Đàm phán 4 bên về khủng hoảng Ukraine bắt đầu tại Geneva
- Cập nhật: Thứ năm, 17/4/2014 | 1:52:14 PM
Các quan chức cấp cao từ Mỹ, Nga, EU và Ukraine hôm nay sẽ lần đầu tiên gặp nhau tại Geneva nhằm cố gắng giảm các căng thẳng đang leo thang ở miền đông Ukraine, trong bối cảnh những khác biệt giữa các bên về cuộc khủng hoảng này ngày càng gia tăng.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm nay sẽ gặp người đồng cấp Nga Sergei Lavrov.
|
Cuộc gặp tại Geneva là lần đầu tiên các ngoại trưởng từ Mỹ, EU, Nga và Ukraine ngồi xuống để hội đàm lần đầu tiên kể từ khi cuộc khủng hoảng tại Ukraine bắt đầu hồi tháng 11 năm ngoái.
Cuộc gặp hôm nay (17/4) diễn ra trong bối cảnh những bất đồng sâu sắc về tình hình đông Ukraine đã dẫn tới cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất giữa Mỹ và Nga kể từ thời Chiến tranh Lạnh.
Phương Tây cáo buộc Mátxcơva trợ giúp những người biểu tình thân Nga vốn chiếm các tòa nhà công trên khắp miền đông. Mátxcơva bác bỏ cáo buộc này.
Mỹ và EU muốn chấm dứt các cuộc chiếm đóng của những người biểu tình ở miền đông Ukraine và muốn Nga rút khoảng 40.000 binh sĩ hiện đang tập trung ở biên giới với Ukraine.
Phát biểu khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới Geneva, một quan chức Mỹ nhấn mạnh rằng Nga phải “nắm lấy cơ hội này để giảm căng thẳng” hoặc sẽ đối mặt với các lệnh trừng phạt bổ sung.
Còn Ngoại trưởng Ukraine Andriy Deshchytsya đã kêu gọi Nga “không ủng hộ các hoạt động khủng bố ở đông Ukraine”.
Nga, vốn mạnh mẽ phản đối việc lật đổ Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych hồi tháng 2, đã đề xuất một hiến pháp mới bao gồm việc chuyển giao nhiều quyền lực hơn cho các vùng.
Giới phân tích cho hay các kỳ vọng về cuộc đàm phán lần này là rất thấp.
Trong một diễn biến có liên quan, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cáo buộc người đồng cấp Nga Vladimir Putin ủng hộ các “lực lượng vô chính phủ” tại đông nam Ukraine trong một nỗ nhằm làm mất ổn định nước này, và cũng cảnh báo Putin về tổn thất kinh tế và sự cô lập quốc tế.
“Điều tôi vẫn nói là mỗi lần Nga thực hiện các bước đi nhằm làm mất ổn định Ukraine và vi phạm chủ quyền nước này, sẽ có các hậu quả sau đó”, ông Obama nói trong cuộc phỏng vấn hôm 16/3 với kênh CBS News.
Ông Obama nói thêm, ông tin rằng các biện pháp trừng phạt nhằm vào các đồng minh của Tổng thống Putin và lời đe dọa về các biện pháp bổ sung đã gây ảnh hưởng tới nền kinh tế Nga và khiến các nhà đầu tư e ngại.
Trong khi đó, Bộ ngoại giao Nga lại cáo buộc Washington “liên tục từ chối hoặc không có khả năng nhìn thấy thực tế như nó đang diễn ra, và đang cố gắng áp đặt với thế giới quan điểm xuyên tạc đối về những gì đang xảy ra tại đông Ukraine”.
(Theo Dân Trí)
Các tin khác
Với 191 phiếu thuận, 32 phiếu chống và 18 phiếu trắng, Thượng viện Italia vừa thông qua kế hoạch siết chặt đạo luật chống maphia mua phiếu bầu trong các cuộc bầu cử.
Rạng sáng ngày 17/4, Lực lượng bảo vệ bờ biển Hàn Quốc công bố thông tin cập nhật cho biết: Tính đến nay đã có ít nhất 6 người thiệt mạng, 290 người mất tích trong vụ chìm tàu Sewol tại khu vực bờ biển Tây – Nam nước này vào sáng ngày 16/4.
Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) ngày 16-4 cho biết, tổ chức này đã quyết định một loạt biện pháp ngay lập tức để củng cố lực lượng của mình tại khu vực Đông Âu do cuộc khủng hoảng tại Ucraina.
Ngày 16/4, một thành viên trong Ủy ban Bầu cử (EC) Thái Lan, ông Somchai Srisutthiyakorn cho biết nước này có thể sẽ tổ chức cuộc tổng tuyển cử mới vào ngày 20/7 hoặc 27/7.