Tổng thống Philippines lần đầu thừa nhận sai lầm trong cuộc chiến ma túy đẫm máu
- Cập nhật: Thứ sáu, 28/9/2018 | 4:26:45 PM
Tổng thống Rodrigo Duterte lần đầu thừa nhận đã xảy ra những vụ giết người chưa qua xét xử trong cuộc chiến chống ma túy khiến hàng nghìn người thiệt mạng tại Philippines.
Tổng thống Rodrigo Duterte .
|
Trong bài phát biểu trước các quan chức chính phủ tại phủ tổng thống ngày 27/9, Tổng thống Rodrigo Duterte một lần nữa đề cập tới cuộc chiến chống ma túy do ông phát động. Cuộc chiến này khiến hàng nghìn người thiệt mạng tại Philippines và là chủ đề gây tranh cãi trong suốt 2 năm nhiệm kỳ của ông Duterte.
Tổng thống Duterte tuyên bố các tướng lĩnh quân đội và cảnh sát có thể phế truất ông khỏi ghế tổng thống nếu họ cảm thấy không thỏa mãn với cách ông điều hành đất nước.
"Tôi đã hỏi lực lượng quân đội rằng, lỗi của tôi là gì? Tôi đã đánh cắp một đồng peso (tiền Philippines) nào à? Sai lầm duy nhất của tôi là những vụ giết người chưa qua xét xử”, Tổng thống Duterte nói.
Nhà lãnh đạo Philippines không giải thích chi tiết. Tuy nhiên đây là lần đầu tiên Tổng thống Duterte công khai thừa nhận đã xảy ra những vụ giết người không qua xét xử trong cuộc chiến chống ma túy tại Philippines dưới nhiệm kỳ lãnh đạo của ông.
Nhiều người chỉ trích đã cáo buộc các sĩ quan cảnh sát tham gia chiến dịch chống ma túy của Tổng thống Duterte sát hại nhiều nghi phạm ngay tại hiện trường, thay vì đưa họ ra xét xử tại tòa án. Ông Duterte từng cho phép lực lượng cảnh sát bắn chết các nghi phạm ngay tại chỗ nếu các đối tượng này có hành vi phản kháng.
Tổng thống Duterte đang phải đối mặt với hai cáo buộc hình sự có liên quan tới chiến dịch chống ma túy gây tranh cãi. Hai đơn kiện nhà lãnh đạo Philippines đã được gửi tới Tòa Hình sự Quốc tế (ICC), tòa án duy nhất xét xử tội phạm chiến tranh, ở The Hague, Hà Lan. Ông Duterte đã nổi đóa với vụ việc này, gọi đây là hành động can thiệp vào công việc nội bộ của Philippines và tuyên bố rút Philippines khỏi ICC.
Trong đơn kiện đầu tiên, hai người đàn ông, bao gồm một cựu sĩ quan cảnh sát và một người tự nhận là sát thủ, đã khai rằng họ từng tham gia vào các vụ sát hại nghi phạm theo lệnh của Tổng thống Duterte khi ông còn là thị trưởng thành phố Davao phía nam Philippines. Đơn kiện thứ hai do người thân của 8 nạn nhân bị giết hại trong cuộc chiến chống ma túy đệ trình hồi tháng 8, trong đó cáo buộc Tổng thống Duterte vi phạm "tội ác chống lại loài người” vì khiến hàng nghìn người thiệt mạng trong cuộc chiến chống ma túy đẫm máu.
Lực lượng Cảnh sát Quốc gia Philippines ước tính họ đã xử tử khoảng 4.500 đối tượng buôn bán và sử dụng ma túy trái phép trong các chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy trong vòng 2 năm qua. Họ khẳng định đây đều là những vụ sử dụng vũ lực hợp pháp.
Trong khi đó, các nhóm nhân quyền ước tính hơn 12.000 người đã thiệt mạng trong cuộc chiến chống ma túy tại Philippines, cao gấp gần 3 lần so với số liệu do cảnh sát cung cấp. Các nhóm nhân quyền nói rằng phần lớn nạn nhân thiệt mạng trong các vụ giết người không qua xét xử của cảnh sát.
Năm ngoái Tổng thống Duterte đã yêu cầu tạm dừng các chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy sau vụ 3 thiếu niên bị giết nhầm khiến dư luận phẫn nộ và xuống đường biểu tình. Tuy nhiên, cuộc chiến chống ma túy sau đó vẫn được tiếp tục.
Ông Duterte gần đây khẳng định sẽ tiếp tục chiến dịch chống ma túy cho tới khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống 6 năm vào năm 2022.
Các tin khác
Theo báo Anh, nghi phạm thứ 3 là một nhân viên tình báo quân đội Nga, người có thể đã thực hiện nhiệm vụ trinh sát ở Salisbury trước khi vụ tấn công xảy ra và giúp lên kế hoạch tấn công cựu điệp viên Sergei Skripal.
Một máy bay chở 47 người đã trượt khỏi đường băng và lao xuống biển ở quốc đảo Micronesia trên Thái Bình Dương. Tuy nhiên, những người trên khoang đã được cứu trợ kịp thời.
Theo báo Timesofindia, Nga và Pakistan đã ký một bản ghi nhớ (MoU) về việc triển khai dự án xây dựng một đường ống dẫn khí đốt dưới biển từ Iran tới Pakistan và Ấn Độ.
The Star đưa tin, cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak và doanh nhân đang bỏ trốn Low Taek Jho nằm trong số 18 nhân chứng sẽ bị triệu tập ra trước Ủy ban các tài khoản công (PAC) của Quốc hội nước này.