Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố nước này đang "có chiến tranh” sau khi căng thẳng giữa Israel và nhóm vũ trang Hamas của người Palestine leo thang nghiêm trọng, xuất phát từ cuộc tấn công của nhóm Hamas vào lãnh thổ Israel và đòn đáp trả của Israel trong ngày 7-10.
Vụ việc là một trong những cuộc giao tranh đẫm máu nhất giữa hai bên trong gần 20 năm qua, cũng là diễn biến khó tránh khỏi của xung đột dai dẳng kéo dài hàng thập niên tại Dải Gaza, gây quan ngại sâu sắc cho cộng đồng quốc tế.
"Bão Al-Aqsa” đối đầu "Thanh kiếm sắt”
Theo đài CNN, xung đột bắt đầu vào sáng 7-10 (giờ địa phương) khi Lữ đoàn Al-Qassam thuộc Tổ chức vũ trang Hồi giáo Hamas tấn công quy mô lớn vào Israel từ Dải Gaza bằng loạt rocket. Các chiến binh Hamas cũng đột nhập vào lãnh thổ Israel để bắt con tin và cướp tù nhân, đồng thời triển khai máy bay chiến đấu vào miền Nam Israel.
Đền thờ Al-Aqsa là một trong những nơi được tôn kính nhất trong đạo Hồi và đạo Do Thái. Đền thờ được người Hồi giáo gọi là Thánh địa cao quý và người Do Thái gọi là Núi Đền. Đây cũng là một điểm nóng giao tranh giữa Israel và Palestine trong nhiều thập niên.
Ngay sau vụ tấn công, ông Muhammad al-Deif, Tổng chỉ huy Lữ đoàn Al-Qassam, đã tuyên bố nhóm của ông đang phát động cuộc tấn công mang tên "Bão Al-Aqsa” để đáp trả "sự xúc phạm” của người Israel với thánh đường Hồi giáo Al-Aqsa và những đau đớn mà người Palestine phải đối mặt trong nhiều thập niên qua.
"Đã hết thời gian để Israel hành động mà không cần chịu trách nhiệm. Chúng tôi muốn thông báo về chiến dịch "Bão Al-Aqsa”. Chỉ trong vòng 20 phút đầu tiên của chiến dịch, chúng tôi đã phóng hơn 5.000 quả rocket”- theo ông Deif. Ông cũng kêu gọi người dân Palestine từ đông Jerusalem đến miền Bắc Israel tham gia cuộc chiến để "trục xuất những kẻ chiếm đóng”.
Đáp lại, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tuyên bố mở chiến dịch "Thanh kiếm sắt” trên không và trên bộ để đáp trả cuộc tấn công của nhóm Hamas. IDF đã không kích và pháo kích vào hàng loạt mục tiêu ở Dải Gaza để triệt hạ các chiến binh Hamas, cùng lúc đó lực lượng bộ binh của Israel tiến vào Dải Gaza từ nhiều hướng khác nhau bằng hàng chục xe tăng và thiết giáp.
Xuyên đêm 7-10 và ngày 8-10, các cuộc giao tranh giữa hai bên vẫn tiếp diễn với hàng loạt cuộc pháo kích, đấu súng cũng như rất nhiều vụ bắt cóc. Ngày 8-10, Thủ tướng Netanyahu tuyên bố giai đoạn đầu của chiến dịch "Thanh kiếm sắt” đã hoàn thành với hơn 400 chiến binh của nhóm Hamas bị tiêu diệt và Israel sẽ tấn công không ngừng cho đến khi đạt được mục tiêu.
Bộ Y tế Israel cho biết tính đến trưa 8-10 (giờ địa phương) đã có 350 người dân nước này thiệt mạng, 1.864 người bị thương. Về phía Palestine, Bộ Y tế Palestine cho biết các cuộc tấn công đã khiến 313 người Palestine thiệt mạng và 1.788 người bị thương.
Theo tờ The Washington Post, tình trạng bạo lực nổ ra ngày 7-10 giữa Israel và nhóm Hamas xuất phát từ xung đột kéo dài hàng thập niên và được thúc đẩy bằng những sự leo thang nghiêm trọng trong thời gian gần đây.
Những năm qua, Israel đã gia tăng kiểm soát và hạn chế người dân Palestine tiếp cận thánh đường Al-Aqsa, thậm chí Israel còn tổ chức nhiều vụ đột kích bằng vũ lực với những người Palestine mà Israel cho là mối đe dọa. Theo số liệu của Liên hợp quốc (LHQ), tính từ đầu năm 2023 đến ngày 19-9, 227 người Palestine đã bị phía Israel sát hại, ngược lại, khoảng 29 người Israel, chủ yếu ở khu vực bờ tây cũng thiệt mạng trong khoảng thời gian trên.
Phản ứng khác nhau từ cộng đồng quốc tế
Ngay sau khi xung đột bùng phát, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Netanyahu và khẳng định cam kết của Washington với đồng minh Israel, theo tuyên bố của Nhà Trắng. "Mỹ lên án một cách dứt khoát cuộc tấn công kinh hoàng của những kẻ khủng bố Hamas từ Dải Gaza nhằm vào Israel. Và tôi đã nói rõ với Thủ tướng Netanyahu rằng chúng tôi sẵn sàng cung cấp mọi phương tiện hỗ trợ thích hợp cho chính phủ và người dân Israel” - ông Biden nói.
Cùng ngày, các nhà lãnh đạo phương Tây như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Canada Justin Trudeau... cũng đã lên án cuộc tấn công của nhóm Hamas vào Israel. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 7-10 đã gọi cuộc tấn công của nhóm Hamas là một vụ khủng bố và cho rằng quyền tự vệ của Israel là "không thể nghi ngờ”. "Bất kỳ ai gây ra khủng bố và chết chóc ở đâu trên hành tinh đều phải chịu trách nhiệm. Cuộc tấn công khủng bố nhằm vào Israel đã được lên kế hoạch kỹ càng và cả thế giới đều biết về những kẻ tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố” - tổng thống Ukraine viết trên Twitter.
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) cũng dùng cụm từ "khủng bố” để mô tả cuộc tấn công của các chiến binh Hamas vào Israel.
Trong khi đó, hãng thông tấn Palestine WAFA dẫn lời tổng thống nước này - ông Mahmoud Abbas cho rằng người dân Palestine có quyền tự vệ trước "tội ác và sự vi phạm của Israel tại thánh đường Hồi giáo Al-Aqsa và lãnh thổ Palestine”. WAFA cũng đưa tin rằng ông Abbas đã chỉ thị cho chính quyền Palestine cung cấp mọi thứ cần thiết "để củng cố sự kiên định của người Palestine” trước Israel.
Iran ngày 7-10 đã lên tiếng bảo vệ nhóm Hamas và cho rằng vụ việc là một hành động tự vệ của người Palestine, đồng thời kêu gọi các nước Hồi giáo ủng hộ Palestine. "Hoạt động lần này là phong trào tự phát của các nhóm kháng chiến và những người dân bị áp bức ở Palestine nhằm bảo vệ các quyền bất khả xâm phạm của họ. Đó cũng là phản ứng tự nhiên trước các chính sách khiêu khích của những người theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái” - hãng thông tấn ISNA dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Iran cho hay.
Bộ Ngoại giao Nga kêu gọi Palestine và Israel "ngừng bắn ngay lập tức và thể hiện sự kiềm chế cần thiết” để đi đến đàm phán hòa bình lâu dài. Moscow cũng cho biết đang liên lạc với Israel, Palestine và các nước Ả Rập liên quan để tìm cách hạ nhiệt xung đột, hãng tin Interfax dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Mikhail Bogdanov cho biết.
Ngày 8-10, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh "quan ngại sâu sắc” trước sự leo thang căng thẳng và bạo lực hiện nay ở Dải Gaza. Trung Quốc kêu gọi các bên liên quan giữ bình tĩnh và đề xuất cách để thoát khỏi xung đột là "tìm kiếm giải pháp hai nhà nước và thành lập một nhà nước Palestine độc lập”.
Về phía LHQ, Tổng thư ký Antonio Guterres đã lên án vụ tấn công của Hamas và kêu gọi "các nỗ lực ngoại giao để tránh một cuộc xung đột lớn hơn”. Hãng Reuters dẫn các nguồn tin cho biết Hội đồng Bảo an LHQ sẽ tổ chức họp kín trong ngày 8-10 (giờ Mỹ) để thảo luận về cuộc xung đột.•
Việt Nam lên tiếng về xung đột giữa Hamas và Israel
Theo TTXVN, ngày 8-10, trả lời câu hỏi của PV đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam (VN) trước tình hình xung đột leo thang giữa lực lượng Hamas và Israel, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nêu rõ: VN quan tâm, theo dõi và quan ngại sâu sắc trước tình trạng bạo lực leo thang giữa lực lượng Hamas và Israel, gây nhiều thương vong cho thường dân.
"Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình, sớm nối lại đàm phán giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an LHQ, đảm bảo an toàn và các lợi ích chính đáng của thường dân” - người phát ngôn Phạm Thu Hằng bày tỏ.
Bộ Ngoại giao khuyến cáo công dân VN tạm thời không tới các khu vực xảy ra xung đột. Công dân VN ở địa bàn cần theo dõi sát tình hình; liên hệ ngay với Đại sứ quán VN tại Israel khi cần được trợ giúp.
(Theo PLO)