Ngày 12/10, tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Lao động Triều Tiên cho biết, Triều Tiên sẽ luôn luôn trụ vững dựa trên tinh thần tự lực tự cường của nước này ngay cả khi bị áp đặt các biện pháp trừng phạt kéo dài 100 năm.
Trong khi chỉ trích các biện pháp trừng phạt về kinh tế do Mỹ dẫn đầu, tờ Rodong Sinmun đã cáo buộc các "kẻ thù” của Triều Tiên đang thực hiện biện pháp phong tỏa quốc gia này như một kế sách cuối cùng.
Bài xã luận cũng kêu gọi người dân tăng cường phát triển kinh tế, công nghệ hiện đại và xây dựng cơ sở vật chất để vô hiệu hóa các biện pháp trừng phạt đối với quốc gia này. Bài viết được đăng tải sau cuộc họp 3 bên giữa Trung Quốc, Triều Tiên và Nga thời gian gần đây, kêu gọi Mỹ nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên đổi lấy việc quốc gia này sẽ thực hiện các biện pháp phi hạt nhân hóa.
Trước đó hôm 11/10, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyon cho biết, Hàn Quốc không xem xét dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đơn phương đối với Triều Tiên, vốn được áp sau vụ tấn công bằng ngư lôi của Triều Tiên vào một tàu chiến của Hàn Quốc năm 2010.
Phát biểu trước các nhà lập pháp, ông Cho Myoung-gyon nói: "Hàn Quốc chưa từng thực hiện bất cứ đánh giá chi tiết nào về việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, Seoul vẫn triển khai những biện pháp một cách linh hoạt nhằm tìm kiếm cơ hội trao đổi, hợp tác liên Triều trong bối cảnh quan hệ hai bên đang dần được cải thiện”.
Tuyên bố của ông Cho Myoung-gyon được đưa ra chỉ một ngày sau khi Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha cho biết, chính phủ nước này đang xem xét có dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên hay không sau vụ tấn công bằng ngư lôi nhằm vào tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc năm 2010. Tuy nhiên, do làn sóng chỉ trích của các nghị sỹ, Ngoại trưởng Kang Kyung-wha đã gần như rút lại phát biểu này, cho rằng hiện không có sự rà soát liên chính phủ về vấn đề nêu trên. Một số nhân vật thậm chí hối thúc bà Kang Kyung-wha phải buộc Triều Tiên xin lỗi về vụ tấn công làm 46 thủy thủ thiệt mạng này, còn phía Triều Tiên vẫn luôn bác bỏ cáo buộc liên quan vụ việc.
Khi trả lời câu hỏi về việc chính phủ Hàn Quốc sẽ thực hiện những biện pháp gì trước khi xem xét dỡ bỏ trừng phạt Triều Tiên, ông Cho nói rằng "Sẽ có nhiều biện pháp được thực thi liên quan đến vụ tấn công tàu chiến Cheonan, vốn buộc Hàn Quốc phải áp đặt trừng phạt Triều Tiên”.
Các biện pháp trừng phạt được đưa ra vào năm 2010 ngăn cản hầu như tất cả mọi cuộc tiếp xúc giữa Hàn Quốc với Triều Tiên, trừ việc hỗ trợ nhân đạo. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc duy trì các biện pháp này hầu như không có tác dụng thực tiễn vì rất nhiều trong số đó trùng lặp với những biện pháp trừng phạt của cộng đồng quốc tế nhằm vào Bình Nhưỡng.
Hàn Quốc đang mong muốn mở rộng các cuộc tiếp xúc xuyên biên giới và hợp tác với Triều Tiên trong bối cảnh quan hệ giữa hai bên đang ấm dần lên. Việc duy trì các biện pháp trừng phạt sẽ cản trở đáng kể những nỗ lực thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương.
Liên quan đến vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, ông Cho bày tỏ lạc quan rằng, tiến trình phi hạt nhân sẽ có tiến triển khi các nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên gặp nhau một lần nữa, sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singapore tháng 6 vừa qua. Trước đó cả hai bên đã nhất trí tổ chức cuộc gặp Thượng đỉnh lần hai vào thời điểm thích hợp nhất.
"Chúng tôi mong đợi nhiều tiến bộ tại Hội nghị Thượng đỉnh lần 2 giữa Mỹ và Triều Tiên. Một khi hội nghị đạt được kết quả, sẽ có nhiều kỳ vọng, vì vậy, chúng tôi đang chuẩn bị cho mọi kịch bản để duy trì mối quan hệ, các cuộc trao đổi và hợp tác giữa Hàn Quốc với Triều Tiên”.
(Theo VOV)