Bộ Thống nhất Hàn Quốc ngày 16/12 dẫn khảo sát cho biết, ngày càng có nhiều người Triều Tiên tham gia vào các hoạt động kinh tế tư nhân dưới thời lãnh đạo của ông Kim Jong-un.
Trong số 740 người Triều Tiên rời khỏi đất nước giai đoạn 2016 - 2020, gần 40% người nói rằng, kế sinh nhai của họ dựa vào các hoạt động kinh tế tư nhân, tăng mạnh so với tỷ lệ khoảng 27% giai đoạn 2006 - 2010.
Tỷ lệ người tham gia khảo sát nói rằng họ sinh sống nhờ công việc tại các cơ sở quốc doanh như nhà máy, trang trại của Triều Tiên đã giảm từ 28,4% xuống 24,7%. Số người buôn bán tại các chợ ước tính khoảng 768 người trong giai đoạn từ 2016 đến 2020, tăng gần gấp đôi so với giai đoạn 2006-2010.
"Các dữ liệu cho thấy, xu hướng thị trường hóa nền kinh tế đang tiếp tục diễn ra dưới thời của ông Kim Jong-un. Khi thị trường hóa tiếp diễn, tỷ lệ kinh tế tư nhân đang có xu hướng tăng lên về dài hạn. Hoạt động của người dân đang được định hình thành một phương thức kép, nhà nước và kinh tế tư nhân", một quan chức Bộ Thống nhất Hàn Quốc nhận định.
Ông Kim Jong-un lên nắm quyền lãnh đạo Triều Tiên vào năm 2011 sau khi cha là nhà lãnh đạo Kim Jong-il qua đời.
Nếu năm 2013, Triều Tiên từng tuyên bố theo đuổi chính sách "byungjin" - phát triển đồng thời cả kinh tế và vũ khí hạt nhân, thì đến năm 2018, Triều Tiên tuyên bố đã hoàn thành các nhiệm vụ hạt nhân và chiến lược mới của Bình Nhưỡng là tập trung phát triển kinh tế.
Triều Tiên đã cho thấy sự chuyển mình rõ rệt bất chấp các lệnh trừng phạt của quốc tế. Thủ đô Bình Nhưỡng cũng chứng kiến sự bùng nổ nhu cầu xây dựng chưa từng có. Kể từ khi nhậm chức, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã khánh thành nhiều tòa nhà chung cư mới với hàng nghìn căn hộ, đáp ứng nhu cầu của tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh tại Triều Tiên. Các công trình như sân bay, trung tâm khoa học, công nghệ, rạp hát, công viên cũng mọc lên khá nhiều.
Tuy nhiên, hiện tại, kinh tế Triều Tiên phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động kết hợp của các lệnh trừng phạt quốc tế, thiên tai và dịch Covid-19.
Vào giữa tháng 6, nhà lãnh đạo Triều Tiên lần đầu tiên thừa nhận đất nước đang trải qua tình trạng "căng thẳng" về lương thực, chủ yếu do thiệt hại của cơn bão vào năm ngoái.
Đến tháng 7 năm nay, ông Kim Jong-un cho biết, Triều Tiên đang đối mặt với khó khăn trong đại dịch Covid-19 giống như "thời chiến". Ngay sau khi dịch bùng phát ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối năm 2019, Triều Tiên đã có các biện pháp ứng phó nhanh chóng và nghiêm ngặt như kiểm soát chặt biên giới, cách ly hàng chục nghìn người khi có biểu hiện nghi ngờ mắc Covid-19. Việc áp lệnh phong tỏa đã gây thêm sức ép cho nền kinh tế của nước này.
(Theo Dân trí)