Sau sự khởi động đầy ấn tượng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, bao gồm gửi một bức thư tới toàn thể nhân dân Pháp tối 13/1 và cuộc gặp gỡ kéo dài gần 7 giờ trong ngày 15/1 với hơn 600 thị trưởng vùng Normandie, có tới 62% người dân Pháp khẳng định đã biết chính xác những nội dung mà cuộc đối thoại quốc gia hướng tới, tăng 28% so với tuần trước.
Khoảng 29% người dân Pháp, tương đương với 13 triệu cử tri, tuyên bố sẽ tham gia cuộc đối thoại này.
35% người được hỏi cho rằng cuộc đối thoại sẽ mang lại các giải pháp hữu ích, tăng 6% so với cuộc thăm dò trước, trong khi 29% người tham gia khảo sát cho rằng cuộc đối thoại sẽ được thực hiện một cách độc lập với bộ máy chính quyền, tăng 8%.
Để đảm bảo cuộc đối thoại quốc gia đầu tiên trong lịch sử nền Cộng hòa Pháp diễn ra một cách minh bạch và vô tư, một hội đồng gồm 5 thành viên, trong đó có 2 người do chính phủ đề cử, 3 người còn lại do các chủ tịch Thượng viện, Hạ viện và Hội đồng kinh tế, xã hội, môi trường đề cử, được thành lập ngày 18/1.
Tuy nhiên, các đảng đối lập vẫn không ngừng chỉ trích những cố gắng của chính phủ, ngoại trừ các đảng Những người Cộng hòa (LR), Xã hội (PS) và châu Âu-Sinh thái-Xanh (EELV). Cụ thể, 34% thành viên đảng PS và 33% thành viên đảng LR có ý định sẽ đóng góp cho cuộc tham vấn này.
Trong số 4 chủ đề được đưa ra thảo luận, "thuế và chi tiêu công" - bao gồm cả sức mua, một trong những yêu sách của phong trào "Áo vàng" - được coi là ưu tiên số một của 82% người được hỏi, trong khi 60% người dân tham gia khảo sát bày tỏ sự quan tâm tới vấn đề hạn ngạch nhập cư hằng năm theo quốc gia.
Tuy nhiên, số người cho rằng các cuộc biểu tình phải được tiếp diễn chỉ giảm chút ít 1% so với tuần trước, xuống 51%.
Điều này tiếp tục cho thấy sự rạn nứt xã hội sâu sắc, giữa một nước Pháp học vấn cao (66% người làm công tác quản lý và làm trong các ngành nghề trí tuệ cao) mong muốn phong trào "Áo vàng” tàn lụi, với một nước Pháp ít có điều kiện học cao (62% công nhân) ủng hộ nhiệt tình cho "Áo vàng."
Theo kế hoạch, từ nay đến ngày 15/3, trên cả nước, chính quyền địa phương sẽ mở sổ thu thập ý kiến của công dân.
Cuộc thảo luận không giới hạn ở các tòa thị chính, mà có thể diễn ra ở bất cứ nơi nào, với nhiều hình thức đa dạng, ở chợ, nơi làm việc hay các địa điểm công cộng phù hợp với luật pháp, do từng cá nhân riêng lẻ, các chức sắc dân cử, đảng phái hay đại diện hội đoàn đóng góp.
Ngoài ra, chính phủ cho lập thêm một đường dây điện thoại riêng để tiếp nhận phản ánh. Từ đầu tháng 3, các vùng - đơn vị hành chính địa phương cao nhất của Pháp - sẽ lập ra các "hội nghị công dân” với thành phần khoảng 100 người lựa chọn bằng hình thức rút thăm ngẫu nhiên từ đại diện của tất cả các bên liên quan để trao đổi và cho ý kiến về các đề xuất thu được.
(Theo TTXVN)