Facebook chính thức bị điều tra tại Mỹ
- Cập nhật: Thứ ba, 27/3/2018 | 12:25:18 PM
Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ vừa cho biết cơ quan này đang tiến hành điều tra cách thức thu thập thông tin người dùng của Facebook.
Ảnh minh họa
|
Đây là diễn biến mới nhất sau vụ việc liên quan tới Công ty Cambridge Analytica có trụ sở tại London, Anh khai thác trái phép thông tin của 50 triệu người dùng Facebook.
Tuyên bố do Văn phòng Bảo vệ Người tiêu dùng, thuộc Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ có viết: "Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ nghiên cứu rất nghiêm túc các phản ánh gần đây của báo chí về việc khai thác thông tin riêng tư của người dùng trên Facebook. Hôm nay, chúng tôi xác nhận đang tiến hành một cuộc điều tra không công khai về cách thức thu thập thông tin của Facebook".
Tuần trước, cơ quan này cũng đã gửi một lá thư tới Facebook yêu cầu giải trình tại sao hãng này để một công ty tư vấn như Cambridge Analytica có thể lấy được dữ liệu người dùng.
Năm 2011, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ cũng đã yêu cầu Facebook ký một bản nghị định cam kết rằng người dùng phải cho phép thì hãng này mới được sử dụng dữ liệu cá nhân của họ. Theo cam kết này, mỗi trường hợp vi phạm, Facebook có thể bị phạt lên tới 40.000 USD.
Theo CNBC, Facebook đang lưu giữ "nhất cử nhất động" của người dùng kể từ lúc họ đăng nhập. Đó là những cú nhấp chuột, các sự kiện tham dự, các dòng trạng thái, địa chỉ nhà, số điện thoại và cả những tin nhắn đến và đi… Nhiều người dùng phát hiện thông tin của họ sau đó được các bên quảng cáo khai thác.
Hiện người dùng có thể kiểm tra xem hoạt động gì đã được Facebook lưu lại bằng cách vào phần cài đặt/setting và ấn vào nút "download a copy of your Facebook data" (tải xuống bản sao dữ liệu Facebook của bạn). Một file dữ liệu sẽ được Facebook gửi lại trong vài phút.
Ngay khi Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ công bố điều tra đối với Facebook, cổ phiếu của hãng này trên sàn chứng khoán Nasdaq tại New York đã rơi xuống mốc hơn 149 USD/cổ phiếu. Tuy nhiên đến cuối phiên đã có sự hồi phục và chốt phiên ở mức 160 USD/cổ phiếu.
Các tin khác
Sự sụp đổ của cái gọi là "Vương quốc Hồi giáo" tại Syria và Iraq đã khiến các phần tử thánh chiến tăng cường hoạt động tuyển mộ tại khu vực Nam sa mạc Sahara châu Phi là nguyên nhân có thể gây ra cuộc khủng hoảng mới về người di cư sang châu Âu.
Ngày 26/3, Triều Tiên cho rằng chính sách của nước này nhằm cải thiện mối quan hệ với Hàn Quốc đang nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ cộng đồng quốc tế đồng thời kêu gọi Washington dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng.
Ngày 26-3, Cơ quan thăm dò địa chất Mỹ (USGS) thông báo một trận động đất mạnh 7 độ Richter đã xảy ra ở khu vực cách thị trấn Rabaul, trên đảo New Britain thuộc Papua New Guinea, 180 km về phía Tây. Tuy nhiên, chưa có báo cáo về thiệt hại cũng như không có cảnh báo sóng thần.
Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) đã bế mạc Khoá họp thường kỳ lần thứ 37 tại Geneva, Thụy Sĩ, sau khi thông qua 41 Nghị quyết.