Nga tuyên bố sẵn sàng đàm phán chấm dứt xung đột với Ukraine

  • Cập nhật: Thứ tư, 27/7/2022 | 7:48:17 AM

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố Moscow sẵn sàng đàm phán với Ukraine về việc chấm dứt xung đột.

Khu dân cư đổ nát sau trận tập kích tên lửa ở Odessa, Ukraine.
Khu dân cư đổ nát sau trận tập kích tên lửa ở Odessa, Ukraine.

"Nga chưa bao giờ từ chối đàm phán với Ukraine: mọi sự thù địch đều kết thúc trên bàn đàm phán, tuy nhiên không có bất kỳ phản hồi nào từ phía Kiev", Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói hôm 26/7.

Ngoại trưởng Nga cho biết các cuộc thảo luận với Ukraine đã bị đình trệ kể từ lần hai bên gặp nhau ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hồi cuối tháng 3.

Theo ông Lavrov, câu hỏi tại sao Ukraine hiện không tham gia các cuộc đàm phán với Nga "nên được chuyển cho Mỹ".

Trước đó, trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Nga hôm 20/7, Ngoại trưởng Lavrov cáo buộc phương Tây ngăn cản Ukraine đàm phán cho đến khi nước này có thể "bắt đầu đàm phán ở thế mạnh". Ông cho rằng việc tiến hành đàm phán với Ukraine ở thời điểm hiện tại là "vô nghĩa".

Ngoại trưởng Lavrov cho biết Nga từng sẵn sàng đạt được một thỏa thuận với Ukraine, nhưng điều đó cuối cùng đã không xảy ra.

"Chúng tôi đã trao cho họ một tài liệu và tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa rằng tài liệu đó dựa trên logic của Ukraine. Họ nhận được tài liệu này vào ngày 15/4, nhưng kể từ đó chúng tôi không thấy bất cứ thông tin gì từ họ", ông Lavrov nói.

Ngoại trưởng Lavrov hôm 24/7 tiếp tục khẳng định Moscow sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán toàn diện với Kiev và "bóng đang ở sân của Ukraine". Tuy nhiên, theo ông Lavrov, cho đến nay chính quyền Ukraine chưa sẵn sàng khởi động tiến trình đàm phán này.

Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba đổ lỗi cho các hành động của Nga là lý do khiến các cuộc đàm phán hòa bình không thể diễn ra. Ông Kuleba tuyên bố các cuộc đàm phán hòa bình với Nga sẽ chỉ được tiến hành sau thất bại của Moscow trên chiến trường.

Ngoại trưởng Kuleba khẳng định Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky không loại trừ "khả năng đàm phán", nhưng ông tin rằng "không có lý do gì" để tiến hành các cuộc đàm phán ở thời điểm hiện tại.

Tại vòng đàm phán hồi tháng 3, Kiev đã đề xuất một thỏa thuận về các cam kết an ninh dành cho Ukraine, đổi lại nước này sẽ chấp nhận trung lập. Tuy nhiên, giới chức Nga sau đó cáo buộc Ukraine rút lại các đề xuất ban đầu.

Cho đến nay, hai bên tiếp tục bất đồng về các điều khoản đi tới thỏa thuận hòa bình. Nga tuyên bố chỉ chấm dứt chiến dịch quân sự khi Kiev đáp ứng các điều kiện mà Moscow đưa ra gồm cam kết trung lập vĩnh viễn, công nhận bán đảo Crimea thuộc Nga, công nhận độc lập cho vùng Donbass - nơi có hai vùng lãnh thổ ly khai Donetsk và Lugansk.

Tuy nhiên, giới chức Ukraine nhiều lần khẳng định không bao giờ nhượng bộ lãnh thổ. Hồi đầu tháng 7, cố vấn của Tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak, đưa ra những điều kiện để đạt thỏa thuận hòa bình với Nga bao gồm: Nga phải rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine, công nhận quyền chủ quyền của Ukraine, trao trả tù binh và tuân thủ cơ chế bồi thường chiến tranh.

Vào tháng 6, nhà đàm phán hàng đầu của Ukraine David Arakhamia tuyên bố Kiev "sẽ không bao giờ chấp nhận việc mất lãnh thổ", khẳng định điều này là "bất khả thi về mặt pháp lý". Nhà ngoại giao Ukraine nói rằng, một thỏa thuận tối thiểu với Moscow chỉ có thể được xem xét nếu quân đội Nga trả lại toàn bộ vùng lãnh thổ mà họ đã kiểm soát kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự tại nước láng giềng.

(Theo Dân trí)

Các tin khác
Nhà máy nơi phát hiện các thi thể nghi của người Việt ở Oldham, Anh

Các lao động đã phát hiện 4 thi thể được cho là của người Việt trong quá trình phá dỡ một nhà máy bị cháy bỏ không 2 tháng trước tại một thị trấn của Anh.

Các đường ống dẫn khí thuộc dự án Dòng chảy Phương Bắc 1 ở Lubmin, Đức

Nga cắt lượng khí đốt hiện tại chảy sang Đức qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 xuống một nửa, trong lúc châu Âu đang cấp tập tìm cách lấp đầy kho dự trữ cho mùa đông.

Ngày 25-7, bà Droupadi Murmu đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Ấn Độ, trở thành Tổng thống đầu tiên của nước này có xuất thân từ cộng đồng bộ lạc.

Ngày 25/7, Tổng thống mới của Philippines, ông Ferdinand Marcos đã trình bày thông điệp quốc gia đầu tiên tại Quốc hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục