Chuyến thăm của ông Macron bị trì hoãn suốt hai năm qua do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, diễn ra trong bối cảnh thế giới có nhiều sự chuyển biến địa chính trị quan trọng, như xung đột tại Ukraine hay sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Ngoài ra, mối quan hệ giữa Paris và Washington trong thời gian gần đây cũng trải qua nhiều trắc trở. Đặc biệt, quan hệ giữa Mỹ và Pháp đã rơi vào khủng hoảng sâu sắc khi năm ngoái, Mỹ thành lập liên minh an ninh AUKUS với Anh và Australia mà không tham vấn các đồng minh châu Âu, dẫn tới việc Australia hủy bỏ hợp đồng mua tàu ngầm trị giá hàng chục tỷ USD với Pháp. Ngoài ra, hai bên còn không ít vấn đề bất đồng liên quan tới các lĩnh vực thương mại và năng lượng.
Ngoài quan hệ song phương, vấn đề lớn mà Tổng thống Pháp dự kiến đem lên bàn thảo luận cùng người đồng cấp Mỹ gần như chắc chắn là cuộc xung đột tại Ukraine. Pháp, Mỹ cũng như các nước phương Tây hiện tại đang thống nhất trong cam kết hỗ trợ Ukraine đến cùng về mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự nhưng về khía cạnh ngoại giao, Pháp có một số cách tiếp cận tương đối khác Mỹ.
Mới đây nhất, Ngoại trưởng các nước thành viên NATO đã nhóm họp tại Bucharest, Romania, và thống nhất tiếp tục hỗ trợ cho Kiev nhiều khí tài, đặc biệt là thiết bị cung cấp nguồn năng lượng, sưởi ấm cho mùa đông khắc nghiệt.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhiều lần tuyên bố rằng cùng với việc hỗ trợ mọi mặt cho Ukraine, phía Pháp vẫn duy trì và xúc tiến các đối thoại trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin để khi cơ hội cho ngoại giao xuất hiện, hai phía Nga và Ukraine có thể lập tức thảo luận một giải pháp chính trị chấm dứt xung đột hiện nay. Cách tiếp cận này tương đối khác với phía Mỹ, vốn hiện vẫn ưu tiên viện trợ quân sự toàn diện cho Ukraine để đối đầu với Nga và ít đề cập khía cạnh ngoại giao.
Theo các chuyên gia, Tổng thống Pháp sẽ đưa ra những quan ngại liên quan đến vấn đề mà các nhà lãnh đạo Lục địa Già coi như một "cái gai" dẫn đến căng thẳng giữa châu Âu và Mỹ âm ỷ suốt thời gian qua, đó là Đạo luật Giảm lạm phát mà ông Biden ký thành luật hồi tháng 8/2022, cho phép cấp gói hỗ trợ trị giá 370 tỷ USD phân bổ cho việc xây dựng các tuabin gió, pin mặt trời, bộ vi xử lý và xe điện. Biện pháp tưởng chừng rất hào phóng nhưng lại gây tranh cãi được nêu trong Đạo luật này là khoản hỗ trợ tín dụng lên đến 7.500 USD cho những ai mua xe điện được sản xuất tại các nhà máy của Mỹ.
Dù được cho là sẽ giúp ngành công nghiệp này vững vàng hơn trên chính đất Mỹ và cạnh tranh hiệu quả với Trung Quốc, phía châu Âu, trong đó có Pháp, coi đây là một chính sách bảo hộ và cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến hậu quả bất lợi cho các công ty châu Âu đang hoạt động tại Mỹ.
Giới quan sát cho rằng chuyến thăm lần này của ông Macron là dấu hiệu hàn gắn quan hệ song phương. Tổng thống Pháp là nguyên thủ đầu tiên được ông Biden đón tiếp cấp nhà nước kể từ khi ông chủ Nhà Trắng nhậm chức hồi đầu năm 2021. Sự kiện này cũng thể hiện sự coi trọng, động thái hòa dịu của chính quyền Mỹ trong nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ từ đồng minh châu Âu lâu đời nhất trong thực hiện các chính sách toàn cầu. Bên cạnh đó, những thay đổi địa chính trị trong thời gian qua cũng khiến hai quốc gia này xích lại gần nhau hơn.
Năm 2018, ông Macron cũng là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là ông Donald Trump mời thăm chính thức cấp nhà nước. Báo chí quốc tế cũng dành nhiều bài viết so sánh về hai lần ông Macron đến Nhà Trắng. Chuyến thăm cách đây 4 năm được tung hô rầm rộ và xuất hiện dày đặc trên truyền thông nhưng bị cho là kém thực chất và không mang lại kết quả nổi bật gì.
Thời điểm đó, ông Macron tự tin rằng có thể xây dựng được một cách tiếp cận mang nặng tính cá nhân với Tổng thống Mỹ, qua đó tác động đến các quan điểm đối ngoại cứng rắn của ông Trump với châu Âu, dù vậy, kết quả lại là một sự rạn nứt lớn trong quan hệ đồng minh truyền thống giữa châu Âu và Mỹ. Trong chuyến thăm cấp nhà nước lần thứ hai đến Mỹ lần này, ông Macron được cho là sẽ thực tế hơn rất nhiều. Các nguồn tin cao cấp trong nội bộ chính quyền Pháp khẳng định ông Macron sẽ tìm kiếm một cuộc đối thoại "thực chất và có đòi hỏi" với Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Mặc dù vẫn còn đó những mâu thuẫn, chuyến thăm với nghi thức ngoại giao cao nhất lần này sẽ là cơ hội để hai nhà lãnh đạo Mỹ và Pháp cũng như các quan chức khác của hai bên thảo luận về những vấn đề cùng quan tâm và hy vọng sẽ đạt được các kết quả cụ thể. Trong bối cảnh thế giới chứng kiến nhiều thay đổi khó lường, Washington và Paris đều "cần có nhau" để đối phó với một loạt các thách thức địa chính trị lớn. Mỹ cần có sự ủng hộ và hỗ trợ của Pháp tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm ứng phó với sức mạnh gia tăng của Trung Quốc bởi Pháp là nước có lãnh thổ tại khu vực này và cũng chính là nước có sự hiện diện hải quân lớn thứ hai của phương Tây tại khu vực, sau Mỹ.
Trong khi đó, tại châu Âu, cả Mỹ và Pháp đều có nhu cầu duy trì một mặt trận đoàn kết của phương Tây nhằm ứng phó với xung đột Nga - Ukraine. Dù còn khác biệt về cách tiếp cận với Nga, Mỹ và Pháp đều không muốn sự đoàn kết của phương Tây bị rạn nứt. Nhìn chung, quan hệ Pháp - Mỹ hiện nay vẫn được kết nối bởi lợi ích chung trong việc ứng phó với các đối thủ địa chính trị lớn của phương Tây, đó là Trung Quốc và Nga.
(Theo cand)