Đó là khả năng Bình Nhưỡng tham gia sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc, một dự án nhằm kết nối hơn 60 quốc gia trên khắp châu Á, châu Âu, châu Phi và Trung Đông bằng các tuyến đường trên bộ và trên biển.
Là một quốc gia bị cô lập, Triều Tiên đang "đói” đầu tư nước ngoại, đặc biệt là cơ sở hạ tầng, khi những biện pháp cấm vận của Liên Hợp quốc đang khiến kinh tế nước này khốn khó. Nhiều người tin rằng đó là một lý do lớn khiến ông Kim bắt đầu gia nhập cộng đồng quốc tế từ hơn 1 năm trước.
Giờ đây, sau khi đã đạt được nhiều thành tựu trong công nghệ hạt nhân, lãnh đạo Triều Tiên chuyển sang mục tiêu lớn khác, đó là phát triển kinh tế.
Nhưng để làm được điều đó, Bình Nhưỡng cần sự giúp đỡ từ các nước láng giềng giàu có. Quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân này đang tìm kiếm hơn 7,7 triệu USD đầu tư, trang tin điện tử chuyên về Triều Tiên NK News, trụ sở tại Seoul, dẫn thông tin từ một trang web của bộ ngoại thương Triều Tiên đưa tin tháng trước.
Dự án Vành đai Con đường của ông Tập là câu trả lời cho nhu cầu đó. Trung Quốc xưa nay vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên.
Bình Nhưỡng "sẽ rất muốn trở thành một phần của Vành đai Con đường”, CNBC dẫn đánh giá của ông Dane Chamorro, đối tác cấp cao về khu vực châu Á Thái Bình Dương của hãng tư vấn chính trị Control Risks. Chính phủ của ông Kim đang chờ đợi lời mời để Triều Tiên có thể nhận được hỗ trợ để xây dựng các tuyến đường sắt, cảng biển và các hạ tầng khác, ông Chamorro nhận định.
Bắc Kinh dường như cũng thích điều này, vì chính phủ Trung Quốc đã mời phái đoàn Triều Tiên sang dự một hội nghị thượng đỉnh Vành đai Con đường vào năm 2017, nhưng hai bên khó bắt đầu kế hoạch ngay từ bây giờ.
Đưa Bình Nhưỡng vào sáng kiến "có thể rắc rối hơn lợi ích” vào lúc này, ông Mintaro Oba, một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ chuyên về vấn đề Triều Tiên dưới thời chính quyền Obama, đánh giá.
Một mặt, các biện pháp cấm vận vẫn còn đó, cho dù Bắc Kinh đã kêu gọi nới lỏng trừng phạt.
"Điều đó sẽ khiến Washington nhíu mày và càng khiến họ nghĩ rằng Vành đai Con đường có tiêu chuẩn thấp, chủ yếu nhằm biến các nước tham gia trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc”, ông Oba nói.
Nhà Trắng luôn hoài nghi về các hoạt động của Trung Quốc trên biển và triển khai nhiều sáng kiến nhằm đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Á.
Đến giờ, ông Kim và ông Tập có vẻ vẫn giữ kín ý định gia nhập Vành đai Con đường.
Hai nhà lãnh đạo "có thể đã dự đoán thời điểm họ có thể thảo luận nhiều hơn” về chuyện này, ông Anthony Rinna, một nhà phân tích tại nhóm nghiên cứu SinonK, đánh giá. "Hai bên có thể muốn chờ xem mọi thứ sẽ tiến triển như thế nào trong năm tới, và xa hơn nữa, không chỉ trong vấn đề an ninh mà cả những vấn đề phát triển kinh tế khu vực khác”, ông Rinna nói.
Nếu vấn đề phi hạt nhân hóa tiến triển, ông Chamorro kỳ vọng "Trung Quốc và Triều Tiên sẽ hợp tác nhiều hơn về hạ tầng”.
"Nếu Trung Quốc muốn Triều Tiên học hỏi từ lịch sử của Trung Quốc và theo mô hình cải cách kinh tế của họ và ông Kim nghe theo thì có lẽ chúng ta sẽ thấy Trung Quốc gia tăng phần thưởng kinh tế cho Triều Tiên trong thời gian tới”, ông Oba nhận định.
Cũng tham gia Vành đai Con đường, Hàn Quốc có thể đóng một vai trò lớn nếu Triều Tiên gia nhập sáng kiến này. Chính sách Phương Nam mới của Seoul được đặt ra nhằm tăng cường hợp tác giữa hai miền cũng như với Trung Quốc, Nga và các quốc gia Á Âu.
"Nếu Hàn Quốc có thể phát triển kết nối kinh tế mạnh hơn với Triều Tiên, thì sự tham gia của Triều Tiên vào Vành đai Con đường có thể sẽ phụ thuộc một phần vào mức độ Hàn Quốc muốn kết nối Chính sách phương Nam mới với Vành đai Con đường”, ông Rinna nói.
Báo Hong Kong South China Morning Post vừa dẫn các nguồn tin từ Hàn Quốc nói rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể sẽ có chuyến thăm đầu tiên đến Triều Tiên vào tháng 4 tới, và hai bên đã nhất trí về vấn đề này.
(Theo TPO)