Tổng thống Nga Vladimir Putin sắp tuyên thệ nhậm chức

  • Cập nhật: Thứ ba, 7/5/2024 | 7:45:40 AM

Những khâu chuẩn bị cuối cùng đang được hoàn tất trước lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Điện Kremlin ngày 7/5, theo RT.

Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Ông Putin đã đắc cử nhiệm kỳ tổng thống thứ năm trong cuộc bầu cử hồi tháng 3, giành được 87,28% số phiếu bầu với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt mức kỷ lục (hơn 77%). Nhiệm kỳ Tổng thống Nga sẽ kéo dài sáu năm.

Lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Putin sẽ diễn ra tại Điện Kremlin lúc 16h (giờ Việt Nam) ngày 7/5, dự kiến kéo dài khoảng một giờ.

Sự kiện sẽ được phát sóng trực tiếp trên các kênh truyền hình Nga. Lễ nhậm chức hồi năm 2018 của ông Putin kéo dài 48 phút.

Tại buổi lễ, tổng thống sẽ đặt tay lên Hiến pháp và đọc lời tuyên thệ. Trong đó có câu: "Khi thực hiện nhiệm vụ của mình với tư cách Tổng thống Nga, tôi cam kết tôn trọng và bảo vệ các quyền và sự tự do của mọi công dân; tuân thủ và bảo vệ Hiến pháp Nga; bảo vệ chủ quyền, độc lập, an ninh và toàn vẹn đất nước, trung thành phục vụ nhân dân".

Sau đó, ông sẽ được trao cờ hiệu và biểu tượng của Tổng thống Nga, chính thức nhậm chức.

Buổi lễ dự kiến sẽ có sự tham gia của các quan chức quốc tế, nhưng thông tin chi tiết chưa được tiết lộ.

Phó Thủ tướng Nga Denis Manturov cho biết phiên bản cải tiến của chiếc limousine dành cho tổng thống Aurus Senat sẽ xuất hiện tại sự kiện.

Tổng thống Nga Putin đã sử dụng chiếc limousine nội địa Aurus Senat từ năm 2018. Đây cũng là chiếc xe đã đưa ông đến lễ nhậm chức tổng thống vào ngày 7/5/2018.

* Mỹ và phương Tây tẩy chay lễ nhậm chức của ông Putin

Trong khi Mỹ và nhiều nước từ chối tham dự buổi lễ nhậm chức của ông Putin, Pháp và một số quốc gia EU khác dự kiến vẫn sẽ cử đặc phái viên đến bất chấp lời cầu xin của Kiev.

Phản ứng ngoại giao khác nhau trên đã tô đậm sự khác biệt về cách các nước này xử lý liên quan đến ông Putin hơn hai năm sau khi ông phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller giải thích: "Không, chúng tôi sẽ không có đại diện tại lễ nhậm chức của ông ấy... Chúng tôi chắc chắn không coi cuộc bầu cử đó là tự do và công bằng, nhưng ông ta là tổng thống Nga và ông ta sẽ tiếp tục giữ chức vụ đó".

Trong khi đó, ngày 6-5, Anh và Canada khẳng định sẽ không cử bất kỳ ai tham dự buổi lễ. Cả hai nước này đưa ra tuyên bố của mình một ngày sau khi Nga tuyên bố sẽ tổ chức các cuộc tập trận vũ khí hạt nhân chiến thuật với hy vọng sẽ hạ nhiệt những "cái đầu nóng" ở phương Tây.

Ông Putin đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 3 vừa qua, chỉ vài tuần sau khi đối thủ nổi bật nhất của ông, ông Alexei Navalny, chết trong tù.

"Ukraine thấy không có cơ sở pháp lý nào để công nhận ông là tổng thống hợp pháp và được bầu cử dân chủ của Liên bang Nga", Bộ Ngoại giao Ukraine tuyên bố.

Cũng theo phía Ukraine, buổi lễ tuyên thệ ngày 7-5 đang tạo ra "ảo tưởng về tính hợp pháp cho sự nắm quyền gần như suốt đời" của ông Putin.

Trong khi đó, Hãng tin Interfax của Nga dẫn lời một quan chức cấp cao của Điện Kremlin cho biết người đứng đầu tất cả các cơ quan ngoại giao nước ngoài ở Matxcơva đã được mời tới dự lễ nhậm chức của ông Putin.

Người phát ngôn của EU cho biết đại sứ của khối tại Nga sẽ không tham dự buổi lễ, phù hợp với lập trường của hầu hết các nước thành viên khối.

Theo nguồn tin của Hãng tin Reuters, một nhà ngoại giao châu Âu cho biết 20 quốc gia thành viên EU sẽ tẩy chay sự kiện này, nhưng 7 quốc gia khác dự kiến sẽ cử đại diện đến tham dự lễ nhậm chức của ông Putin.

Hai nguồn tin ngoại giao cho biết Pháp, Hungary và Slovakia đều dự kiến sẽ đến.

Nhấn mạnh sự chia rẽ về cách đối phó với Nga, một nguồn tin ngoại giao ở Paris cho biết: "Pháp sẽ được đại diện bởi đại sứ của họ tại Nga".

Phát biểu cùng với chủ tịch Trung Quốc hôm 6-5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói: "Chúng tôi không có chiến tranh với Nga hay người dân Nga, và chúng tôi không mong muốn thay đổi chế độ ở Matxcơva".

Trong khi đó, các nước vùng Baltic, hiện không còn phái viên ở Matxcơva, đã loại trừ việc tham dự lễ nhậm chức.

"Việc tham gia vào lễ nhậm chức của ông Putin là không thể chấp nhận được đối với Lithuania. Ưu tiên của chúng tôi vẫn là hỗ trợ Ukraine và người dân nước này chiến đấu chống lại Nga", Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis nói.

(Theo TPO - TTO)

Các tin khác

Tổng thống Ukraine đã ký thành luật một dự luật cho phép một số tù nhân Ukraine phục vụ trong quân đội để đổi lấy khả năng được tạm tha khi kết thúc nghĩa vụ.

Tổng thống Nga Putin trong chuyến công du tới Bắc Kinh

Tổng thống Nga Putin trong buổi họp báo nhân chuyến thăm Trung Quốc 2 ngày khẳng định Moscow sẵn sàng đàm phán nhưng không bao giờ đồng ý những điều kiện không thể chấp nhận.

Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở quận Fukushima của Nhật Bản.

Ngày 17/5, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) của Nhật Bản bắt đầu tiến hành đợt xả thứ 6 lượng nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 ra biển.

Hàng viện trợ nhân đạo được thả xuống Gaza.

Jordan phối hợp với Ai Cập và Đức thả 3 đợt hàng viện trợ nhân đạo nhằm hỗ trợ dân thường ở Gaza đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung nghiêm trọng do xung đột.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục