Cuộc khủng hoảng tại Ukraine: Khó tìm thấy lối thoát
- Cập nhật: Thứ hai, 14/4/2014 | 8:28:01 AM
Khi dùng mọi nỗ lực để phế truất Tổng thống Viktor Yanukovych vào ngày 23-2, các nhà tổ chức đảo chính hiện đang nắm giữ nhiều chức vụ chủ chốt trong Chính phủ lâm thời Ukraine không ngờ rằng, kịch bản họ đã sử dụng để tiến hành cái gọi là "cuộc cách mạng" lại đang được tái hiện ở các tỉnh miền Đông.
Người biểu tình bao vây tòa nhà trung tâm Donetsk.
|
Ban đầu cũng chỉ là các cuộc biểu tình trong hòa bình nhằm yêu cầu chính quyền địa phương tổ chức trưng cầu dân ý về việc tăng quyền tự trị. Tuy nhiên, căng thẳng đã bất ngờ gia tăng từ đầu tuần trước, sau khi người biểu tình chiếm giữ tòa nhà chính quyền tỉnh Donetsk và tuyên bố thành lập nước Cộng hòa riêng, có quân đội riêng. Động thái tương tự nhanh chóng lan rộng sang Kharkov, Odessa đã đẩy Ukraine ngày càng tiến sát tới nguy cơ tan vỡ.
Ngày 13-4, người biểu tình được trang bị vũ khí đã nổ súng vào các đồn cảnh sát tại hai thành phố Kramatorsk và Krasnyi Lyman thuộc Donetsk, mở rộng phạm vi kiểm soát đối với tỉnh giáp biên giới Nga này. Trước đó, đoàn người cũng đã dùng lốp ô tô và bao cát để lập nên các chốt kiểm soát dọc con đường dẫn đến thành phố Slaviansk, từ Donetsk và Luhansk. Cảnh sát trưởng Donetsk và Slaviansk đã từ chức, đồng thời từ chối chống lại các phần tử bị cho là "khủng bố" theo lệnh từ Kiev. Trong khi đó, Thị trưởng Slaviansk tuyên bố chống lại chính quyền trung ương.
Để đối phó với tình hình phức tạp có dấu hiệu leo thang từng giờ, quyền Tổng thống Ukraine Oleksander Turchinov đã phải triệu tập cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng an ninh và quốc phòng. Chưa biết ông O.Turchinov cùng ê kíp lãnh đạo mới sẽ đưa ra biện pháp nào để xử lý bất ổn. Song những gì bộ máy cầm quyền Ukraine đã làm trong thời gian qua cho thấy đất nước bên bờ Biển Đen đang trong tình trạng mất kiểm soát. Theo giới phân tích, cái khó của chính quyền lâm thời Ukraine hiện nay là bất ổn ở miền Đông chắc chắn sẽ trở thành rào cản lớn trong việc áp dụng các biện pháp cải cách tài chính mà Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) yêu cầu như một điều kiện để cung cấp khoản vay 18 tỷ USD - số tiền Ukraine đang khao khát để tránh vỡ nợ.
Bên cạnh đó, việc các tòa nhà chính quyền và an ninh bị chiếm giữ ở nhiều khu vực sẽ gây ra trở ngại không nhỏ cho cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra vào cuối tháng 5 tới. Nếu đáp ứng yêu cầu đòi độc lập của lực lượng biểu tình, Ukraine sẽ bị xé thành nhiều mảnh. Còn biện pháp "mạnh tay" để trấn áp ở khu vực đông người gốc Nga có thể khiến Ukraine rơi vào tình trạng "nồi da nấu thịt" - điều Mátxcơva đã cảnh báo Kiev không được thực hiện.
Trong lúc tình hình nội bộ ngày càng hỗn loạn, cuộc "đấu trí" Đông - Tây trên bàn cờ Ukraine cũng không có dấu hiệu hạ nhiệt. Ngày 12-4, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ John Kerry, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã cảnh báo, bất cứ sự can thiệp vũ trang nào của nhà chức trách Ukraine vào miền Đông Ukraine cũng sẽ phá hoại những nỗ lực tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột và đe dọa cuộc đàm phán hòa bình.
Còn về phía Mỹ, Phó Tổng thống Joe Biden tuyên bố sẽ đến Ukraine vào ngày 22-4 để khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với Kiev trước cuộc bầu cử và những bước đi nhằm tăng cường an ninh năng lượng của Ukraine.
Theo các nhà phân tích, lối thoát duy nhất cho cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay là làm theo kế hoạch mà Nga đề xuất, tức là thành lập nhà nước liên bang Ukraine. Giải pháp này sẽ đem đến cho các vùng thêm nhiều quyền về kinh tế địa phương, tài chính và ngoại thương cũng như ngôn ngữ, các quan hệ văn hóa với nước ngoài và quan hệ với các nước láng giềng, gồm cả Nga.
Theo Mátxcơva, một chính quyền tạm thời lên nắm quyền nhờ một cuộc đảo chính bất hợp pháp không thể có quyền phủ quyết những gì diễn ra, mà thay vào đó là phải mời tất cả các lực lượng chính trị và các khu vực tham gia vào cuộc đối thoại toàn quốc, nơi tất cả các thành phần tham dự đều có tiếng nói và lá phiếu bình đẳng như nhau.
Tuy nhiên, ý tưởng "liên bang hóa" Ukraine không được Kiev cũng như đồng minh phương Tây ủng hộ. Họ cho rằng điều đó sẽ dẫn đến sự sụp đổ của đất nước Ukraine. Thái độ cứng rắn, không nhượng bộ liên tục được tung ra từ hai phía cho thấy, cuộc đàm phán 4 bên giữa Nga, Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU) và Ukraine dự kiến diễn ra vào ngày 17-4 tới tại Vienna (Áo) khó có thể đạt được kết quả tích cực.
Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Arsen Avakov xác nhận các lực lượng đặc nhiệm Ukraine đã được điều động tới thành phố miền Đông Slavyansk, nơi người biểu tình chiếm giữ một trụ sở cảnh sát và văn phòng cơ quan an ninh khu vực, để thực thi chiến dịch phản ứng cứng rắn đầu tiên của Kiev đối với các cuộc biểu tình ở miền Đông nam Ukraine. Ông Avakov thừa nhận đã có người thiệt mạng trong cuộc tấn công này song chỉ cho biết về phía Ukraine, một sĩ quan an ninh thiệt mạng và năm người bị thương và không đề cập đến thương vong của phía biểu tình. Trong khi đó, hãng Reuters đưa tin một người biểu tình đã thiệt mạng và hai người khác bị thương. Cùng ngày, truyền thông địa phương cho biết những người biểu tình đã giành quyền kiểm soát văn phòng thị trưởng ở thị trấn Mariupol, miền Đông Ukraine, bên bờ biển Azov. |
(Theo HNMO)
Các tin khác
Theo Reuters, ngày 13/4, đã có ít nhất 33 người thiệt mạng và 4 người bị thương khi một chiếc xe buýt đâm vào phía sau xe tải và bốc cháy tại miền Đông Mexico.
Mặc dù chưa có báo cáo nào về thiệt hại song cảnh báo sóng thần đã ngay lập tức được ban bố tại các khu vực xung quanh.
Ngày 12/4, các cuộc biểu tình chống chính phủ của hơn 20.000 người thuộc các phong trào xã hội và lực lượng cực hữu đã làm khu trung tâm thủ đô Rome của Italy tê liệt.
Liên hợp quốc ngày 10/4 cho biết đã tiếp nhận theo đúng thủ tục quốc tế đơn của Palestine xin gia nhập 13 hiệp định và công ước quốc tế.