Hàn Quốc: Biểu tình phản đối thiết quân luật lan rộng trên toàn quốc

  • Cập nhật: Thứ sáu, 6/12/2024 | 8:39:11 AM

Các thành viên của Liên đoàn Công đoàn Hàn Quốc đã tổ chức các cuộc biểu tình tại Gyeryong và các khu vực khác của tỉnh Nam Chungcheong trong ngày 5/12 để yêu cầu Tổng thống Yoon Suk Yeol từ chức.

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, các cuộc biểu tình, tụ họp đang lan rộng trên toàn Hàn Quốc trong ngày thứ hai liên tiếp kêu gọi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol từ chức sau quyết định ban bố tình trạng thiết quân luật đêm 3/12 và dỡ bỏ vào rạng sáng 4/12.

Đây sẽ là áp lực lớn với Tổng thống và đảng Quyền lực quốc dân (PPP) cầm quyền trước cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội về dự luật luận tội tổng thống dự kiến diễn ra tối ngày 7/12.

Các thành viên của Liên đoàn Công đoàn Hàn Quốc (KCTU), một trong những công đoàn lao động lớn nhất cả nước, và các nhóm công dân khác đã tổ chức các cuộc biểu tình tại Gyeryong và các khu vực khác của tỉnh Nam Chungcheong trong ngày 5/12 để yêu cầu Tổng thống Yoon Suk Yeol từ chức.

Bắt đầu từ chiều 5/12, các cuộc tụ tập đã diễn ra tại các thành phố trung tâm thành phố Cheonan và Daejeon và trước Tòa thị chính Seosan.

Tại trung tâm thành phố Chungju, 8 thành viên hội đồng địa phương có liên hệ với đảng Dân chủ đối lập chính (DP) đã tổ chức một cuộc họp báo yêu cầu Tổng thống Yoon Suk Yeol lập tức từ chức vì cho rằng tuyên bố thiết quân luật của ông "phá hoại hoàn toàn tinh thần của Hiến pháp."

Trong khi đó, tại thành phố Gwangju, cách Seoul khoảng 270 km về phía Nam, hơn 800 người đã tham gia biểu tình, vẫy các biểu ngữ phản đối thiết quân luật.

Trên đảo Jeju phía Nam, các nhóm thanh niên và sinh viên đã tổ chức một cuộc tụ họp trước tòa thị chính phản đối thiết quân luật, kêu gọi bảo vệ nền dân chủ. Những người biểu tình cho rằng việc áp đặt thiết quân luật gây khó khăn cho người dân và là hành động làm suy yếu nền dân chủ.

Trước đó, một loạt các cuộc biểu tình cũng đã được tổ chức trước các văn phòng cấp tỉnh của đảng PP cầm quyền, chỉ trích quyết định của đảng này phản đối động thái luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol.

Cùng với đó, hàng loạt các cuộc biểu tình thắp nến đã diễn ra ở hơn 30 địa điểm trên toàn quốc. Cùng ngày 5/12, Tổng liên đoàn lao động Dân chủ tuyên bố sẽ tiếp tục đình công vô thời hạn cho đến khi chính quyền đương nhiệm từ chức và dự luật luận tội tổng thống được thông qua.

Cùng với việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump quay trở lại nắm quyền, với những tác động bất ổn từ sự kiện áp đặt thiết quân luật trong nước đêm 3/12, nhiều ý kiến cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế thực tế của Hàn Quốc có thể trượt xa hơn nếu rủi ro chính trị kéo dài liên quan đến tiến trình luận tội Tổng thống.

Theo Trung tâm Tài chính Quốc tế ngày 5/12, 8 ngân hàng toàn cầu (Citi, Goldman Sachs, Bank of America Merrill Lynch, UBS, Nomura, JP Morgan, Barkleys, HSBC) dự báo tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc trong năm 2025 ở mức 1,8%, thấp hơn 0,2% so với mức dự báo đưa ra thời điểm một tháng trước.

Trước đó, các tổ chức tài chính trong nước cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã hạ dự báo tốc độ tăng trưởng năm tới từ 2,1% xuống 1,9% trong dự báo triển vọng kinh tế đưa ra tháng 11/2024. Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) cũng hạ dự báo tốc độ tăng trưởng cho năm 2025 của Hàn Quốc từ 2,1% xuống 2%.

(Theo Vietnam+)

Các tin khác
Thủ lĩnh nhóm Hayat Tahrir Al-Sham (HTS), Abu Mohammed Al-Golani.

Lực lượng nổi dậy tại Syria đã chiếm được thành phố Hama vào hôm qua (5/12), là bước tiến mới trong hơn một tuần kể từ khi lực lượng này bắt đầu các cuộc tấn công ở Tây Bắc Syria.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ký Hiệp định Quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện, ngày 19/6/2024. Ảnh tư liệu

Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KNCA) đưa tin ngày 4/12, tại thủ đô Moskva của Nga đã diễn ra lễ trao đổi văn kiện phê chuẩn Hiệp ước Đối tác Chiến lược toàn diện giữa Triều Tiên và Nga, được lãnh đạo hai nước ký tại Bình Nhưỡng (Triều Tiên) hồi tháng 6 năm nay.

Hội trường toà nhà quốc hội Hàn Quốc.

Các kiến nghị luận tội liên quan các cuộc điều tra về việc di dời văn phòng tổng thống và Đệ nhất phu nhân Hàn Quốc Kim Keon-hee.

Thủ tướng Pháp Michel Barnier phải đệ đơn từ chức lên Tổng thống sau khi mất tín nhiệm ở Quốc hội.

Chính phủ của Thủ tướng Pháp Michel Barnier đã thất bại trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội ngày 4/12, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chính trị và làm dấy lên câu hỏi về ngân sách trong năm tới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục