EU bàng hoàng trong cú địa chấn lớn nhất lịch sử 59 năm

  • Cập nhật: Thứ bảy, 25/6/2016 | 8:13:51 AM

Người dân Châu Âu nói riêng và người dân thế giới có lẽ giờ này vẫn chưa hết bàng hoàng với kết quả cuộc trưng cầu dân ý về việc đi hay ở lại Liên minh châu Âu (EU) của Anh.

EU đang trải qua cơn địa chấn lớn nhất trong lịch sử của liên minh.
EU đang trải qua cơn địa chấn lớn nhất trong lịch sử của liên minh.

Hơn 46 triệu cử tri Anh hôm 23/6 đã đi bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu dân ý lịch sử. Đây là con số cao kỷ lục đối với một kỳ bỏ phiếu ở Anh. Theo kết quả vừa được công bố ngày hôm qua (24/6), 51,9% người dân Anh ủng hộ rời EU trong khi con số ủng hộ việc ở lại liên minh này chỉ là 48,1%. Như vậy, phe ủng hộ rời khỏi EU đã giành chiến thắng.

Khỏi phải nói phe đấu tranh đòi Anh rời khỏi EU đã phấn khích như thế nào. Mọi thứ vỡ òa đối với họ bởi trước đó chỉ vài giờ, họ đã nghĩ mình thất bại trong cuộc đua lần này. Điều đó được thể hiện bởi phát biểu của một số lãnh đạo phe ủng hộ rời EU, trong đó họ bắt đầu thừa nhận sự thất bại.

Lãnh đạo Đảng Độc lập Anh – ông Nigel Farage tuyên bố: “Hãy để ngày 23/6 đi vào lịch sử của chúng ta như một ngày độc lập”.

Trong khi đó, một loạt lãnh đạo Châu Âu như Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk... đều bày tỏ 23/6 là “một ngày buồn” đối với Châu Âu.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk phát biểu: “Có một thực tế không cần phải che đậy đó là chúng ta mong muốn một kết quả khác trong cuộc trưng cầu dân ý ngày hôm qua. Vào thời điểm này, tôi nhận thức được đầy đủ mức độ nghiêm trọng, thậm chí là hệ lụy xấu về mặt chính trị”.

Chiến thắng của phe ủng hộ rời EU đã đẩy nước Anh vào một con đường phía trước đầy chông gai và bất ổn. Trong khi đó, EU phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong lịch sử 59 năm của liên minh. Người ta đang lo ngại rằng, kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Anh có thể là điềm báo cho sự kết thúc của một liên minh từng được đánh giá là khối thành công nhất trong lịch sử thế giới.

Nước Anh và tương lai bất định

Vào thời điểm này, khó có thể nói chính xác Anh mất gì và được gì khi quyết định rời khỏi EU. Tuy nhiên, giới phân tích lâu nay vẫn tin rằng, Anh sẽ phải đối mặt với một “cú sốc kinh tế” và đây được xem là hậu quả lớn nhất khi Anh “ly hôn” với EU. Những hậu quả về kinh tế đối với Anh sẽ bao gồm mất hạng tín dụng AAA, mất lợi thế xuất khẩu trong khu vực thương mại tự do EU, kinh tế sẽ tuột dốc với tăng trưởng GDP giảm mạnh, đồng bảng mất giá, gần 1 triệu lao động mất việc, hàng trăm doanh nghiệp Châu Âu rời khỏi Anh và mất vị thế là trung tâm tài chính của Châu Âu.

Người dân Anh sẽ phải trả thêm tiền thuế và chi phí đi lại, du lịch sang các nước châu Âu sẽ tăng lên. Không còn chế độ tư do đi lại trong EU cũng sẽ khiến nhiều người dân Anh cũng như doanh nghiệp Anh mất đi những cơ hội tốt nhất trên thị trường lao động.

Ngoài ảnh hưởng về kinh tế, Anh sẽ mất đi vị thế đầy ảnh hưởng về mặt chính trị khi không còn là một thành viên của EU. Anh là một trong những thành viên hàng đầu của EU và bản thân liên minh này là một thế lực hàng đầu thế giới. Vị thế của Anh là rất lớn khi đóng vai trò chủ chốt trong một liên minh mạnh và gắn kết như EU. Tầm quan trọng của Anh với các đối tác lớn khác như Mỹ cũng sẽ bị giảm đi khi Anh tách ra đứng riêng. Về an ninh, quân sự, Anh rõ ràng tự cô lập mình. Thay vì được bảo vệ bởi một liên minh hùng hậu gồm 28 thành viên và đồng minh Mỹ, Anh có thể sẽ phải tự mình chống lại mối đe doạ từ chủ nghĩa khủng bố và những nguy cơ an ninh khác.

Việc Anh quyết định rời EU cũng khiến nước này phải đấu tranh với sự tồn tại của chính mình. Vương quốc Anh rất dễ tan đàn xẻ nghé bởi tỉ lệ người dân Scotland và Bắc Ireland bỏ phiếu ủng hộ ở lại EU ở mức áp đảo. Kết quả này rất dễ thúc đẩy người dân Scotland và Bắc Ireland tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý về việc tách họ ra khỏi Vương quốc Anh.

Cuộc trưng cầu dân ý ở Anh cũng đã khiến xã hội nước này chia rẽ rõ rệt giữa một bên là lực lượng ủng hộ EU và một bên là lực lượng phản đối EU. Thất bại của phe ủng hộ EU đã kéo đổ chính quyền của Thủ tướng David Cameron.

Có vẻ như cái mất đối với việc Anh rời EU là không hề ít. Vậy cái được ở đây là gì. Theo lập luận của những thành phần ủng hộ Anh rời EU thì họ đã được giải phóng, họ đã giành lại quyền độc lập, tự chủ, tự đưa ra quyết định về cuộc sống của họ. Anh sẽ không bị điều khiển bởi Brussels và không bị can thiệp quá sâu vào công việc nội bộ.

Những người ủng hộ Anh rời EU cũng tin rằng, họ sẽ giải quyết được cuộc khủng hoảng nhập cư, giảm bớt mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố, không phải chịu hậu quả từ những bất ổn hay khủng hoảng từ các nước khác và không phải đóng góp số tiền lên tới 8,5 tỉ bảng cho Liên minh châu Âu. Người dân Anh sẽ không còn phải đối mặt với cuộc cạnh tranh khốc liệt về công ăn việc làm.

Hiệu ứng domino

EU rõ ràng là choáng váng trước kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Anh. Sự ra đi của Anh là một cú giáng mạnh nhất từ trước đến nay mà EU phải hứng chịu kể từ khi được thành lập cách đây gần 60 năm. Cú giáng này khiến EU loạng choạng. Việc Anh lựa chọn rời EU đã khiến liên minh này suy yếu và phần nào mất đi uy tín, uy thế của một liên minh vốn được xem là hùng mạnh nhất, gắn kết nhất và thành công nhất từ trước đến nay.

Cuộc trưng cầu dân ý ở Anh sẽ gây ra một cơn hoảng loạn thực sự ở Châu Âu bởi người ta lo ngại về hiệu ứng domino – một hiệu ứng có thể phá tan giấc mơ Châu Âu thống nhất của nhiều người.

Để trấn an mối quan ngại trên, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã ra tuyên bố, trong đó khẳng định: “Đây là một thời khắc lịch sử nhưng chắc chắn đây không phải là lúc dành cho những sự phản ứng hỗn loạn. Tôi muốn đảm bảo với tất cả người dân rằng chúng ta cũng đã chuẩn bị cho kịch bản xấu này. Thay mặt cho 27 vị lãnh đạo, tôi có thể nói rằng chúng ta quyết tâm gìn giữ sự nhất thể của 27 thành viên. Đối với tất cả chúng ta, Liên minh là khuôn khổ dành cho một tương lai chung của chúng ta. Những năm qua là những năm tháng khó khăn nhất trong lịch sử Liên minh của chúng ta. Tuy vậy, tôi luôn luôn nhớ tới câu nói cha tôi thường nói với tôi: ‘Những thứ không thể giết chết được con thì sẽ làm cho con mạnh mẽ hơn’”.

* Tổng thống Putin: Nga chưa bao giờ can thiệp vào cuộc trưng cầu dân ý ở Anh

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua 24/6 nói rằng chính phủ Anh đã “quá tự tin” trong cuộc trưng cầu dân ý, đồng thời khẳng định Nga chưa bao giờ can thiệp vào việc “ra đi” hay “ở lại” Liên minh châu Âu (EU) của Anh.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: RIA)

Tổng thống Nga Vladimir Putin

Theo AFP, Tổng thống Putin cho rằng việc tổ chức cuộc trưng cầu dân ý ở Anh là kết quả của “không gì khác ngoài cách tiếp cận quá tự tin và thiển cận của tầng lớp lãnh đạo Anh đối với quyết định mang tính then chốt của nước Anh nói riêng và của cả châu Âu nói chung”.

“Việc này sẽ gây hậu quả đối với Vương quốc Anh, với châu Âu và với tất cả chúng tôi, hiển nhiên là như vậy”, ông Putin phát biểu trên một đài truyền hình của Nga hôm qua 24/6.

Nhiều nhà quan sát nói rằng việc người dân Anh chọn rời EU (Brexit) sẽ có lợi cho Tổng thống Putin bởi ông được cho là nhân tố gây chia rẽ các thành viên EU. Tuy nhiên, ông Putin hôm qua đã bác bỏ điều này và khẳng định nước Nga “chưa bao giờ can thiệp hay bày tỏ bất kỳ ý kiến nào về vấn đề này”. Ông phủ nhận việc gắn Nga vào cuộc trưng cầu dân ý “ra đi” hay “ở lại” EU của Anh.

“Tất nhiên chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ những gì đang diễn ra nhưng không tác động đến quá trình này theo bất cứ cách nào và cũng không có ý định làm như vậy”, ông Putin nói.

Theo Tổng thống Putin, việc người dân Anh chọn rời khỏi EU thể hiện niềm mong mỏi rằng Anh sẽ sớm ngừng việc “nuôi ăn và trợ cấp cho những nền kinh tế yếu hơn” trong khối. Ngoài ra, kết quả đó còn cho thấy người dân cũng “không hài lòng với việc giải quyết các vấn đề an ninh trong lúc khủng hoảng người nhập cư đang khiến cả châu Âu “đứng ngồi không yên””.

Người phát ngôn điện Kremlin, Dmitry Peskov, nhấn mạnh rằng không có dấu hiệu nào cho thấy Moscow vui mừng về kết quả của cuộc trưng cầu dân ý. “Brexit là vấn đề nội bộ của Anh và là vấn đề trong quan hệ giữa Anh với EU”, ông Peskov nói.

* Tổng thống Obama: Mỹ tôn trọng kết quả trưng cầu dân ý của Anh

Tổng thống Barack Obama nói quan hệ giữa Mỹ với cả Anh và Liên minh châu Âu sẽ vẫn duy trì, sau khi người Anh bỏ phiếu ủng hộ việc rời khỏi liên minh.

Tổng thống Obama phát biểu hồi tháng 4 ở London. Ảnh: Reuters

Tổng thống Obama phát biểu hồi tháng 4 ở London.

"Người dân Vương quốc Anh đã có tiếng nói và chúng tôi tôn trọng quyết định của họ", ông Obama hôm nay cho biết. "Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu sẽ vẫn là những đối tác không thể thiếu của Mỹ, kể cả khi họ bắt đầu đàm phán về mối quan hệ của mình".

Quyết định của người Anh trong việc rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) buộc Thủ tướng David Cameron từ chức và trở thành cú giáng mạnh nhất với nỗ lực đoàn kết châu Âu hơn nữa kể từ Thế chiến II.

Quyết định được các quan chức Mỹ chấp thuận, kể cả khi nó làm chao đảo Phố Wall và các thị trường chứng khoán khác trên thế giới.

Phó tổng thống Mỹ Joe Biden, người đang công du ở Ailen, nói Mỹ muốn người Anh bỏ phiếu ở lại EU hơn, nhưng tôn trọng kết quả. "Tôi phải nói rằng chúng tôi đã trông chờ một kết quả khác nhưng Mỹ có quan hệ hữu nghị lâu dài với Vương quốc Anh và sự gắn kết đặc biệt đó sẽ được duy trì", ông nói trong bài phát biểu tại thành phố Dublin.

Ông Obama hồi tháng 4 tới London theo lời mời của ông Cameron, và kêu gọi người Anh ở lại EU. Sự can thiệp bất thường này bị những người vận động để Anh rời EU chỉ trích là xen vào nội bộ.

* Phản ứng của thế giới về việc Anh rời EU

Sau khi người Anh bỏ phiếu quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), các nhà lãnh đạo châu Âu ngày 24-6 đã bắt đầu đưa ra những phản ứng trước quyết định mang tính lịch sử này.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk tuyên bố EU quyết tâm thể hiện sự đoàn kết sau khi cử tri Anh quyết định nước này rời khỏi EU. Trong tuyên bố của mình, ông Tusk tuyên bố: "Thay mặt lãnh đạo của 27 nước, tôi có thể tuyên bố rằng chúng tôi quyết tâm duy trì sự đoàn kết. Đây là thời khắc lịch sử nhưng chắc chắn không phải thời khắc của những phản ứng kích động".

Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault cho rằng đây là quyết định "đáng buồn" khi người Anh lựa chọn rời khỏi "mái nhà chung" EU, đồng thời cho rằng châu Âu cần nhanh chóng lấy lại niềm tin của người dân trong khối này.

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho biết ông rất lấy làm tiếc về quyết định của người dân Anh khi chọn rời khỏi EU, đồng thời gọi ngày 24-6 là "ngày buồn của châu Âu". Ông viết trên Twitter: "Tin tức từ Anh thực sự nghiêm trọng. Có vẻ như một ngày buồn cho châu Âu và Anh".

Trong khi đó, lãnh đạo đảng Mặt trận Dân tộc cực hữu Pháp Marine Le Pen - một trong những ứng cử viên tranh cử Tổng thống Pháp nhiệm kỳ tới, đã hoan nghênh quyết định của người Anh và kêu gọi nước Pháp và các nước châu Âu khác tiến hành các cuộc trưng cầu ý dân tương tự như ở Anh.

Còn tại Hà Lan, nghị sĩ có quan điểm chống đạo Hồi, Geert Wilders đã kêu gọi nước này tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về việc có nên rời khỏi EU hay không.

(Theo VnMedia - Dân Trí - VnExpress - SGGP)

Các tin khác
Thủ tướng Anh David Cameron.

Sau khi kết quả trưng cầu dân ý cho thấy, phần lớn cử tri Anh lựa chọn rời Liên minh châu Âu (EU), Thủ tướng Anh David Cameron đã tuyên bố sẽ từ chức.

Bản tin về vụ phóng thử tên lửa tầm trung Musudan của Triều Tiên được phát tại nhà ga ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc.

Đêm 23/6 theo giờ Hà Nội, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tiến hành cuộc họp và ra tuyên bố lên án hai vụ phóng thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên trong tuần này, gọi đây là hành vi "vi phạm nghiêm trọng" lệnh cấm quốc tế.

Ông Geert Wilders.

Trong khi cuộc bỏ phiếu rời hay ở lại EU của nước Anh mới sắp có kết quả với lợi thế nằm trong tay nhóm "thoát ly", một số chính khách tại Hà Lan và Pháp cũng đòi hai nước này có các cuộc bỏ phiếu tương tự.

Thủ tướng Anh David Cameron cùng phu nhân Samantha rời khỏi điểm bỏ phiếu ở Westminter.

Theo kết quả kiểm phiếu chính thức công bố lúc 13 giờ 19 ngày 24-6 (giờ Hà Nội), 51,8% cử tri (17.410.742 người) đã bỏ phiếu ủng hộ Anh rời khỏi EU (gọi là Brexit) trong khi chỉ có 48,1% cử tri (16.141.241 người) bỏ phiếu giữ Anh ở lại "ngôi nhà chung".

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục