Ông Trump công bố kế hoạch hòa bình Trung Đông, các nước phản ứng trái chiều

  • Cập nhật: Thứ tư, 29/1/2020 | 1:17:00 PM

Ngày 28-1 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố kế hoạch hòa bình Trung Đông, trong đó đề xuất giải pháp hai nhà nước cho vấn đề Israel và Palestine.

Tổng thống Mỹ Trump và Thủ tướng Israel Netanyahu tại Nhà Trắng
Tổng thống Mỹ Trump và Thủ tướng Israel Netanyahu tại Nhà Trắng

Ông Trump cho rằng kế hoạch hòa bình Trung Đông dài 80 trang mà ông tuyên bố vào ngày 28-1 (rạng sáng 29-1 theo giờ Việt Nam) là một thỏa thuận mang lại cơ hội cho cả Israel và Palestine.

Điểm mấu chốt trong kế hoạch này là giải pháp hai nhà nước cho Israel và Palestine. Cụ thể hơn, tổng thống Mỹ đề xuất thành lập nhà nước Palestine với thủ đô là một số khu vực ở Đông Jerusalem, áp dụng một số điều kiện nghiêm ngặt kèm theo. Ngoài ra, Jerusalem vẫn là thủ đô "không thể tách rời của Israel".

Theo Washington, những điều kiện nói trên bao gồm nhà nước Palestine trong tương lai phải "phi quân sự hóa", đồng thời công nhận chủ quyền của Israel đối với các khu định cư được xây dựng trên lãnh thổ bị chiếm đóng.

Ông Trump vẽ ra một tương lai mà ông gọi là "bình minh mới", với một khoản đầu tư trị giá 50 tỉ USD sẽ xóa bỏ sự khốn khổ của người Palestine và người Israel sẽ không làm tổn hại đến an ninh của họ.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ca ngợi đề xuất của tổng thống Mỹ là "kế hoạch tuyệt vời cho Israel, cho hòa bình" và ông Trump là "người bạn tuyệt vời nhất mà Israel từng có ở Nhà Trắng".

Người Palestine, đứng đầu là Tổng thống Mahmud Abbas, kiên quyết bác bỏ kế hoạch của ông Trump và chỉ trích tổng thống Mỹ thiên vị Israel. Thủ tướng Palestine Mohammed Shtayyeh thậm chí kêu gọi cộng đồng quốc tế không tham gia kế hoạch của Mỹ và cáo buộc kế hoạch này vi phạm luật pháp quốc tế.

Trong một động thái hiếm hoi, hai phong trào đối địch của Palestine là Hamas (đang kiểm soát Dải Gaza) và Fatah sẽ cùng tham gia cuộc họp ở thành phố Ramallah thuộc Bờ Tây để thảo luận về các nỗ lực chung nhằm phản đối kế hoạch hòa bình Trung Đông của tổng thống Mỹ.

 

Dư luận quốc tế phản ứng trái chiều và thận trọng xung quanh đề xuất của ông Trump. Trong khi châu Âu và Liên Hiệp Quốc hoan nghênh kế hoạch của ông Trump thì các quốc gia Hồi giáo phản đối dữ dội. Trong khi đó, một số nước khác kêu gọi cách tiếp cận cân bằng và đối thoại mở.

Đức và Anh hoan nghênh giải pháp hai nhà nước, cho rằng một khi kế hoạch hòa bình Trung Đông của Tổng thống Trump được hai nước chấp thuận, sẽ mang lại hòa bình lâu dài cho người dân Israel và Palestine.

Phía Iran (vốn không công nhận Israel) cho hay kế hoạch hòa bình Trung Đông chỉ là một thỏa thuận thiên vị Israel và là mối đe dọa đối với sự hòa bình và ổn định của khu vực.

Các đại sứ quán của ba nước Oman, Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Bahrain ở Washington cho rằng kế hoạch của ông Trump là bước đầu quan trọng để đàm phán hòa bình.

Thứ trưởng ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov thì tỏ ý hoài nghi "không biết liệu đề xuất của Mỹ có được các bên đồng thuận hay không".

(Theo Tuổi Trẻ)

Các tin khác
Một học sinh tại Manila lấy cặp để che đầu khi đến trường dưới thời tiết nắng nóng

Với mỗi lớp học chỉ vỏn vẹn có một hai chiếc quạt nhỏ, 7.000 trường công lập tại Philippines chuyển sang học trực tuyến do thời tiết nắng nóng lên đến 44 độ C.

Phối cảnh thủ đô mới của Indonesia tại Nusantara.

Ngày 24-4, Tổng thống đắc cử Indonesia Prabowo Subianto tuyên bố sẽ nỗ lực vì lợi ích của mọi người dân Indonesia và kêu gọi tinh thần đoàn kết chung để đưa đất nước tiến lên.

Quang cảnh một phiên họp Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tại New York, Mỹ ngày 29/11/2023.

Dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về việc không triển khai vũ khí trong không gian vũ trụ nhận được 13 phiếu thuận, trong khi Nga phủ quyết và Trung Quốc bỏ phiếu trắng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Tổng thống Joe Biden mới đây đã ký ban hành gói viện trợ quân sự nước ngoài, bao gồm 61 tỷ USD hỗ trợ Ukraine.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục