Mỹ có thể đóng vai trò 'đối trọng' ở châu Á?

  • Cập nhật: Thứ ba, 17/11/2009 | 12:00:00 AM

Hai mươi năm sau ngày bức tường Berlin sụp đổ, Tổng thống Mỹ Barack Obama có chuyến công du tới châu Á, với điểm dừng chân cuối cùng là Hàn Quốc. Mặc dù Obama còn nhiều vấn đề cần phải quan tâm về những bước đi quan trọng tiếp theo tại Afghanistan, Pakistan và Iran nhưng đồng thời ông cũng phải đối diện với một châu Á đang có những thay đổi hết sức cơ bản.

Obama sẽ có thể làm gì để
Obama sẽ có thể làm gì để "góp phần" vào sự trỗi dậy của châu Á?

Hiện tại, sự thay đổi thể hiện rõ ràng hơn so với thời của bất kỳ người tiền nhiệm nào, và việc chính quyền Obama sẽ lựa chọn như thế nào để góp phần định hình sự trỗi dậy của châu Á trong nửa đầu của thế kỷ 21 có ảnh hưởng quan trọng tới tương lai của chính nước Mỹ với vai trò là cường quốc.

Lần đầu tiên trong lịch sử thế giới, ba khu vực lớn - Bắc Mỹ, châu Âu lục địa, và Đông Á - ở trên cùng chiến tuyến. Mỹ đã dẫn dắt quá trình tái thiết ở Đức và Nhật sau chiến tranh thế giới thứ hai. Kết quả cuối cùng của việc hình thành Liên minh châu Âu và sự trỗi dậy của châu Á trong nửa thế kỷ qua cũng được hỗ trợ đáng kể bởi hai nhân tố quan trọng: "chiếc ô an ninh" của Mỹ và sự mở cửa của thị trường này với hàng hóa của châu Á và châu Âu. Với một thế giới ba cực như thế, Mỹ và đặc biệt là Tổng thống Obama giờ đây cần phải tập trung vào ba vấn đề chủ chốt liên quan tới việc định hình thế giới trong nửa thế kỷ còn lại. 

Trước hết, sự thịnh vượng và ổn định về lâu dài của thế giới ngày càng phụ thuộc vào vai trò của châu Á. Điều này sẽ lại phụ thuộc vào bản chất của sự gắn kết của Trung Quốc vào Mỹ và các nước lớn có ảnh hưởng ở châu Á như Nhật Bản, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc và Australia. Trung Quốc đã thay thế Mỹ, trở thành đối tác thương mại lớn nhất của các nền kinh tế hàng đầu châu Á. Nước này cũng trở nên cứng rắn trong các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ, và Bắc Kinh cũng sẵn sàng gửi hải quân tới những mặt trận xa hơn. 

Các nước châu Á sẽ không hoàn toàn thoải mái với một Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ hơn. Các nền kinh tế thị trường phát triển của khu vực và các nước đang vươn lên nhanh chóng như Ấn Độ, Indonesia đều đang cảnh giác với một Trung Quốc cứng rắn. Mỹ do đó có thể đóng vai trò hữu ích là đối trọng, ngay cả khi vẫn hợp tác với Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc có tầm quan trọng về thương mại, nhưng Mỹ vẫn có ở châu Á những thứ mà Trung Quốc không có được: quan hệ an ninh trực tiếp với những nước chủ chốt của khu vực và 5 thập kỷ được sự tin cậy về chính trị ở nhiều nơi. Tổng thống Obama nên tìm cách tăng cường, hơn là làm yếu đi, sự gắn kết giữa Mỹ với các đồng minh Thái Bình Dương. 

Điều này sẽ bao gồm việc làm mạnh thêm các liên minh hiện có của Mỹ ở châu Á, tăng cường quan hệ với 10 nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á và các diễn đàn khu vực khác; và quan hệ trên nhiều phương diện với một Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng. Với Mỹ, nếu NATO đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì thịnh vượng và ổn định toàn cầu sau chiến tranh lạnh thì các đồng minh châu Á sẽ đóng vai trò quan trọng tương đương trong những năm tháng tiếp theo. 

Thứ hai, từ quan điểm của Mỹ cũng như của khu vực, một trong những quan hệ song phương quan trọng nhất ở Đông Á là quan hệ đối tác Hàn Quốc-Nhật Bản. Năm tới sẽ đánh dấu 100 năm Triều Tiên dưới ách thực dân của Nhật. Những tranh chấp lịch sử lớn vẫn tồn tại, nhưng có vẻ quan hệ này đang hướng về phía trước khi hai bên vẫn cố gắng hạn chế căng thẳng rải rác trong quan hệ Hàn - Nhật để đảm bảo mối quan hệ gần gũi hơn trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, và thậm chí là cả an ninh. Để thể hiện cam kết của ông với việc điều chỉnh lại cơ bản mối quan hệ với Hàn Quốc, Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama đã lựa chọn Seoul làm địa điểm tới thăm đầu tiên ở nước ngoài hồi tháng trước. 

Duy trì một quan hệ đồng minh mạnh mẽ Mỹ - Nhật là quan trọng với việc làm vững chắc thêm quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, bởi Mỹ đóng vai trò là một mẫu số an ninh chung cho cả  Seoul và Tokyo. Quan hệ Hàn - Nhật về truyền thống là mắt xích yếu trong tam giác Mỹ - Nhật - Hàn. Khi Tổng thống Mỹ Obama "tái cơ cấu" quan hệ chiến lược với Thủ tướng Hatoyama, ông cần lưu tâm tới sức mạnh hiệp lực to lớn từ quan hệ đối tác dân chủ ba bên toàn diện và không thể thiếu này. 

Thứ ba, Obama cần phải giải quyết tình hình tại bán đảo Triều Tiên, vấn đề mang tính lịch sử. Nguy cơ hạt nhân của Triều Tiên còn tiếp tục là vấn đề an ninh chung. Việc tạo ra một thay đổi trên bán đảo này sẽ đòi hỏi sự bền chặt tối đa trong hợp tác Mỹ - Hàn và niềm tin mạnh mẽ được xây dựng với tất cả các nước láng giềng, nhưng đặc biệt là với Trung Quốc. Ông Obama và ông Lee Myung-bak không chỉ nên bắt đầu các cuộc đối thoại chung về một loạt các kết quả có thể trên bán đảo mà còn cần chia sẻ những quan điểm và chiến lược về một Triều Tiên đoàn tụ với những nước chủ chốt trong khu vực.  

Khi cựu tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower tới thăm Triều Tiên năm 1952, ông đã không bao giờ tưởng tượng ra liên minh của Mỹ sẽ thay đổi bộ mặt của châu Á và Triều Tiên như thế nào. Còn khi Tổng thống Obama tới châu Á, một trong những phong vũ biểu hàng đầu đo ảnh hưởng của Mỹ trong hai hay ba thập kỷ tới chắc chắn sẽ nằm ở việc ông lựa chọn hình thành liên minh như thế nào ở châu Á.

(Theo VietNamNet)

Các tin khác

Bộ Quốc phòng Cuba hôm qua 16/11 cho biết nước này sẽ tiến hành một cuộc tập trận quân sự quy mô lớn từ ngày 26-18/11 tới trên cả nước.

Giới chức Philippines cho biết, chính phủ nước này đã đề xuất áp dụng visa chung đối với công dân thuộc 10 nước trong khối ASEAN nhằm kích thích các nguồn vốn đầu tư trong khu vực.

Tổng thống Barack Obama tới sân bay Pudong, Thượng Hải.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đang "đi trên dây" trong chuyến công du đầu tiên của ông tới Trung Quốc, vừa nỗ lực tranh thủ sự giúp đỡ trong giải quyết các vấn đề cấp bách toàn cầu, vừa cân nhắc khi nào và bằng cách nào - hoặc liệu - ông có nên đưa ra các quan ngại về nhân quyền như trước kia.

Quân đội Hàn Quốc đã được đặt trong tình trạng cảnh báo cao sau khi CHDCND Triều Tiên kích hoạt hệ thống radar tên lửa đất đối hạm khoảng một giờ trong ngày 15-11.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục