Thách thức địa chính trị mới
Mặc dù Tổng thống Joe Biden không điều quân đến Ukraine tham chiến nhưng những gì đang xảy ra ở Ukraine thậm chí còn gây ảnh hưởng sâu rộng đến một bộ phận lớn người dân hơn cả cuộc chiến tại Afghanistan hay Iraq.
Chiến tranh tại Afghanistan và Iraq đã cướp đi sinh mạng của hơn 6.700 binh sỹ Mỹ, khiến Washington thiệt hại gần 2,3 nghìn tỷ USD. Song những cuộc chiến này không tác động nhiều đến cuộc sống hàng ngày của đại đa số người dân Mỹ, mặc dù trong 20 năm đó, nước Mỹ đã trải qua cuộc Đại suy thoái toàn cầu năm 2009 và bước nhảy vọt về kinh tế dài nhất trong lịch sử.
5 tháng sau khi kết thúc cuộc chiến tại Afghanistan, Mỹ đang đối mặt với thách thức địa chính trị mới liên quan đến cuộc chiến Nga-Ukraine. Mặc dù Tổng thống Biden cam kết sẽ không điều động các lực lượng Mỹ tham chiến, nhưng ông thừa nhận chiến dịch mà Nga thực hiện tại Ukraine có thể tác động thực sự đến túi tiền của người Mỹ.
Những bất ổn tài chính gây ra do chiến dịch quân sự lớn nhất tại châu Âu kể từ Thế chiến 2 đang được cảm nhận rõ rệt. Trong tuần qua, giá dầu thô của Mỹ đã tăng 13% lên đến gần 113 USD/ thùng và giá khí đốt tự nhiên đạt mức kỷ lục ở châu Âu, khiến thị trường trải qua một cú sốc về nguồn cung.
Các chỉ số thị trường chứng khoán chủ chốt tại Mỹ và châu Âu đã tiếp tục sụt giảm khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo "điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến" trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Putin hôm 3/3.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy, Mỹ và các nước châu Âu quyết tâm đối đầu với Tổng thống Putin cũng như sẵn sàng đối mặt với những khó khăn về kinh tế trong hình hình hiện nay. Điều này trái ngược so với cuộc chiến tại Afghanistan trước đây vốn là hệ quả của vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001. Ở thời điểm đó, Tổng thống George W. Bush đã thúc giục người Mỹ "chống khủng bố bằng cách quay trở lại làm việc” khi chính quyền của ông nỗ lực khôi phục niềm tin vào ngành công nghiệp hàng không.
Trừng phạt lĩnh vực năng lượng Nga
Tại Washington, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi trong những ngày gần đây đã đi trước Nhà Trắng một bước với việc thúc đẩy các biện pháp trừng phạt nhằm thẳng vào lĩnh vực năng lượng– vốn được coi là huyết mạch của nền kinh tế Nga. Chính quyền Biden vẫn thể hiện sự lưỡng lự khi quyết định trừng phạt lĩnh vực dầu mỏ của Nga do lo ngại động thái này sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế của Mỹ và các đồng minh.
Trong khi đó, thượng nghị sỹ Dân chủ Joe Manchin và thượng nghị sỹ Cộng hòa đã giới thiệu một dự luật lưỡng đảng để trừng phạt ngành năng lượng của Nga. Dự luật sẽ ngăn chặn việc nhập khẩu dầu của Nga vào Mỹ bằng cách ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia.
Thượng nghị sỹ Cộng hòa Mitt Romney, bang Utah cho biết, các lệnh trừng phạt với Nga có thể làm tăng lãi suất, khiến kinh tế chậm hồi phục, làm gia tăng lạm phát và giá khí đốt. Mặc dù vậy, ông kêu gọi người dân Mỹ chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống này.
Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, ngày càng có nhiều người Mỹ tin rằng Washington cần phải hành động nhiều hơn nữa để giúp đỡ Ukraine. Theo kết quả thăm dò của Quinnipiac, 45% người Mỹ cho rằng, nước này hành động chưa đủ để giúp Ukraine, 37% cho rằng Mỹ đã làm đúng mức và 7% nhận xét Mỹ đang nỗ lực quá nhiều.
Đảo ngược tính toán của chính quyền Biden
Không chỉ riêng Mỹ, nhiều nước châu Âu cũng có sự thay đổi đáng kể lập trường khi Nga tấn công Ukraine. Tại Đức, Thủ tướng Olaf Scholz đã quyết định dừng cấp phép vô thời hạn cho Dự án Dòng chảy phương Bắc 2, dẫn khí đốt từ Nga sang Đức, vừa được hoàn thành với kinh phí 11 tỷ USD. Chính phủ Đức cũng đảo ngược chính sách lâu nay của họ là không gửi vũ khí đến khu vực xung đột, với quyết định chuyển giao vũ khí chống tăng và súng ống cho Ukraine.
Đức - một trong số các nước thành viên NATO từng phản đối việc chi 2% GDP cho quốc phòng - cho biết họ sẽ tăng gấp 3 ngân sách quốc phòng vào năm 2022.
Tổng thống Hungary Viktor Orban – người được cho là có chính sách thân thiện với Nga, cũng chỉ trích chiến dịch quân sự của Moscow, lên tiếng ủng hộ các lệnh trừng phạt và đồng ý cho người tị nạn Ukraine tạm thời lưu trú tại quốc gia này.
Các quan chức Nhà Trắng cho biết, quyết tâm cứng rắn của đồng minh châu Âu được đưa ra sau khi nhiều nước tỏ ra thận trọng trước việc đối đầu với Nga. Trước đó, Mỹ đã liên tục tiết lộ thông tin tình báo về nguy cơ một cuộc tấn công của Nga vào Ukraine trong hơn 2 tháng qua nhưng nhiều đồng minh châu Âu vẫn tin rằng ông Putin sẽ làm điều gì đó thay vì một cuộc tấn công toàn diện.
Hiện giờ khi tổn thất đối với các nền kinh tế phương Tây gia tăng do ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt, ngưỡng chịu đựng của Tổng thống Biden và nhiều nhà lãnh đạo châu Âu khác sẽ được thử thách thêm. Trả lời câu hỏi về những chi phí mà Mỹ phải chịu liên quan đến cuộc xung đột Ukraine, Thư ký báo chí Nhà Trắng Psaki cho biết: "Chính hành động của Tổng thống Putin đã đẩy chúng tôi đến hoàn cảnh này”.
Edward Frantz, nhà sử học tại Đại học Indianapolis, cho rằng, Tổng thống Biden dường như đang hướng tới một chính sách đối ngoại "cân bằng tối ưu giữa chi phí và lợi ích” sau khi kết thúc cuộc chiến trường kỳ của Mỹ tại Afghanistan. Ông Biden đã hoàn thành cam kết đưa ra trong chiến dịch tranh cử về kết thúc chiến tranh, thực hiện thành công điều mà 3 người tiền nhiệm của ông chưa làm được. Quyết định đó cũng cho phép Washington tập trung nhiều hơn vào cái mà Tổng thống Biden coi là thách thức đối ngoại hàng đầu của Mỹ: đó là sự trỗi dậy của Trung Quốc về kinh tế, chính trị.
Thế nhưng, nhiệm vụ ưu tiên của chính quyền Biden nhanh chóng bị gác lại do cuộc chiến Nga-Ukraine. "Chúng ta đang trở lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Nếu đây là một cuộc chiến dài, Tổng thống Biden sẽ phải tìm cách giải thích cho người Mỹ hiểu rõ lý do họ phải chịu những tác động về kinh tế do tình hình Ukraine. Đây không phải là công việc dễ dàng”, ông Edward Frantz nhận định.
(Theo VOV)