Hội nghị Thượng đỉnh cấp cao ASEAN tại Campuchia, G20 tại Indonesia, APEC tại Thái Lan, kỳ họp Đại hội đồng AIPA 43, hay các cuộc tiếp xúc song phương quan trọng bên lề, trong đó đặc biệt kể đến cuộc gặp trực tiếp nguyên thủ Trung Quốc và Mỹ. Hầu hết các Hội nghị quốc tế lớn bị gián đoạn gần ba năm qua do dịch COVID-19 và sự trở lại của một loạt hoạt động đa phương trên, phần nào cho thấy một bức tranh cơ bản về cục diện thế giới. Với xu thế hòa bình, hợp tác để phát triển vẫn là xu thế chính, nguy cơ chiến tranh quy mô lớn, chiến tranh hạt nhân có thể tạm gọi là bị loại trừ, trong khi các vấn đề toàn cầu cấp bách, ngày càng nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế, trở thành động lực cho tăng cường hợp tác.
Xu hướng hòa bình hợp tác để giải quyết tranh chấp
Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị G20 - tâm điểm chính trị quốc tế, nỗ lực quản trị cạnh tranh của hai cường quốc hàng đầu nhằm tìm kiếm các giải pháp tháo gỡ bất đồng, thúc đẩy hợp tác.
GS. Marcos Cordeiro Pires - Nhà nghiên cứu kinh tế chính trị quốc tế, Đại học Bang Sao Paulo, Brazil cho rằng: "Ngày nay, điều quan trọng hơn bao giờ hết là cố gắng duy trì các nguyên tắc của chủ nghĩa đa phương và thúc đẩy hợp tác. Do đó, việc nêu bật khía cạnh này trên các diễn đàn quốc tế như Hội nghị Thượng đỉnh G20 có ý nghĩa rất quan trọng".
Một loạt nguyên thủ các cường quốc, lãnh đạo các tổ chức quốc tế lớn cũng đã có các cuộc tiếp xúc song phương, đa phương tại các diễn đàn quốc tế như G20, APEC, chuỗi hội nghị cấp cao ASEAN và các hội nghị liên quan để tìm các giải pháp tháo gỡ cho các xung đột, bất đồng, thách thức từ cuộc chiến tại Ukraine, vấn đề hạt nhân Triều Tiên cho đến phục hồi kinh tế hậu đại dịch, ứng phó biến đổi khí hậu. Đối thoại, hợp tác là trọng tâm trong các cuộc tiếp xúc, trao đổi này.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo phát biểu: "Indonesia muốn mời tất cả các thành viên G20 đối thoại và cùng nhau tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các vấn đề quốc tế. Tôi muốn nhấn mạnh rằng xung đột phải được chấm dứt ngay lập tức, các cuộc khủng hoảng lương thực, năng lượng và tài chính phải được chấm dứt càng sớm càng tốt. Tất cả những điều này đều có thể thực hiện được nếu các cuộc đối thoại dẫn đến hợp tác. Và tôi muốn nhắc lại rằng chiến tranh không mang lại lợi ích cho người dân hay quốc gia nào, chiến tranh chỉ mang lại sự tàn phá và đau khổ".
Hội nghị Thượng đỉnh tại Đông Nam Á đề cao hòa bình, hợp tác để cùng phát triển
Bà Rebecca Sta Maria - Giám đốc điều hành Ban thư ký APEC: "Dù là nền kinh tế lớn hay nền kinh tế nhỏ, nhưng APEC là cơ hội để chúng ta học hỏi lẫn nhau, chia sẻ với nhau cách ứng phó đại dịch, đối phó với những thách thức khác nhau. Đó là điều rất quan trọng".
Vai trò của các thể chế đa phương cũng tiếp tục được khẳng định. Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres nói: "Chúng ta cần tăng cường nỗ lực tập thể để tìm ra các giải pháp đa phương, vượt qua các cơn bão địa chính trị và đưa các mục tiêu phát triển bền vững trở lại đúng hướng. Các tổ chức khu vực, bao gồm ASEAN, có một vai trò quan trọng".
Trong bối cảnh thế giới đối mặt nhiều thách thức, đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế không chỉ là nhu cầu cấp thiết mà còn là xu thế để đảm bảo hòa bình, ổn định và phồn vinh trên toàn cầu.
Thông điệp phản đối chiến tranh
Có lẽ năm nay, từ sau ngày 24/2, có không ít thời điểm dư luận đã đặt dấu hỏi, đưa ra lo ngại, về các nguy cơ tiềm tàng đối với vấn đề hòa bình, an ninh, và rằng liệu thế giới có bị cuốn sâu hơn vào một bức tranh xung đột mở rộng hơn. Với những cam kết, các phát biểu thể hiện quan điểm rõ ràng tại chuỗi các hoạt động đa phương vừa diễn ra, đặc biệt là ba sự kiện tại các nước Đông Nam Á, tạm thời có thể yên tâm phần nào về việc thế giới đang nỗ lực và vẫn đang nỗ lực có hiệu quả để đẩy lùi nguy cơ chiến tranh quy mô lớn, chiến tranh hạt nhân.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo: "ASEAN phải là một khu vực đáng tôn quý, đề cao các giá trị nhân văn và dân chủ. ASEAN không nên để động lực địa chính trị hiện nay biến khu vực của chúng ta thành một cuộc chiến tranh lạnh mới".
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol: "Những diễn biến hiện tại trên Bán đảo Triều Tiên cũng như trong khu vực và rộng hơn thế nữa, đòi hỏi sự phối hợp hành động chung giữa các bên ở mức độ cao nhất".
Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị G20 - tâm điểm chính trị quốc tế
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình: "Thế giới đã đi đến ngã ba đường. Đi đâu từ đây? Đây là một câu hỏi không chỉ trong tâm trí chúng ta, mà còn là tâm trí của tất cả các quốc gia. Cộng đồng quốc tế kỳ vọng rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ xử lý tốt mối quan hệ hai bên. Cuộc gặp gỡ của chúng ta ngày hôm nay có lẽ đã thu hút được sự chú ý lớn của thế giới. Chúng ta nên làm việc với tất cả các quốc gia để mang lại nhiều hy vọng cho hòa bình thế giới, niềm tin lớn hơn vào sự ổn định toàn cầu và động lực mạnh mẽ hơn cho sự phát triển chung".
Tổng thống Mỹ Joe Biden: "Mỹ và Trung Quốc sẽ cạnh tranh mạnh mẽ nhưng chúng tôi không tìm kiếm xung đột, tôi đang tìm cách quản lý sự cạnh tranh này một cách có trách nhiệm. Và tôi muốn đảm bảo rằng mọi quốc gia đều tuân thủ các quy tắc quốc tế về vấn đề này".
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha: "Chúng tôi đã thảo luận về các chủ đề liên quan đến vũ khí hạt nhân tại hội nghị thượng đỉnh lần này. Thái Lan, với tư cách là nước chủ nhà APEC lo ngại về điều này".
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida: "Nhật Bản sẽ tiếp tục duy trì nguyên tắc hòa bình được nêu trong Điều 9 và toàn văn Hiến pháp. Chúng tôi sẽ tiếp tục suy nghĩ về an ninh dựa trên nguyên tắc hòa bình này, lập trường này sẽ không thay đổi".
Sự kiện nhóm họp thượng đỉnh của các diễn đàn đa phương, diễn ra trong bối cảnh thế giới cũng đang đứng trước hàng loạt thách thức cấp bách, các vấn đề chung mang tính toàn cầu, từ biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, chuyển đổi tăng trưởng theo hướng bền vững và bao trùm, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh… Đây đều là những nhiệm vụ đã trở thành tất yếu trong chiến lược của từng quốc gia, nhưng cũng lại là những vấn đề cần sự tiếp cận ở góc độ rộng, có sự phối hợp, cùng nhau của cộng đồng quốc tế. Các vấn đề toàn cầu, cũng trở thành động lực để kéo các quốc gia tăng cường hơn nữa sự hợp tác và ứng phó.
Kết thúc Hội nghị, hơn 100 văn kiện đã được thông qua, trong đó đáng chú ý là Tuyên bố Tầm nhìn ASEAN "Cùng ứng phó thách thức"
Đề cao vai trò của các diễn đàn đa phương trong giải quyết vấn đề toàn cầu
Diễn ra vào thời điểm thế giới đan xen các cuộc khủng hoảng, Hội nghị Cấp cao ASEAN và các hội nghị liên quan trở thành nơi để ASEAN và đối tác tìm ra hướng đi chung. Kết thúc hội nghị, hơn 100 văn kiện đã được thông qua, trong đó đáng chú ý là Tuyên bố Tầm nhìn ASEAN "Cùng ứng phó thách thức", đưa ra nhiều biện pháp và cam kết nguồn lực nhằm ứng phó các thách thức đang nổi lên như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, môi trường, an ninh năng lượng, an ninh lương thực.
Bà Sharon Seah - Điều phối viên, Viện ISEAS - Yusof Ishak, Singapore: "Mọi con mắt đều đổ dồn vào khu vực Đông Nam Á. Cấp cao ASEAN là hội nghị đầu tiên trong ba hội nghị cấp cao ở đây, bên cạnh G20 và APEC… Môi trường hoạt động hiện đang rất thách thức, nhưng đây cũng là cơ hội để ASEAN tạo môi trường thuận lợi cho đối thoại mang tính xây dựng".
Còn tại Thượng đỉnh G20, trước nguy cơ kinh tế toàn cầu suy thoái, G20 nhấn mạnh những nỗ lực chung nhằm hỗ trợ ổn định thị trường và thúc đẩy các biện pháp phục hồi hậu COVID-19. G20 đã công bố thành lập Quỹ phòng chống đại dịch gần 1,5 tỷ USD, G20 cũng công bố thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng do Indonesia đề xuất. Đây là thỏa thuận mang tính hình mẫu cho các nhà sản xuất than đá chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch.
Tổng thống Mỹ Joe Biden: "Về khí hậu và an ninh năng lượng, khi chúng ta đẩy nhanh chuyển đổi sang tương lai năng lượng sạch, chúng tôi phải đảm bảo rằng chúng mang lại lợi ích cho mọi người ở mọi nơi. Đó là lý do tại sao chúng tôi tự hào hợp tác với Indonesia và Nhật Bản cùng với một liên minh các quốc gia để tạo ra Thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng".
Một tương lai xanh, phát triển bền vững cũng là điều các nền kinh tế APEC hướng tới. Tuần lễ cấp cao APEC năm nay kết thúc với Tuyên bố chung nhấn mạnh tới mô hình kinh tế sinh học - tuần hoàn - xanh. Đây là nền móng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực một cách toàn diện, bền vững và thân thiện môi trường.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha: "Chúng tôi thảo luận về những gì APEC cần làm để cải thiện nền kinh tế và phát triển bền vững. Cho đến nay, chúng ta vẫn chịu tác động kinh tế và xã hội của COVID-19 và nó trở nên tồi tệ hơn bởi tình hình toàn cầu, cũng như mối đe dọa từ biến đổi khí hậu. Chúng ta cần bảo vệ thế giới của chúng ta, chúng ta không thể sống cuộc sống của mình theo cách cũ".
Dù tồn tại những bất đồng, nhưng các diễn đàn đa phương vẫn là cơ chế quan trọng để các bên cùng ngồi lại, thống nhất những giải pháp chung cho các vấn đề chung ảnh hưởng tới toàn cầu.
Nhiều hoạt động đa phương bị gián đoạn không ít bởi thời gian đại dịch. Thế giới bước ra khỏi đại dịch, cũng gần như ngay lập tức, bất ngờ vấp phải một cuộc xung đột. Đã có những quan điểm, những lo lắng về sự chia rẽ, phân mảnh trong cục diện chính trị thế giới. Chuỗi những hoạt động ngoại giao cấp cao đa phương có thể nói là nổi bật nhất từ đầu năm, cũng là trước khi kết thúc một năm nhiều biến động, như một thông điệp thể hiện, hòa bình và hợp tác vẫn là mục tiêu các quốc gia luôn hướng đến.
(Theo VTV)