Tổng thống Mỹ để ngỏ khả năng sử dụng vũ lực với Triều Tiên

  • Cập nhật: Thứ tư, 4/12/2019 | 1:38:40 PM

Ngày 3/12, Tổng thống Mỹ D.Trump đã để ngỏ khả năng sử dụng vũ lực chống lại Triều Tiên trong trường hợp cần thiết, chỉ vài giờ sau khi Bình Nhưỡng nhắc lại lời cảnh báo rằng thời hạn chót vào cuối năm nay cho các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa hai nước đang dần cạn kiệt.

Tổng thống Mỹ D.Trump (phải) gặp Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại London (Anh), ngày 3/12/2019.
Tổng thống Mỹ D.Trump (phải) gặp Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại London (Anh), ngày 3/12/2019.

Tuy nhiên, cũng trong lời phát biểu cùng ngày, Tổng thống D.Trump tuyên bố ông đang duy trì mối quan hệ cá nhân gần gũi với Chủ tịch Kim Jong-un, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ tuân thủ cam kết đã đưa ra về việc từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.

Phát biểu trước các phóng viên nhân dịp tới London (Anh) để tham dự cuộc gặp cấp cao của các nhà lãnh đạo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Tổng thống D.Trump khẳng định: "Chúng tôi hiện có lực lượng quân sự mạnh nhất từ trước tới nay và là nước hùng mạnh nhất thế giới, song hy vọng sẽ không phải sử dụng đến sức mạnh này... Nhưng nếu phải làm thì chúng tôi cũng sẽ hành động… Các bạn đều biết rằng mối quan hệ giữa tôi và ông Kim Jong-un thực sự rất tốt đẹp, song điều đó không có nghĩa rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên không tuân thủ thỏa thuận mà chúng tôi đã ký kết... Bản thỏa thuận này nói về việc nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ thực hiện các bước phi hạt nhân hóa…Tôi hy vọng rằng ông ấy sẽ tôn trọng bản thỏa thuận, nhưng chúng ta cần tìm ra điều này”.

Thông điệp trên được Tổng thống D.Trump phát đi vào thời điểm tiến trình đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên đang bị đình trệ do bất đồng liên quan tới các bước phi hạt nhân hóa của Triều Tiên và sự nhượng bộ từ phía Mỹ. Đây cũng không phải lần đầu tiên người đứng đầu Nhà Trắng đề cập tới phương án sử dụng vũ lực chống lại Triều Tiên. Trước đó, vào năm 2017, ông D.Trump đã từng cảnh báo sẽ "phá hủy hoàn toàn” Triều Tiên khi mối quan hệ giữa hai nước leo thang đến đỉnh điểm sau khi Triều Tiên thực hiện các vụ thử vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Trong bối cảnh trên, ngày 3/12, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Thae-song đã ra tuyên bố kêu gọi Mỹ thực hiện nghĩa vụ của nước này nhằm cứu vãn tiến trình đàm phán hạt nhân. Kể từ sau sự đổ vỡ của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên vào tháng 2/2019, Triều Tiên đã nhiều lần cảnh báo về việc sẽ "tìm kiếm một con đường mới” nếu như Mỹ không thể đưa ra một đề xuất phù hợp vào thời hạn cuối năm nay.

"Triều Tiên đã nỗ lực hết mình, với một sự kiên nhẫn cao độ để không rút lại các bước đi quan trọng vốn đã từng được thực hiện theo ý tưởng riêng của Triều Tiên…Những gì còn lại vào thời điểm hiện tại là sự lựa chọn từ phía Mỹ, và hoàn toàn phụ thuộc vào việc Mỹ chọn món quà Giáng sinh nào” – ông Ri Thae-song cảnh báo. Quan chức ngoại giao Triều Tiên cho rằng, cuộc đối thoại mà Mỹ nói tới chỉ là một "mánh khóe” nhằm giữ Triều Tiên hướng tới đối thoại và tạo lợi thế cho cuộc bầu cử tại Mỹ.

Kể từ tháng 5/2019, Triều Tiên đã thực hiện nhiều vụ thử tên lửa đạn đảo tầm ngắn và phóng thử thiết bị. Vào tuần trước, Triều Tiên tuyên bố đã thử nghiệm thành công bệ phóng tên lửa đa nòng siêu lớn dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Kim Jong-un. Theo nhìn nhận của giới phân tích thì các động thái này không chỉ giúp Triều Tiên tăng cường sức mạnh vũ khí mà còn nhằm hối thúc Mỹ đáp ứng các yêu cầu của Triều Tiên liên quan tới việc gỡ bỏ các lệnh trừng phạt và bảo đảm an ninh để đổi lấy các bước phi hạt nhân hóa. Tuyên bố do ông Ri Thae-song vừa đưa ra cũng làm dấy lên những đồn đoán về khả năng Triều Tiên sẽ thực hiện các hành động tiếp theo trong tương lai, có thể là các vụ phóng thiết bị mới, nếu như Washington không tỏ ý chấp nhận các đề nghị của Bình Nhưỡng.

Ngày 4/12, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA đăng tải hình ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un cùng các quan chức Triều Tiên cưỡi ngựa lên ngọn núi Paektu. Đây là lần thứ 2 nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cưỡi ngựa lên núi thiêng kể từ sau chuyến đi vào tháng 10/2019. Việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un thăm núi Paektu thường đi liền với những thông điệp mà Bình Nhưỡng muốn gửi gắm và đây cũng là điều mà ông thường làm trước khi đưa ra quyết định quan trọng./.

(Theo ĐCSVN)

Các tin khác
Một học sinh tại Manila lấy cặp để che đầu khi đến trường dưới thời tiết nắng nóng

Với mỗi lớp học chỉ vỏn vẹn có một hai chiếc quạt nhỏ, 7.000 trường công lập tại Philippines chuyển sang học trực tuyến do thời tiết nắng nóng lên đến 44 độ C.

Phối cảnh thủ đô mới của Indonesia tại Nusantara.

Ngày 24-4, Tổng thống đắc cử Indonesia Prabowo Subianto tuyên bố sẽ nỗ lực vì lợi ích của mọi người dân Indonesia và kêu gọi tinh thần đoàn kết chung để đưa đất nước tiến lên.

Quang cảnh một phiên họp Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tại New York, Mỹ ngày 29/11/2023.

Dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về việc không triển khai vũ khí trong không gian vũ trụ nhận được 13 phiếu thuận, trong khi Nga phủ quyết và Trung Quốc bỏ phiếu trắng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Tổng thống Joe Biden mới đây đã ký ban hành gói viện trợ quân sự nước ngoài, bao gồm 61 tỷ USD hỗ trợ Ukraine.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục