẽ không chấp nhận một thủ tướng lên cầm quyền qua kênh khác. Trước đó, ngày 25-3, Thủ tướng tạm quyền Yingluck cam kết chính phủ của bà sẽ không đầu hàng bất cứ hành vi phi dân chủ nào và sẽ tiếp tục điều hành đất nước cho tới khi có một chính phủ mới thông qua bầu cử.
Trong bối cảnh Thủ tướng tạm quyền Yingluck đang đứng trước nguy cơ bị phế truất vì vai trò của bà trong chương trình trợ giá gạo gây tranh cãi và tin đồn về một chính phủ lâm thời mới, đảng Puea Thai (Vì nước Thái) cầm quyền ngày 27-3 đã gửi thư tới Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon cho biết nguyên tắc dân chủ ở Thái Lan đang bị cản trở và gây rối nghiêm trọng bởi các nhân tố “phi dân chủ”. Bức thư nêu rõ cuộc xung đột chính trị ở Thái Lan đã kích động những đối tượng công khai phản đối các nguyên tắc dân chủ, gieo rắc bất ổn trên các đường phố ở thủ đô Bangkok, cũng như cản trở và gây rối bằng vũ lực đối với cuộc tổng tuyển cử hôm 2-2. Theo đảng Puea Thai, các cuộc biểu tình chống chính phủ do ông Suthep dẫn đầu đòi bổ nhiệm một thủ tướng không qua bầu cử để thay thế Thủ tướng tạm quyền Yingluck là hành động trái với hiến pháp và các nguyên tắc dân chủ.
Rối ren, bế tắc
Báo Bangkok Post ngày 28-3 cho biết Liên minh châu Âu (EU) đã ra tuyên bố kêu gọi “Thái Lan thiết lập thời gian biểu rõ ràng cho các cuộc bầu cử mới phù hợp với khuôn khổ dân chủ và Hiến pháp Thái Lan”. Bà Catherine Ashton, Cao ủy Chính sách Đối ngoại của EU, kêu gọi các bên kiềm chế bạo lực, hành động phù hợp với các nguyên tắc dân chủ và quy định của pháp luật, cam kết đối thoại để tìm giải pháp hòa bình lâu dài.
Trước những tin đồn, theo báo Bangkok Post, các nhà phân tích chính trị tin rằng lực lượng biểu tình thuộc PDRC đang trông đợi Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia (NACC) và tòa án hiến pháp ra phán quyết phế truất chính phủ của bà Yingluck, từ đó việc thâu tóm quyền lực theo điều 7 của hiến pháp sẽ được xem như chính đáng, mở đường cho việc bổ nhiệm một thủ tướng lâm thời. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ tạm quyền Thái Lan Surapun tuần trước nói, bản thân ông và 6 Phó Thủ tướng khác đã chuẩn bị sẵn sàng, một khi bà Yingluck buộc phải từ chức, thì 1 Phó Thủ tướng khác sẽ giữ chức Thủ tướng tạm quyền thay bà Yingluck. Tuy nhiên, cũng không ít người cho rằng phán quyết của tòa án sẽ mở đường cho đảng Dân chủ của cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva trở lại chính trường nhằm chấm dứt bế tắc hiện nay.
(Theo SGGP)
Các tin khác
Theo thông tin từ Cơ quan thăm dò địa chất Mỹ (USGS), ngày 29/3 đã xảy ra một trận động đất mạnh 5,3 độ Richter cách thành phố La Habra ở bang California 2km về phía Đông.
Các nghị sỹ của Crimea, nước cộng hòa tự trị từng thuộc Ukraine và hiện giờ đã trở thành một phần của nước Nga, hồi tuần trước dự kiến sẽ soạn thảo một hiến pháp mới cho khu vực trong vòng 2 tuần tới, một quan chức cấp cao trong chính phủ Crimea hôm qua (27/3) cho hay.
Ngày 27-3, LHQ đã cảnh báo nguy cơ các nhóm vũ trang Hồi giáo đang tăng cường mối liên hệ xuyên biên giới giữa Syria và Iraq, góp phần làm gia tăng những căng thẳng giáo phái trong một khu vực đã phải trải nhiều năm đổ máu.
Với 246 phiếu thuận (trong khi số phiếu cần thiết là 226), Quốc hội Ukraine ngày 27/3 đã thông qua trong lần bỏ phiếu thứ hai dự luật "Về ngăn chặn thảm họa tài chính và thiết lập các tiền đề cho phát triển kinh tế tại Ukraine".