Bất chấp rắc rối tiếp diễn, Tổng thống Mỹ vẫn “an toàn”

  • Cập nhật: Thứ sáu, 16/6/2017 | 9:15:16 AM

Trong “cơn bão” điều tra và cáo buộc tưởng kéo dài bất tận, Tổng thống Mỹ Donald Trump và đội ngũ của ông cũng có những cơ sở để bảo vệ mình.

Hai phiên điều trần trong vòng 1 tuần cùng một loạt cuộc thẩm vấn độc lập liên quan tới nghi vấn can thiệp vào cuộc điều tra về sự liên hệ với Nga, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục phải xoay sở với những rắc rối. Nhưng nhiều khả năng, sẽ khó có cáo buộc nào đẩy ông vào tình thế nguy hiểm.

Cuộc điều tra liên bang về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 cùng sự liên hệ của Nga với đội ngũ tranh cử của Tổng thống Donald Trump đang được mở rộng lên một mức độ mới.

Thông tin của tờ Washington Post công bố ngày 14/6 cho thấy công tố viên đặc biệt Robert Mueller đang giám sát chiến dịch này có thể cân nhắc cả giả thuyết Tổng thống Trump cản trở tư pháp. Để làm rõ nghi vấn này, 3 quan chức và cựu quan chức của ngành tình báo Mỹ đã được yêu cầu thẩm vấn trong tuần này. Đó là Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ (DNI) Dan Coats, Giám đốc Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) Mike Rogers và cựu Phó Giám đốc NSA Richard Ledgett.

Những tin tức rò rỉ vào lúc này của báo chí tiếp tục trở thành vấn đề nhạy cảm với Tổng thống Mỹ. Chúng khiến cho Nhà Trắng lại ở vào thế phòng thủ với những bài báo bới móc về hoạt động bên trong của chính quyền.

Đó là cuộc trao đổi ngày 22/3, khi giám đốc DNI Dan Coats nói với các đồng nghiệp rằng Tổng thống Trump yêu cầu ông can thiệp để Giám đốc FBI Comey không tập trung vào cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Flynn trong cuộc điều tra liên quan đến Nga. Vài ngày sau cuộc trao đổi này, Tổng thống Trump đã có cuộc gặp riêng rẽ với ông Coats và Rogers, yêu cầu họ đưa ra tuyên bố không có bằng chứng nào cho thấy có sự thông đồng giữa ban vận động tranh cử của ông Trump và Nga. Nhưng rồi cả hai quan chức này đã từ chối yêu cầu của Tổng thống.

Nhưng trong “cơn bão” điều tra và cáo buộc tưởng kéo dài bất tận, Tổng thống Mỹ Donald Trump và đội ngũ của ông cũng có những cơ sở để bảo vệ mình, trước hết là để bác bỏ những tin tức rò rỉ “có hại” kiểu này.

Đó là việc cựu giám đốc FBI James Comey, người bị Tổng thống Trump sa thải, từng cáo buộc báo chí đưa tin sai về sự thông đồng của chính quyền hiện tại với Nga. Ông Comey từng nói “nhiều, rất nhiều câu chuyện” liên quan tới việc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ là sai hoàn toàn. Đây là một món quà với Tổng thống Trump bởi ông đã có một bằng chứng khách quan rằng, không phải những thông tin báo chí đăng tải về chính quyền đều là chuẩn xác.

Như vậy, cuộc điều tra đang chuyển hướng từ việc có sự liên hệ giữa chính quyền hiện tại với Nga hay không, sang tập trung vào việc liệu Tổng thống Trump có can thiệp vào tiến trình tư pháp. Mặc dù ít có khả năng tổng thống đương nhiệm đối mặt với việc truy tố hình sự, song động thái cản trở tư pháp có thể mở đường cho việc luận tội.

Tổng thống sẽ lại can thiệp?

Áp lực đã gia tăng đáng kể với Tổng thống Mỹ Donald Trump với các diễn tiến điều tra mới nhất. Nhưng dư luận Mỹ vẫn cho rằng, tổng thống Trump sẽ “làm gì đó” nếu tình hình phát triển theo chiều hướng xấu. Bất chấp Nhà Trắng ngày 13/6 khẳng định sự tin tưởng vào cuộc điều tra mà ông Mueller đang tiến hành, và rằng Tổng thống “không có ý định” cách chức ông.

Lựa chọn của Tổng thống Mỹ dựa vào quyền hành pháp để ngăn chặn các quan chức tình báo ra điều trần. Nhưng điều đó không đảm bảo chấm dứt cuộc chiến pháp lý hỗn loạn hiện nay. Adam Schiff, một thành viên cấp cao của Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ nhận định “Đặc quyền không phải là tấm lá chắn bảo vệ hay che dấu hành vi không đúng đắn và phạm pháp. Nên chúng tôi có thể phải đưa ra tòa để ngăn chặn đặc quyền này”.

Nhưng có vẻ Tổng thống Trump chưa muốn dùng đến lựa chọn này. Hoặc ông vẫn tin rằng mình còn có thể đứng vững trước thách thức. Ông Trump đã bỏ qua đặc quyền hành pháp để ngăn chặn Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions ra điều trần trước các thành viên Ủy ban Tình báo Thượng viện. Và ông còn tuyên bố trên Twitter rằng nếu được yêu cầu ra trả lời trước Quốc hội về cựu giám đốc FBI Comey, ông sẽ “100% đồng ý”.

Phe Dân chủ mới phải đau đầu

Thực tế, hai phiên điều của cựu giám đốc FBI James Comey và bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions lại tác động tới phe Dân chủ nhiều hơn là với chính quyền của Tổng thống Trump. Các nghị sỹ Dân chủ luôn coi Tổng thống Donald Trump là một người ngoại đạo đang điều hành bộ máy hành pháp Mỹ, vậy nên có những ứng xử “rất trẻ con” và chẳng hiểu gì sự vận hành của hệ thống.

Vậy nhưng đảng Dân chủ chưa cho thấy họ sẵn lòng sử dụng “vũ khí” cuối cùng: phế truất Tổng thống. Lý do chủ yếu là vì phe Cộng hòa đang kiểm soát cả hai viện Quốc hội và một đảng Dân chủ thiểu số không muốn tiêu xài chút “vốn liếng chính trị” ít ỏi của mình vào một thứ, mà cuối cùng, sẽ chẳng mang lại kết quả gì ngoài việc lãng phí thời gian.

Nỗi lo đang ngày càng lớn với các thành viên đảng Dân chủ xung quanh chuyện đẩy mạnh cuộc chiến với Tổng thống và nước Nga sẽ làm mất lòng cử tri các bang Wisconsin, Pennsylvania, Ohio và Florida. Đây là những bang chiến địa nếu đảng này còn có ý định giành lại đa số ở Hạ viện vào năm 2018. Thậm chí, lãnh đạo phe Thiểu số tại Hạ viện Nancy Pelosi, một lãnh đạo Dân chủ cũng không nghĩ rằng phế truất Tổng thống Trump là một vở kịch khôn ngoan.

Hai cuộc điều trần vừa qua còn có thể phân hóa nội bộ phe Dân chủ nhiều hơn nữa. Nếu các tin tức trở nên tồi tệ hơn với Nhà Trắng và các nghị sĩ vẫn tiếp tục thúc đẩy kế hoạch phế truất Tổng thống, hoặc nếu các ủy ban của Quốc hội hay công tố viên đặc biệt Robert Mueller tìm ra bằng chứng về việc cản trở tư pháp của Tổng thống, phe Dân chủ sẽ rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.

Hiện tại, bà Pelosi đã ngăn cản thành công các nỗ lực đòi phế truất Tổng thống. Nhưng hoàn toàn có thể tưởng tượng ra việc sẽ có nhiều thành viên Dân chủ nhảy vào cuộc chiến này nếu tình hình có biến chuyển thuận lợi.

Đó thực sự là một kịch bản rất nan giải cho đảng Dân chủ nếu họ còn mong mỏi một “cuộc báo thù” vào cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ năm 2018./.

(Theo VOV)

Các tin khác
Một tuyến phố ở Jakarta, Indonesia. Ảnh tư liệu

Ngày 28/3, Hội đồng đại diện nhân dân Indonesia (DPR) đã chính thức thông qua dự thảo Luật Đặc khu Jakarta (Luật DKJ), đồng nghĩa rằng Jakarta không còn là Tỉnh đặc khu Thủ đô Jakarta (DKI) mà trở thành Tỉnh đặc khu Jakarta (DKJ).

Sự đau đớn của một bà mẹ Palestine ở Dải Gaza khi mất đi con trai trong đợt tập kích của Israel ngày 27-3

Tòa Công lý quốc tế (ICJ) buộc Israel, nước bị Nam Phi cáo buộc diệt chủng ở Dải Gaza, phải bảo đảm thực phẩm cho người Palestine và ngăn nạn đói lan rộng.

Ủy ban điều tra Liên bang Nga hôm 28/3 thông báo đã bắt giữ một đối tượng bị cáo buộc hỗ trợ tài chính cho những kẻ tấn công phòng hòa nhạc hôm 22/3.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu tại Kiev ngày 22/1.

Tổng thống Zelensky thúc giục Chủ tịch Hạ viện Mỹ thông qua gói viện trợ 60 tỷ USD cho Ukraine nhằm duy trì một mặt trận thống nhất đối đầu Nga.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục