Hội đồng Bảo an sẽ xem xét bãi bỏ các lệnh trừng phạt đối với Eritrea
- Cập nhật: Thứ tư, 11/7/2018 | 9:11:33 AM
Theo phóng viên TTXVN tại New York, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ thảo luận về việc bãi bỏ các lệnh trừng phạt đối với Eritrea do nước này đã đạt được thỏa thuận với Ethiopia về việc chấm dứt "tình trạng chiến tranh."
Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed (trái) tại lễ đón đoàn quan chức Eritrea do Ngoại trưởng Osman Salah (phải) dẫn đầu ở Addis Ababa ngày 26/6.
|
Trao đổi với các phóng viên tại Liên hợp quốc, Ngoại trưởng Thụy Điển Margot Wallstrom, nước giữ chức chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng 7, cho biết bà hy vọng việc bãi bỏ lệnh trừng phạt đối với quốc gia vùng Sừng Châu Phi này sẽ "sớm diễn ra," có thể là trong tháng 7.
Đại sứ Hà Lan tại Liên hợp quốc Karel van Oosterom cũng tái xác nhận rằng Hội đồng Bảo an có thể sẽ thảo luận về việc bãi bỏ lệnh trừng phạt đối với Eritrea.
Năm 2009, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với Eritrea, trong đó có lệnh cấm vận vũ khí, vì nước này tham gia gây bất ổn cho các nước láng giềng.
Ngày 9/7, Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed đã gửi công hàm tới Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres tại Addis Ababa, trong đó đề nghị bãi bỏ trừng phạt đối với Eritrea.
Về phần mình, ông Guterres nói rằng các lệnh trừng phạt sẽ tất yếu trở nên lỗi thời vì những lý do để áp đặt chúng không còn tồn tại nữa.
Quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng châu Phi này rơi vào căng thẳng kể từ sau cuộc chiến tranh biên giới 1998-2000 khiến 80.000 người thiệt mạng. Tuy hai bên đã ký kết hiệp định hòa bình ngày 12/12/2000 nhưng khu vực biên giới chung giữa hai nước vẫn căng thẳng và tiềm ẩn nguy cơ xung đột vũ trang.
Ngày 9/7 vừa qua, Ethiopia và Eritrea đã ký "Tuyên bố chung về hòa bình và hữu nghị," đặt dấu chấm hết cho cuộc xung đột kéo dài nhiều thập kỷ qua.
Các tin khác
Ít nhất 13 người trong đó có một chính khách đã thiệt mạng và 54 người khác bị thương trong một vụ đánh bom xảy ra tại một cuộc vận động bầu cử ở Tây Bắc Pakistan ngày 10/7.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu cho rằng, Washington không thể tính toán quá chi li mức chi tiêu vào việc đảm bảo an ninh và quốc phòng cho Mỹ và châu Âu.
Ngày 10-7, quân đội Pakistan khẳng định, sẽ điều động hơn 371.000 binh sĩ để bảo đảm cuộc tổng tuyển cử ngày 25-7 tới diễn ra "công bằng và tự do”. Đại diện quân đội cũng bác bỏ thông tin sắp đặt bầu cử theo hướng có lợi cho ông Imran Khan - Chủ tịch đảng Phong trào vì Công lý Pakistan (PTI).
Trang Army Times Thailand vừa reo vui trên Facebook của mình: "Tuyệt vời! Nhiệm vụ đã hoàn thành! Chú heo thứ 13 đã ra khỏi hang". Dưới đây là tường thuật về sự kiện.