"Số người chết trong vụ tập kích bệnh viện Al-Ahli là 471 người, 28 người nguy kịch và 314 người bị thương ở nhiều mức độ", phía Hamas ra tuyên bố ngày 18/10.
Trước đó giới chức y tế Hamas nói rằng vụ nổ tại bệnh viện Al-Ahli ở miền trung Dải Gaza đêm 17/10 khiến ít nhất 500 người thiệt mạng. Lực lượng này cáo buộc quân đội Israel tấn công bệnh viện.
Israel khẳng định nước này không tấn công cơ sở y tế và cho rằng một quả rocket của tổ chức Jihad Hồi giáo Palestine (PIJ) đã gặp sự cố sau khi phóng và rơi xuống sân bệnh viện, gây ra thảm kịch. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng nói rằng ông tin Israel không gây ra sự việc.
Sau khi được phóng viên hỏi thêm về tuyên bố này, ông Biden cho biết dựa theo những thông tin Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo với ông, "vụ tập kích có vẻ là hậu quả từ một quả rocket gặp sự cố do nhóm khủng bố ở Gaza bắn".
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Adrienne Watson sau đó nói rằng: "Chúng tôi đang tiếp tục thu thập thông tin, nhưng đánh giá hiện tại dựa trên phân tích hình ảnh trên không, thông tin chặn và nguồn mở là Israel không chịu trách nhiệm về vụ nổ tại bệnh viện ở Gaza".
Các quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ tình báo nước này đã thu thập dữ liệu vệ tinh và hồng ngoại cho thấy rocket được phóng từ vị trí của các tay súng bên trong Gaza.
Sau vụ tập kích bệnh viện Al-Ahli, người dân Palestine ở Bờ Tây đã xuống đường biểu tình, cáo buộc Israel gây ra sự việc. Đám đông biểu tình mang theo cờ Palestine, một số cầm theo biểu ngữ ủng hộ Hamas, hô vang các khẩu hiệu chống Israel.
Nhiều người còn chỉ trích Tổng thống Palestine Mahmud Abbas, lãnh đạo phong trào Fatah đối lập với Hamas, "hợp tác với Israel" và kêu gọi hạ bệ ông. Ông Abbas trước đó mô tả vụ tập kích bệnh viện Al-Ahli là "vụ thảm sát chiến tranh ghê tởm" không thể tha thứ.
Biểu tình cũng nổ ra tại nhiều nước Arab và Hồi giáo. Hàng trăm người ủng hộ Hezbollah xuống đường hô khẩu hiệu chống Mỹ và Israel ở vùng ngoại ô phía nam Beirut.
Tại Jordan, khoảng 5.000 người tụ tập bên ngoài đại sứ quán Israel, yêu cầu trục xuất phái đoàn ngoại giao. Ở Syria, hàng trăm người mang cờ Palestine tập trung tại gần tòa nhà quốc hội.
Sau khi nổ ra xung đột Hamas - Israel hôm 7/10, ít nhất 3.478 người đã thiệt mạng ở Dải Gaza. Người dân trong khu vực sống trong cảnh bị phong tỏa, thiếu nhu yếu phẩm.
Israel ngày 18/10 thông báo cho phép hàng viện trợ vào Dải Gaza từ Ai Cập, miễn là chúng không rơi vào tay lực lượng Hamas. Ai Cập trước đó nói rằng cửa khẩu bị hư hại nghiêm trọng do các cuộc không kích từ Israel và họ cần chờ Tel Aviv đảm bảo lối đi an toàn trước khi bật đèn xanh cho đoàn xe chở nhu yếu phẩm vào dải đất.
(Theo VnExpress)