Theo chính quyền địa phương, tính đến hôm 5/1, số người chết vì trận động đất 7,6 độ richter ngày đầu năm mới ở Nhật Bản đã tăng lên 92, trong khi 242 người vẫn mất tích.
Theo dữ liệu mới nhất, hơn 250 người bị thương. Hoạt động tìm kiếm và cứu nạn tại khu vực bị ảnh hưởng vẫn tiếp tục. Hôm 4/1, lực lượng cứu hộ đã cứu được một phụ nữ lớn tuổi nằm hơn 72 giờ dưới đống đổ nát.
Tỉnh Ishikawa hứng chịu thiệt hại nặng nề nhất của trận động đất, với hơn 250 ngôi nhà bị phá hủy và 200 ngôi nhà bị thiêu rụi do hỏa hoạn. Chính quyền địa phương cho biết đây chưa phải là con số cuối cùng.
Các quan chức ở tỉnh Ishikawa cũng cho biết thành phố Wajima có số người chết nhiều nhất với 55 người, tiếp theo là Suzu với 23 người. Hoạt động tìm kiếm và cứu hộ vẫn tiếp tục, mặc dù bị cản trở do điều kiện thời tiết xấu.
Bên cạnh đó, hạ tầng thiệt hại trên diện rộng, lở đất và dư chấn sau trận động đất mạnh cũng tiếp tục cản trở hoạt động tìm kiếm và cứu hộ. Lực lượng cứu hộ phải vượt qua đống đổ nát và những tuyến đường bị chặn do sạt lở để tiếp cận những người sống sót. Nhiều trường hợp còn mắc kẹt dưới những tòa nhà bị sập.
Hôm 5/1, Nhật Bản điều động nhân lực thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tham gia các hoạt động cứu hộ động đất ở vùng Noto, con số này lên đến 4.600 người. Nhật Bản cũng có kế hoạch tiếp nhận một đội cứu hộ từ Mỹ trong nỗ lực khắc phục hậu quả sau trận động đất.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki thông báo Chính phủ Nhật Bản sẽ chi 4,74 tỉ yen (32,7 triệu USD) từ dự phòng ngân sách nhà nước để hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi thiên tai
Nhật Bản hứng chịu hàng trăm trận động đất mỗi năm, song hầu hết giảm thiểu được thiệt hại nhờ các quy định xây dựng nghiêm ngặt được áp dụng trong hơn 4 thập kỷ qua. Tuy nhiên, trong 5 năm qua, vùng Noto đã phải hứng chịu các trận động đất với tần suất và cường độ ngày càng tăng.
Trận động đất kinh hoàng, mạnh 9 độ richter xảy ra vào năm 2011, gây ra sóng thần khiến khoảng 18.500 người thiệt mạng và mất tích, đồng thời dẫn tới sự cố rò rỉ phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 - một trong những thảm họa hạt nhân nghiêm trọng nhất trong lịch sử.
Nhật Bản đạt bước tiến lớn trong việc theo dõi những gì xảy ra khi mặt đất rung chuyển, giúp hạn chế thiệt hại. Mạng lưới trạm GPS đặt rải rác ở các điểm chiến lược trên khắp Nhật Bản. Do đó, khi động đất xảy ra, nhà khoa học có thể tính chính xác mặt đất bị cong vênh và xê dịch nhiều tới mức nào.
(Theo VTC)