Khác với những năm trước, lễ nhậm chức của ông Trump không diễn ra ngoài trời mà được di dời vào bên trong tòa nhà Quốc hội do thời tiết giá rét. Đây là lễ nhậm chức được tổ chức trong nhà lần đầu tiên sau bốn thập kỷ do không khí lạnh đang bao trùm phần lớn nước Mỹ.
Tổng thống mãn nhiệm Joe Biden, Phó Tổng thống mãn nhiệm Kamala Harris, các cựu Tổng thống Barack Obama, George W. Bush và Bill Clinton, các thành viên Đảng Cộng hòa và Dân chủ của Quốc hội, các quan chức nước ngoài, tỉ phú Elon Musk, Mark Zuckerberg và Jeff Bezos - ba trong số những người giàu nhất thế giới đều tham dự lễ nhậm chức của ông Trump.
Buổi lễ tuyên thệ của ông Trump được điều hành bởi Chánh án Tòa án Tối cao Mỹ John Roberts.
Ông Trump tuyên thệ: "Tôi trịnh trọng tuyên thệ rằng tôi sẽ trung thành và hoàn thành tốt các trọng trách của Tổng thống Mỹ và sẽ cố gắng hết sức để bảo vệ Hiến pháp Mỹ”.
Ngay sau lễ tuyên thệ, ông Trump đã có bài phát biểu đầu tiên trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của mình. Khác với bài phát biểu năm 2017 chỉ dài khoảng 17 phút, bài phát biểu lần này của ông Trump kéo dài khoảng 30 phút, qua đó, ông Trump nhấn mạnh kỷ nguyên vàng của nước Mỹ đã chính thức bắt đầu.
"Kể từ ngày hôm nay, đất nước chúng ta sẽ phát triển mạnh mẽ và sẽ được tôn trọng trở lại trên khắp thế giới. Mỹ sẽ là sự ghen tị của mọi quốc gia và chúng ta sẽ không tiếp tục để bị lợi dụng nữa. Trong mỗi ngày của chính quyền Trump, tôi sẽ luôn đặt nước Mỹ lên trên hết. Chúng ta sẽ lấy lại chủ quyền và khôi phục sự an toàn của nước Mỹ. Cán cân pháp lý sẽ được cân bằng trở lại. Việc vũ khí hóa bộ Tư pháp và chính phủ sẽ chấm dứt. Ưu tiên hàng đầu của chúng ta sẽ là xây dựng một quốc gia tự hào, thịnh vượng và tự do. Nước Mỹ sẽ sớm trở nên mạnh mẽ hơn, hùng mạnh hơn và đặc biệt hơn bao giờ hết”, Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ nói.
Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Trump cũng thông báo ông sẽ ký một loạt sắc lệnh hành pháp nhằm thay đổi chính sách của Mỹ trong một số lĩnh vực. Ông Trump đặc biệt nhấn mạnh tới vấn đề người nhập cư qua đó cho biết ông sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở biên giới phía Nam, khôi phục lại chính sách buộc người di cư tìm cách vào Mỹ ở lại Mexico, triển khai binh sĩ tới biên giới với Mexico để ngăn chặn người di cư vào Mỹ và coi các băng nhóm Mexico là các tổ chức khủng bố nước ngoài.
Ông Trump nhấn mạnh, ưu tiên tiếp theo đó là giải quyết lạm phát và giảm giá cả và chi phí. Theo ông Trump, cuộc khủng hoảng lạm phát là do giá năng lượng tăng, chính vì vậy, ông sẽ ban bố tình trạng năng lượng khẩn cấp đồng thời khuyến khích các hoạt động khoan dầu. Tổng thống Trump cho biết, ông sẽ rà soát lại hệ thống thương mại để bảo vệ người lao động và các gia đình Mỹ và chính quyền của ông sẽ đánh thuế các nước khác để làm giàu cho người dân Mỹ. Ông Trump cũng tuyên bố sẽ xây dựng một quân đội mạnh nhất thế giới qua đó giúp chấm dứt các cuộc chiến mà Mỹ sẽ không tham gia. Theo ông Trump, Mỹ sẽ đặt tên lại Vịnh Mexico thành Vịnh Hoa Kỳ và lấy lại quyền kiểm soát Kênh đào Panama.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký hàng loạt sắc lệnh hành pháp
Ngày 20-1, ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một loạt sắc lệnh hành pháp với mục đích nhanh chóng thực hiện chương trình nghị sự của mình.
Sắc lệnh đầu tiên ông ký trước đám đông ủng hộ là hủy bỏ gần 78 hành động hành pháp của chính quyền trước. "Tất cả chúng sẽ trở nên vô hiệu trong vòng khoảng - năm phút", tân Tổng thống Mỹ nhấn mạnh.
Một trong những sắc lệnh hành pháp thời Tổng thống tiền nhiệm Joe Biden bị đảo ngược là việc tái chỉ định Cuba là quốc gia tài trợ cho khủng bố, hủy bỏ áp dụng lệnh trừng phạt đối với những người định cư Do Thái ở Bờ Tây và giảm thiểu rủi ro của trí tuệ nhân tạo.
Trong số các sắc lệnh mới được ký ban hành, đáng chú ý có quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về khí hậu năm 2015. Thông báo của Nhà Trắng phản ánh sự hoài nghi của ông Donald Trump về tình trạng nóng lên toàn cầu, đồng thời phù hợp với chương trình nghị sự của ông nhằm giải phóng các công ty khoan dầu khí của Mỹ khỏi các quy định để họ có thể tối đa hóa sản lượng.
Quyết định này của ông Trump sẽ đưa Mỹ cùng với Iran, Libya và Yemen trở thành những quốc gia nằm ngoài Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, trong đó các chính phủ đã đồng ý hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với mức trước thời kỳ công nghiệp để tránh những tác động nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu.
Một sắc lệnh hành pháp nhằm mục đích giảm giá tiêu dùng cho người dân Mỹ cũng được Tổng thống Donald Trump ký ban hành. Tuy không nêu rõ chi tiết, nhưng ông chỉ đạo các cơ quan và người đứng đầu bộ phận "cung cấp biện pháp giảm giá khẩn cấp, phù hợp với luật hiện hành, cho người dân Mỹ".
Động thái này có thể bao gồm việc giảm chi phí nhà ở và chăm sóc sức khỏe, loại bỏ các yêu cầu có thể làm tăng chi phí cho các thiết bị gia dụng, tạo cơ hội việc làm cho người lao động và loại bỏ các chính sách khí hậu "có hại" có thể làm tăng chi phí thực phẩm và nhiên liệu.
Các quan chức Mỹ cho biết ông Donald Trump dự kiến sẽ ký thêm nhiều sắc lệnh sau khi trở về Nhà Trắng từ cuộc diễu hành tại đấu trường Capital One. Các sắc lệnh mới bao gồm việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia tại biên giới Mỹ-Mexico, ra lệnh tiếp tục xây dựng bức tường biên giới. Điều này sẽ cho phép Bộ Quốc phòng triển khai quân đội Mỹ và Vệ binh Quốc gia đến khu vực biên giới để để hỗ trợ lực lượng thực thi pháp luật hiện tại triển khai chính sách "Ở lại Mexico" của tân Tổng thống Mỹ. Sắc lệnh cũng sẽ chấm dứt quyền tị nạn cho những người vượt biên trái phép, trấn áp các nơi ẩn náu của tội phạm và tăng cường kiểm tra và sàng lọc người nước ngoài.
Trước đó, ông Donald Trump đã cam kết: "Cuộc xâm lược biên giới của chúng ta sẽ dừng lại và tất cả những kẻ xâm phạm biên giới bất hợp pháp sẽ phải trở về nhà dưới hình thức này hay hình thức khác".
Một sắc lệnh hành pháp khác nhằm chấm dứt quyền công dân theo nơi sinh. Theo Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Mỹ, quyền công dân theo nơi sinh chỉ ra rằng: "Tất cả những người sinh ra hoặc nhập tịch tại Mỹ và chịu sự quản lý của Mỹ đều là công dân Mỹ". Đảng Dân chủ và một số nhóm luật sư đã tuyên bố sẽ thách thức tại tòa án bất kỳ nỗ lực nào của ông Donald Trump nhằm xóa bỏ quyền công dân theo nơi sinh.
Sắc lệnh thành lập Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) cũng sẽ được ký trong ngày làm việc đầu tiên của Tổng thống Donald Trump nhằm cải cách và cắt giảm nhân viên trong hệ thống công lập.
Một sắc lệnh khác đã tuyên bố "tình trạng khẩn cấp về năng lượng quốc gia", qua đó giảm bớt tình trạng quan liêu và cho phép khoan thăm dò nhiều hơn, thúc đẩy sản xuất năng lượng vốn đã ở mức kỷ lục của Mỹ.
Ông Donald Trump cũng chuẩn bị ký một lệnh đổi tên ngọn núi Denali của Alaska, ngọn núi cao nhất Bắc Mỹ, trở lại thành Núi McKinley. Tổng thống Barack Obama khi đương nhiệm đã đổi tên ngọn núi này vào năm 2015 theo yêu cầu của các bộ lạc và chính trị gia bản địa Alaska, một động thái đã gây ra sự tức giận ở tiểu bang Ohio, quê hương của McKinley. Ông Donald Trump cũng đổi tên Vịnh Mexico thành Vịnh Mỹ, mặc dù không rõ liệu một tổng thống Mỹ có thẩm quyền đổi tên một khu vực được coi là vùng biển quốc tế hay không.
Phạm vi và số lượng sắc lệnh mà Tổng thống Donald Trump ký vượt xa những gì ông đã làm vào ngày đầu tiên nhậm chức vào năm 2017.
(Theo VOV - HNMO)