Khoảng trống quyền lực ở Syria và bài toán của ông Trump

  • Cập nhật: Thứ hai, 9/12/2024 | 2:01:55 PM

Việc lật đổ chính quyền Bashar al-Assad có thể sẽ khiến Nga phải đóng cửa các căn cứ ở Syria và con đường trao đổi giữa của Iran và lực lượng Hezbollah ở Li-băng sẽ bị cắt đứt. Giờ đây Iran, với thế yếu hơn, sẽ có thể phải chọn giữa đàm phán và vũ khí hạt nhân.

Đám đông ăn mừng trên quảng trường Saadallah al-Jabiri ở Aleppo, Syria, ngày 8/12.
Đám đông ăn mừng trên quảng trường Saadallah al-Jabiri ở Aleppo, Syria, ngày 8/12.

Trong nhiều năm, trên bản đồ chiến lược của Mỹ về Trung Đông, Iran là trung tâm của "lưỡi liềm Shia", trong đó Syria đóng vai trò là kênh vận chuyển vũ khí của Iran tới các lực lượng quân sự chống Israel và là nơi Nga đặt căn cứ hải quân và không quân.

Việc chính quyền Syria sụp đổ với tốc độ đáng kinh ngạc sau hơn nửa thế kỷ cai trị đã phá vỡ một yếu tố quan trọng khác của lưỡi liềm, đồng thời khiến giới tình báo Mỹ bất ngờ. Đến tận đêm 6/12, các quan chức cấp cao của Mỹ vẫn nghĩ rằng Tổng thống Bashar al-Assad còn cơ hội giữ được quyền lực, kể cả bằng cách động tới vũ khí hóa học.

Tuy nhiên, đến sáng 8/12, Washington thức dậy với một thực tế mới. Có lẽ đây là biến động quan trọng nhất trong 14 tháng kể từ khi Hamas mở chiến dịch tấn công bất ngờ vào miền nam Israel ngày 7/10/2023, dẫn đến một làn sóng bạo lực làm thay đổi bối cảnh khu vực.

Sự kiện ở Syria xảy ra khi chỉ còn 2 tuần nữa sẽ đến lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald J. Trump. Thủ lĩnh phe đối lập Syria Mohammad al-Jolani, người vẫn bị Mỹ truy nã vì tội khủng bố, chưa cho thấy ông sẽ điều hành đất nước như thế nào.

"Điều quan trọng nhất là xây dựng thể chế. Sẽ không phải là xã hội mà một người cầm quyền duy nhất có thể đưa ra quyết định tùy tiện", Jolani nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí, và cho biết ông muốn xây dựng một xã hội mà những người tị nạn Syria muốn trở về và làm lại từ đầu.

Dan Shapiro, cựu Đại sứ Mỹ tại Israel và hiện là quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc phụ trách Trung Đông, từng nói: "Không ai nên rơi nước mắt vì chế độ Assad".

Ít nhất 580.000 người đã thiệt mạng trong thập kỷ đầu tiên sau khi cuộc nội chiến nổ ra năm 2011, trong khi hàng triệu người đã bị thương hoặc phải di dời, Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn cho biết cách đây 3 năm. 

Vấn đề quan trọng hiện nay là lấp vào khoảng trống quyền lực và đảm bảo Syria không trở thành một quốc gia khủng bố hoặc một quốc gia thất bại như Libya sau khi Tổng thống Muammar Gaddafi bị phế truất và bị sát hại 13 năm trước.

Tổng thống Biden nói về điều này trong tuyên bố từ Phòng Roosevelt của Nhà Trắng ngày 8/12 rằng "khoảnh khắc cơ hội" trước thế giới "cũng là khoảnh khắc rủi ro và bất ổn, khi tất cả chúng ta đều hướng đến câu hỏi rằng những gì sẽ xảy ra tiếp theo".

"Đừng nhầm lẫn, một số nhóm phiến quân lật đổ Assad có hồ sơ khủng khiếp về khủng bố và vi phạm nhân quyền", ông nói. Tổng thống Mỹ cho rằng những lãnh đạo như ông Jolani đang "nói những điều đúng đắn, nhưng khi họ đảm nhận trách nhiệm lớn hơn, chúng ta sẽ đánh giá không chỉ lời nói mà cả hành động của họ".

Tuy nhiên, đánh giá đó phần lớn sẽ do chính quyền Trump thực hiện, để kiểm chứng những gì ông vừa viết trên mạng xã hội, rằng chiến lược tốt nhất là Mỹ không tham gia.

Mỹ duy trì lực lượng gồm 900 binh lính ở miền đông Syria để săn lùng và tấn công khủng bố. Dù chủ trương của ông Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên là rút quân, nhưng ông được các cố vấn quân sự thuyết phục rằng việc Mỹ rút khỏi căn cứ ở Syria có thể làm tê liệt nỗ lực kiềm chế và đánh bại lực lượng khủng bố ISIS.

Ngày 8/12, khi ông al-Assad chạy trốn, Mỹ đã tấn công các căn cứ của ISIS, thả bom và phóng tên lửa trong chiến dịch chống khủng bố mà các quan chức cho biết không liên quan đến sự sụp đổ của Damascus. 

Dù ông Trump có thừa nhận hay không, Mỹ vẫn có lợi ích to lớn nếu Nga phải rời khỏi căn cứ hải quân tại Tartus. Đây là cảng duy nhất ở Địa Trung Hải mà Nga có thể dùng để sửa chữa và hỗ trợ tàu chiến của họ.

Natasha Hall, chuyên gia về Syria tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington, đánh giá: "Đối với Nga, Syria là viên ngọc quý trên bệ phóng để họ có thể trở thành một cường quốc trong khu vực, nơi có truyền thống chịu ảnh hưởng của Mỹ”.

Nga từng sử dụng một căn cứ không quân của Syria để tấn công lực lượng chống chính quyền Assad.

Trong kỷ nguyên của những cuộc Chiến tranh Lạnh mới, nguy cơ Mátxcơva mất quyền tiếp cận Syria vĩnh viễn có thể mang lại lợi thế chiến lược to lớn cho Mỹ. Đây cũng sẽ là một phép thử ban đầu về cách ông Trump sẽ ứng xử với Tổng thống Nga Vladimir V. Putin vào thời điểm tiến trình đàm phán về số phận của Ukraine có thể sắp bắt đầu.

Sức ép với Iran

Một câu hỏi lớn hơn là tổng thống Mỹ sắp tới sẽ ứng xử với Iran như thế nào. Trong những tuần gần đây, ông Trump đã bày tỏ quan tâm đến một cuộc đàm phán mới với Tehran, 6 năm sau khi ông chấm dứt thỏa thuận hạt nhân với quốc gia này.

Tehran cũng đã thể hiện quan tâm đến việc đàm phán, dù chưa rõ có sẵn sàng từ bỏ chương trình hạt nhân đã đầu tư rất nhiều trong vài năm qua hay không.

Trong tình hình hiện nay, Iran dường như đang ở thế yếu, khi sức mạnh của các lực lượng ủy nhiệm suy giảm đáng kể, con đường vận chuyển vũ khí qua Syria bị đe dọa, hệ thống phòng không chịu tổn thất nghiêm trọng trong các cuộc tấn công gần đây của Israel, đến mức họ có thể cần vũ khí hạt nhân hơn bao giờ hết.

Trong phát biểu trên truyền hình nhà nước, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi cho biết Tehran cũng bất ngờ về tốc độ diễn biến tình hình ở Syria. "Không ai có thể tin được điều này", ông nói.

Iran đã tiến gần vũ khí hạt nhân hơn bất kỳ thời điểm nào trong 20 năm nỗ lực xây dựng năng lực.

Ngày 6/12, ông Rafael M. Grossi - Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế thuộc Liên Hợp Quốc, cho biết Iran đã đạt được "sự tăng tốc đáng kể" trong sản xuất urani gần cấp độ vũ khí. Nước này được đánh giá là đã đủ nhiên liệu để chế tạo 4 quả bom, dù việc chế tạo thành đầu đạn có thể mất từ 1 năm đến 18 tháng.

Rõ ràng các lãnh đạo Iran đang chịu sức ép, và sự sụp đổ của một đồng minh lâu năm như ông Assad có thể khiến một số nhà lãnh đạo ở Tehran lo lắng về nguy cơ chịu chung số phận. Chưa biết sự bất an đó có khiến Iran chấp nhận đàm phán để thoát khỏi tình trạng khó khăn hay quyết chế tạo bằng được vũ khí sinh tồn cuối cùng.

(Theo TPO)

Các tin khác
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol.

Cảnh sát Hàn Quốc hôm 9-12 cho biết sẽ xem xét lệnh cấm đi lại với Tổng thống Yoon Suk-yeol để điều tra các cáo buộc liên quan đến thiết quân luật Cảnh sát cũng không loại trừ khả năng thẩm vấn Tổng thống Yoon trực tiếp, theo Yonhap.

Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan phát biểu tại Diễn đàn Doha ở Qatar ngày 8-12 về tình hình ở Syria. Ảnh cắt từ video

Ngày 8-12, nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã kêu gọi ổn định và chấm dứt giao tranh ở Syria sau khi lực lượng nổi dậy ở nước này giành quyền kiểm soát thủ đô Damascus và tuyên bố chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad bị lật đổ.

Ông Donald Trump trong cuộc vận động tranh cử ở Pittsburgh, Pennsylvania, ngày 4/11/2024.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nói ông "chắc chắn" sẽ cân nhắc việc Mỹ rời Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nếu các đồng minh châu Âu không “trả tiền các hóa đơn” bảo vệ an ninh cho Washington.

Ông Bashar al-Assad.

Tối 8/12 (theo giờ Moskva), hãng tin TASS dẫn nguồn tin từ Điện Kremlin cho biết, ông Bashar al-Assad, Tổng thống Syria được Bộ Ngoại giao Nga xác nhận đã từ chức trước đó, đang ở Moskva và được cấp tị nạn ở Nga.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục