Ngày 11/10 (giờ địa phương), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã xuất hiện tại trụ sở NATO ở Brussels (Bỉ), để tham gia một cuộc họp gồm các đồng minh ủng hộ Kiev trong cuộc xung đột kéo dài 20 tháng qua với Nga.
Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của ông Zelensky tới trụ sở NATO, mặc dù trước đó nhà lãnh đạo Ukraine đã phát biểu từ xa với các đồng minh từ Kiev.
Theo Tass, trả lời truyền thông trước trụ sở NATO, ông Zelensky bày tỏ sự lo ngại rằng phương Tây có thể "ít chú hơn" đến Ukraine trong bối cảnh sự quan tâm toàn cầu chuyển sang một cuộc chiến mới bùng nổ ở Israel.
Nhà lãnh đạo Ukraine cũng "hy vọng tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Mỹ", tuyên bố "nếu viện trợ cho Kiev chấm dứt, thời gian sẽ đứng về phía Nga".
Bên cạnh đó, ông Zelenskiy một lần nữa kêu gọi sử dụng các tài sản Nga bị tịch thu ở phương Tây để tài trợ cho các dự án tái thiết ở Ukraine.
Ông nói: "Họ (quân đội Nga) đã tấn công chúng tôi, chúng tôi có thể sử dụng số tiền này. Hãy tìm ra giải pháp để sử dụng được số tiền này của Nga và tiêu chúng vào việc tái thiết Ukraine".
Xuất hiện bên cạnh Tổng thống Ukraine Zelensky, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết sự hỗ trợ của NATO cho Ukraine sẽ là "về phòng không, pháo binh và đạn dược” và khối đã tăng cường sản xuất vũ khí.
"Phòng không có vai trò quan trọng để bảo vệ các thành phố, cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine. Khi đó, người Ukraine mới có thể sản xuất, buôn bán và hoạt động như một quốc gia bình thường. Qua đó có thể tăng khả năng tài trợ cũng như cung cấp đạn dược cho cuộc chiến của họ", ông Stoltenberg nói.
Anh và các nước Bắc Âu công bố gói viện trợ mới cho Ukraine
Cùng ngày, Anh và các đồng minh Bắc Âu khác đã công bố gói hỗ trợ quân sự mới trị giá 100 triệu bảng Anh (123 triệu USD) cho Ukraine, nhằm giúp các lực lượng vũ trang nước này rà phá các bãi mìn, bảo trì phương tiện và cơ sở hạ tầng quan trọng.
Bộ Quốc phòng Anh cho biết, gói viện trợ này được trích từ Quỹ Quốc tế dành cho Ukraine (IFU) do Anh quản lý.
Sự hỗ trợ mới được đưa ra khi những nước phương Tây ủng hộ Kiev đang chạy đua tăng cường cung cấp vũ khí trước mùa đông, sau khi cuộc tấn công mùa hè của Ukraine không mang lại lợi ích như mong đợi trên chiến trường.
Cũng trong ngày 11/10, Bộ trưởng Quốc phòng Bỉ Ludivine Dedonder cho biết trên đài phát thanh Bel RTL rằng nước này sẽ gửi máy bay chiến đấu F-16 tới Ukraine từ năm 2025.
Tuy nhiên, ông Dedonder không nêu cụ thể có bao nhiêu máy bay phản lực sẽ được gửi tới Ukraine.
Máy bay chiến đấu loại này là nòng cốt của không quân Mỹ và các nước phương Tây. Chúng được đưa vào sử dụng từ năm 1978. Đây là loại máy bay tương đối rẻ và dễ bảo trì. Ở phương Tây, F-16 được coi là tốt nhất trong số các máy bay tương tự. Nó có động cơ mạnh và tỷ lệ lực kéo trên trọng lượng tốt, di chuyển nhẹ nhàng và cơ động cao.
2 quan chức Bộ Quốc phòng Ukraine biển thủ tiền mua giáp chống đạn
Trong một diễn biến khác, Cơ quan Điều tra Nhà nước Ukraine ngày 10/10 cho biết, 2 quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng nước này đã bị bắt giữ vì nghi ngờ biển thủ khoản tiền 7 triệu USD được dự toán để mua áo chống đạn.
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Zelensky đang tăng cường nỗ lực chống tham nhũng và sa thải các quan chức bị cáo buộc tham nhũng để xoa dịu các đồng minh phương Tây đang hỗ trợ cho Ukraine.
Cơ quan Điều tra Nhà nước Ukraine nêu rõ, 2 quan chức này đã đặt mua "áo giáp kém chất lượng” từ nước ngoài, "điều này không chỉ dẫn đến thất thoát 250 triệu hryvnia (khoảng 7 triệu USD) trong ngân sách mà còn làm suy yếu khả năng phòng thủ của quốc gia và đe dọa tính mạng của quân nhân".
Theo báo cáo, trong những tháng gần đây đã xảy ra nhiều vụ bê bối tham nhũng trong Bộ Quốc phòng Ukraine. Vào tháng 8, ông Zelensky đã sa thải các quan chức chịu trách nhiệm tuyển dụng quân sự ở nhiều khu vực khác nhau trên khắp đất nước vì cáo buộc tham nhũng. Tháng 9, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine khi đó là Reznikov đã từ chức.
(Theo VTC)