Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án hợp tác giữa tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga cùng các công ty châu Âu.
"Hiện nay chúng tôi (Ukraine) đang ngăn chặn thành công loại vũ khí hỗn hợp bằng khí đốt của Nga dưới dạng Dòng chảy phương Bắc 2, và sẽ tiếp tục làm như vậy”, ông Shmygal phát biểu ngày 16/2, nhân sự kiện tổ chức "Ngày đoàn kết” do Tổng thống Vladimir Zelensky phát động.
Thủ tướng Ukraine Shmygal đồng thời cáo buộc đường ống dẫn khí đốt của Nga đe dọa không chỉ riêng Ukraine, mà toàn bộ Liên minh châu Âu.
Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án hợp tác giữa tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga cùng các công ty châu Âu là công ty Uniper và công ty Wintershall Dea thuộc tập đoàn BASF của Đức, Tập đoàn dầu khí quốc tế Shell, tập đoàn OMV của Áo và Tập đoàn Engie của Pháp.
Tuyến đường ống dẫn khí đốt từ Nga qua biển Baltic đến Đức với chiều dài 1.234km được xây dựng với công suất 55 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm với tổng số tiền đầu tư ước tính khoảng 11 tỷ USD.
Hiện tại, quá trình cấp giấy chứng nhận cho Nord Stream 2 AG, công ty vận hành dự án Dòng chảy phương Bắc 2, đang được tiến hành. Toàn bộ quá trình, theo yêu cầu pháp lý, có thể mất vài tháng.
Mới đây, phát biểu trong cuộc họp báo tại Berlin (Đức) ngày 11/2, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết các nhà chức trách nước này đã tạm hoãn việc xét cấp phép cho dự án Dòng chảy phương Bắc 2 tới nửa cuối năm nay do dự án chưa đáp ứng quy định pháp lý.
Tới ngày 14/2, Bộ Ngoại giao Nga cho biết tập đoàn năng lượng PGNiG của Ba Lan, đơn vị được chấp nhận tham gia thủ tục xét duyệt cấp đăng ký hoạt động cho Dòng chảy phương Bắc 2 từ tháng 9/2021, đang cố gắng ngăn cản cơ quan quản lý Đức cấp phép hoạt động cho đường ống này.
Nhiều năm qua, Berlin luôn tìm cách bảo vệ dự án Dòng chảy phương Bắc 2 vận chuyển khí đốt từ Nga tới Đức. Tuy nhiên, cách tiếp cận này ngày càng trở nên khó khăn khi căng thẳng giữa biên giới Nga và Ukraine leo thang mạnh mẽ trong những ngày gần đây.
Nhiều nước phương Tây từ lâu đã phản đối Dòng chảy phương Bắc 2 do lo ngại châu Âu sẽ ngày càng phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Tuy nhiên, khi sự đồng thuận xung quanh việc đưa dự án vào bất cứ gói trừng phạt nào nhằm vào Nga ngày càng trở nên rõ ràng, phía Đức vẫn chưa tuyên bố rõ ràng quan điểm.
(Theo VNF)