Đặc phái viên Trung Quốc tới Triều Tiên là để tháo gỡ căng thẳng?

  • Cập nhật: Chủ nhật, 19/11/2017 | 7:57:50 AM

Giới quan sát phán đoán rằng chuyến đi sang Triều Tiên này có liên quan đến chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống và vấn đề hạt nhân.

Quốc kỳ Triều Tiên và Trung Quốc.
Quốc kỳ Triều Tiên và Trung Quốc.

Ngày 17/11, ông Tống Đào, Trưởng ban Liên lạc đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và cũng là đặc phái viên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới CHDCND Triều Tiên. Đây là quan chức cấp cao nhất của Bắc Kinh được cử tới Bình Nhưỡng kể từ tháng 10/2015.

Chuyến đi của ông Tống Đào được dư luận hết sức quan tâm, nhất là trong bối cảnh bán đảo Triều Tiên đang căng thẳng bởi những vụ thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Tại cuộc gặp ông Choe Ryong-hae, Phó Chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên vào hôm qua (17/11) tại thủ đô Bình Nhưỡng, ông Tống Đào đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển bền vững quan hệ hữu nghị giữa Trung Quốc và Triều Tiên. Phía Trung Quốc cũng cho biết hai bên đã nhất trí hợp tác để thúc đẩy quan hệ Trung-Triều.

Cũng tại cuộc gặp, ông Tống Đào đã gửi món quà tới nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thông qua ông Choe Ryong-hae. Chi tiết về món quà này hiện chưa được tiết lộ. Các nguồn tin ngoại giao cho biết, chuyến thăm Triều Tiên của ông Tống Đào kéo dài bốn ngày, kể từ ngày 17/11. Trong khoảng thời gian đó, đặc phái viên Trung Quốc có thể sẽ gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Về nội dung của chuyến thăm, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng trước đó cho biết: "Mục tiêu chính của chuyến thăm của ông Tống Đào, đặc phái viên của Chủ tịch Tập Cận Bình là thông báo với Triều Tiên về kết quả Đại hội lần thứ 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc (diễn ra hồi tháng trước). Ông cũng trao đổi quan điểm với các quan chức Triều Tiên về quan hệ giữa hai nước cũng như vấn đề cùng quan tâm khác. Tôi không có chương trình nghị sự chi tiết của chuyến thăm và cũng không có chủ đề cụ thể mà ông Tống Đào sẽ bàn thảo với các quan chức Triều Tiên”.

Việc Trung Quốc cử phái đoàn sang Triều Tiên sau một sự kiện quan trọng của đảng vốn thường xuyên diễn ra, nhưng lần này thời điểm chuyến đi muộn hơn bình thường. Thêm vào đó, chuyến đi diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa kết thúc 12 ngày công du châu Á, trong đó có điểm dừng Trung Quốc và vấn đề Triều Tiên là một trong những nội dung chính. Điều này khiến chuyến thăm Triều Tiên của phái đoàn Trung Quốc được giới quan sát hết sức lưu tâm.

Trong chuyến công du châu Á, Tổng thống Donald Trump đã kêu gọi các nước, đặc biệt là Trung Quốc, gia tăng hành động nhằm ngăn chặn chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Ông Trump cũng cho rằng, việc Trung Quốc gửi đặc phái viên tới Triều Tiên "là một bước đi lớn”.

Mặc dù Trung Quốc phủ nhận mọi sự liên quan giữa chuyến thăm của ông Tống Đào với chuyến công du của Tổng thống Đô-nan Trăm, nhưng giới chuyên gia nhận định, đặc phái viên Tống Đào có thể mang tới Triều Tiên một thông điệp từ cuộc hội đàm của hai nhà lãnh đạo Trung - Mỹ.

Quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên được cho là không mấy nồng ấm trong thời gian qua. Trung Quốc chịu sức ép từ Mỹ trong việc đóng vai trò chủ chốt để kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên. Sau cuộc hội đàm ở Bắc Kinh ngày 9/11, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đồng ý với nhà lãnh đạo Mỹ về cam kết hướng tới phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Xét về chiến lược, Trung Quốc chắc chắn không muốn tạo ra khủng hoảng với Triều Tiên. Tuy nhiên cũng không thể phớt lờ cảnh báo từ Mỹ. Điều này tạo ra thế khó cho đặc phái viên của Chủ tịch Tập Cận Bình khi tới Triều Tiên./.

(Theo VOV)

Các tin khác
Triều Tiên tiến hành vụ thử

Hãng thông tấn Triều Tiên (KCNA) ngày 20-4 cho biết Triều Tiên đã tiến hành thử nghiệm đầu đạn tên lửa hành trình và phóng thử tên lửa phòng không mới ở vùng biển phía Tây nước này hôm 19-4.

Bộ Quốc phòng Nga thông báo các thiết bị quân sự tham gia lễ duyệt binh mừng Ngày Chiến thắng 9/5 hiện đang trên đường tới Mátxcơva.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un.

Triều Tiên phát hành bài hát mới ca ngợi Chủ tịch Kim Jong Un là một "người cha gần gũi" và "nhà lãnh đạo vĩ đại".

Isfahan được biết đến với căn cứ không quân quân sự rộng lớn và các địa điểm quan trọng đối với chương trình hạt nhân của Iran.

Hãng ABC News dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, vào sáng sớm 19/4 (theo giờ địa phương), tên lửa của Israel đã tấn công một địa điểm tại Iran.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục