Vào ngày 24/2/2023, tròn 1 năm xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden đều khẳng định sẽ tiếp tục chiến đấu. Tổng thống Putin cho biết nước Nga đã chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài, được tiến hành "theo từng bước" trong khi Tổng thống Biden khẳng định "chúng tôi sẽ không mệt mỏi" trong việc ủng hộ cho Ukraine. Cùng ngày, tại cuộc họp báo ở Kiev, Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố "chắc chắn" Ukraine sẽ giành chiến thắng.
Tuy nhiên, không có nhà lãnh đạo nào làm rõ một chiến thắng có thể đạt được sẽ như thế nào.
"Tổng thống Putin đã cam kết như thể ông ấy sẽ thắng lớn. Còn Ukraine cam kết như thể họ sẽ đánh bại Nga, thậm chí cả khi điều đó phải trả bằng một cái giá đắt", Eugene Rumer - cựu quan chức tình báo Mỹ, đồng thời là giám đốc Chương trình Nga tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế tại Washington cho hay.
Tuy nhiên, theo các nhà quan sát Anton Troianovski, Steven Erlanger và Marc Santora nhận định trên New York Times, khẳng định quyết tâm tiếp tục chiến đấu dễ dàng hơn nhiều so với việc tập hợp nguồn lực và sự ủng hộ để thực hiện điều đó. Ukraine, với dân số chưa bằng 1/3 dân số Nga và nền kinh tế bị tàn phá bởi xung đột, đang ngày càng phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ phương Tây. Về phía Nga, đối mặt với các lệnh trừng phạt khắc nghiệt từ phương Tây trên nhiều mặt, Moscow ngày càng thúc đẩy mối quan hệ và sự hợp tác kinh tế chặt chẽ với các đối tác bên ngoài, đặc biệt là Trung Quốc.
Cho đến nay, cuộc tiến công mùa đông của Nga đã đạt được một số thành quả. Moscow kiểm soát được một số ngôi làng gần Bakhmut - một trung tâm vận chuyển quan trọng cung cấp hậu cần cho quân đội Ukraine tại Donbass. Giao tranh giữa hai bên đã diễn ra ác liệt trong những tháng qua để giành quyền kiểm soát thành phố này.
Ukraine lên kế hoạch cho cuộc tấn công mùa xuân nhưng số lượng vũ khí và đạn dược của nước này đang cạn kiệt. Theo ông Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, Ukraine "đang chờ sự hỗ trợ trang thiết bị từ phương Tây để bắt đầu phản công". Mới đây, ngày 24/2, Tổng thống Zelensky tiết lộ Kiev đang chuẩn bị một cuộc tấn công để giành lại Bán đảo Crimea.
Nhiệm vụ cấp bách của Ukraine
Tổng thống Zelensky đang phải đối mặt với cùng lúc hai nhiệm vụ khó khăn, đó là duy trì nhuệ khí của quân đội và đảm bảo sự hỗ trợ từ phương Tây. Với tất cả những thách thức đó, nhiệm vụ thứ hai có lẽ là vấn đề cấp bách nhất với Ukraine lúc này. Để duy trì sự ủng hộ của phương Tây trong suốt mùa đông - khi mà sự bất ổn về kinh tế đe dọa phá vỡ ý chí đoàn kết của các nước châu Âu, giới lãnh đạo ở Kiev và Tổng thống Biden đều hiểu rằng họ cần phải hành động.
Tại Hội nghị An ninh Munich vào cuối tuần trước, phía hậu trường, các quan chức và nhà phân tích phương Tây kín đáo bày tỏ lập trường ít kỳ vọng hơn vào khả năng của Ukraine trong việc đạt được đầy đủ mục tiêu chiến thắng mà nước này tuyên bố. Họ cũng bày tỏ lo ngại về sự kéo dài giao tranh, mức độ ổn định trong việc cung cấp vũ khí và cái giá phải trả về chính trị của lạm phát tăng cao, năng lượng và lương thực trở nên đắt đỏ hơn.
Giới lãnh đạo Mỹ và châu Âu đã nhiều lần tuyên bố công khai, việc định nghĩa các mục tiêu của cuộc xung đột và khi nào sẵn sàng đàm phán để chấm dứt giao tranh phụ thuộc hoàn toàn vào Ukraine. Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, rủi ro Nga leo thang căng thẳng và những tác động đến nền kinh tế toàn cầu sẽ đồng nghĩa rằng, thúc đẩy Ukraine hướng đến các mục tiêu thực tế hơn và cuối cùng ngồi vào bàn đàm phán với Nga sẽ nằm trong lợi ích của Mỹ.
"Đã đến lúc Mỹ và đồng minh can thiệp trực tiếp vào việc định hình các mục tiêu chiến lược của Ukraine, giải quyết xung đột và chấm dứt nó bằng con đường ngoại giao", Charles A. Kupchan, cựu quan chức dưới chính quyền Tổng thống Obama - hiện đang làm việc tại Hội đồng Đối ngoại cho hay.
Các quan chức cấp cao Mỹ và châu Âu hiểu, họ cũng có lợi ích của riêng mình và những lợi ích đó có lẽ không trùng với các lợi ích của Kiev. Đó là lý do tại sao trong khi các nước NATO cung cấp vũ khí và huấn luyện cho Ukraine thì họ không chiến đấu cùng nước này.
Mỹ cũng thận trọng trong việc hỗ trợ các loại vũ khí cho Kiev nhằm đảm bảo NATO sẽ không bị kéo vào cuộc chiến lớn hơn với Nga.
"Vấn đề ở đây là Mỹ trao cho Ukraine các công cụ đủ để đẩy lùi các lực lượng của Nga nhưng không đủ để giành chiến thắng", Angela E. Stent, học giả nghiên cứu về Nga tại Đại học Georgetown nói.
Với các quan chức Ukraine lúc này, việc cân bằng giữa chiến lược quân sự và thực tế ngoại giao là một nhiệm vụ thách thức. Các quan chức Ukraine nói rằng họ không nghĩ Nga có thể duy trì lực lượng và vũ khí với tỷ lệ tiêu hao hiện nay, đồng thời nhận định Moscow sẽ cố gắng tìm cách tạm dừng xung đột bằng cách tăng cường gây sức ép quốc tế cho một lệnh ngừng bắn. Phía Ukraine cho rằng thành công lớn nhất của điện Kremlin sẽ là thuyết phục được phương Tây tin rằng Kiev không thể chiếm ưu thế.
Điều kiện đàm phán của Nga và Ukraine
Ukraine lo ngại Nga kiểm soát các vùng lãnh thổ càng lâu thì Kiev càng gặp khó khăn về kinh tế và tâm lý trong khi vẫn phải cố gắng bổ sung kho vũ khí của mình. Ukraine hiện đang hối thúc phương Tây cung cấp thêm các vũ khí mạnh hơn như xe tăng, tên lửa chính xác tầm xa, xe chiến đấu bọc thép và chiến đấu cơ.
Chuyến thăm bất ngờ tới Kiev của Tổng thống Biden và cam kết cung cấp thêm cho Ukraine 2 tỷ USD hỗ trợ quân sự đã cho thấy Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine giữa bối cảnh Kiev có kế hoạch phản công vào những tháng tới.
"Thời gian cung cấp vũ khí từ các đối tác của chúng tôi" là một mối lo ngại lớn, ông Oleksiy Danilov, người đứng đầu Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine cho hay.
"Việc này càng bị trì hoãn thì chúng tôi càng mất nhiều người".
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây, ông Danilov cho biết những so sánh đang xuất hiện trên truyền thông về tình hình ở Ukraine với Bán đảo Triều Tiên, theo đó cho rằng giải pháp "vĩ tuyến 38" phân chia hai miền Nam và Bắc Triều Tiên, có thể áp dụng với Ukraine. Tuy nhiên, ông Danilov đã bác bỏ khả năng đàm phán theo chương trình của Nga.
Trong cuộc hợp báo ngày 24/2, Tổng thống Zelensky cũng bác bỏ ý tưởng giải quyết xung đột bằng cách duy trì tình hình hiện tại. Theo ông, chỉ sau khi Nga ngừng các cuộc tấn công và "tôn trọng quyền của người Ukraine sống trên đất của Ukraine" thì "chúng tôi mới nói hình thức chúng ta có thể sử dụng để chấm dứt cuộc xung đột này".
Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia khẳng định, Nga chỉ sẵn sàng thảo luận về giải pháp hòa bình khi đạt được tất cả mục tiêu đã tuyên bố trong chiến dịch quân sự ở Ukraine.
"Nga sẵn sàng đàm phán dựa trên sự công nhận hòa bình đối với các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt và sẽ không cân nhắc bất kỳ kịch bản nào khác", ông Nebenzia cho hay.
Moscow đã liệt kê các điều kiện cho giải pháp ngoại giao nhằm chấm dứt xung đột, trong đó bao gồm việc phương Tây phải chấm dứt "hỗ trợ vũ khí và lính đánh thuê" cho Kiev, đồng thời Ukraine phải quay về tình trạng trung lập sau khi được "phi quân sự hóa" và "phi phát xít hóa".
(Theo VOV)