Phiên điều trần sẽ kéo dài 2 tuần nhằm thiết lập các hướng dẫn pháp lý về cách các quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu và giúp những nước dễ bị tổn thương tăng cường năng lực chống đỡ trước các tác động tàn phá do thực trạng này gây ra.
Từ nhiều năm qua, các quốc đảo ở Thái Bình Dương đã kêu gọi Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) đặt ra vấn đề về nghĩa vụ pháp lý của các nước trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Trong nghị quyết thông qua vào năm ngoái, ĐHĐ LHQ cũng đã yêu cầu các thẩm phán quốc tế cho ý kiến tư vấn về vấn đề này.
Theo số liệu của LHQ, trong thập kỷ đến năm 2023, mực nước biển toàn cầu đã tăng trung bình khoảng 4,3 cm, với một số vùng ở Thái Bình Dương tăng nhiều hơn những nơi khác. Các quốc đảo từ lâu đã lo ngại nguy cơ sẽ bị biến mất do nước biển dâng cao. Ngoài ra, nhiệt độ toàn cầu cũng đã tăng 1,3 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, do hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch.
Theo kế hoạch, hơn 100 quốc gia và tổ chức sẽ nộp hồ sơ lên hội đồng thẩm phán gồm 15 thành viên để trình bày các ý kiến, tranh luận và bảo vệ quyền lợi cũng như nghĩa vụ của mình. Đây là số lượng thành phần tham dự cao nhất từ trước đến nay tại tòa án của LHQ có trụ sở tại La Hay (Hague, Hà Lan).
ICJ sẽ tập trung giải đáp 2 câu hỏi: Các quốc gia có nghĩa vụ gì theo luật pháp quốc tế trong việc bảo vệ khí hậu và môi trường trước tác động của khí thải nhà kính do con người gây ra? Và sẽ có những hệ quả pháp lý gì đối với những chính phủ không hành động hoặc hành động không đủ, dẫn đến việc gây tổn hại đáng kể cho khí hậu và môi trường?
Mặc dù không mang tính ràng buộc pháp lý song nhiều ý kiến cho rằng phán quyết của ICJ sẽ tạo cơ sở cho các hành động tiếp theo và gây áp lực đối với các nước phát triển trong cuộc chiến đẩy lùi biến đổi khí hậu hiện nay. Ông Ralph Regenvanu - Đặc phái viên của quốc đảo Vanuatu về biến đổi khí hậu và môi trường - nói rõ việc đề nghị ICJ làm rõ các nghĩa vụ pháp lý quốc tế đối với hành động khí hậu có ý nghĩa quan trọng, do các quốc đảo đang ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống lại những tác động của biến đổi khí hậu.
Tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP29) diễn ra ở thủ đô Baku của Azerbaijan, các nước phát triển đã nhất trí với mục tiêu tăng gấp 3 lần khoản tài chính công hỗ trợ các quốc gia đang phát triển, từ 100 tỷ USD lên 300 tỷ USD mỗi năm đến năm 2035.
Tuy nhiên, các nước đang phát triển cho rằng cam kết này là chưa đủ, đồng thời cũng thất vọng khi thỏa thuận cuối cùng của COP29 không bao gồm cam kết toàn cầu về từ bỏ hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch, một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra tình trạng nóng lên toàn cầu.
(Theo Báo Tin Tức)