Hòa bình Trung Đông: Sau cái “lắc đầu” của Mỹ và EU

  • Cập nhật: Thứ năm, 19/11/2009 | 12:00:00 AM

Khát vọng hòa bình Trung Đông tiếp tục rơi vào ngõ cụt. Cái "lắc đầu" trước tiên là của Mỹ và sau đó là Liên minh châu Âu (EU) trong 48 giờ qua trước lời kêu gọi quốc tế công nhận Pa-le-xtin là một nhà nước độc lập với biên giới tạm thời của Tổng thống Pa-le-xtin Ma-mút Áp-bát, đã làm tiêu tan hy vọng vừa hình thành trên các vùng đất Pa-le-xtin.

Niềm hy vọng về một Nhà nước Pa-le-xtin độc lập của người dân Pa-le-xtin thêm mong manh.
Niềm hy vọng về một Nhà nước Pa-le-xtin độc lập của người dân Pa-le-xtin thêm mong manh.

Thụy Điển - nước Chủ tịch luân phiên EU, ngày 17-11, tuyên bố "còn quá sớm" để công nhận một Nhà nước Pa-le-xtin. Ngoại trưởng nước này, ông Can Bin còn nêu rõ, "các điều kiện vẫn chưa chín muồi" cho một quyết định như vậy. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp Béc-na Va-lê-rô cảnh báo việc "hành động đơn phương" nhằm tuyên bố Nhà nước Pa-le-xtin độc lập có thể gây hại cho việc thành lập một nhà nước như mong muốn. Trước đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ I-an Kê-li khẳng định, đàm phán với I-xra-en là cách tốt nhất để thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông… 

 

Nỗ lực suốt 18 năm qua, kể từ khi giải pháp hai nhà nước (Pa-le-xtin và I-xra-en) được các bên liên quan đến tiến trình hòa bình Trung Đông đề cập, tưởng như nay đã thích hợp cho một sự tiến triển, vậy mà những tuyên bố nêu trên đã khiến tiến trình này thêm gập ghềnh, khúc khuỷu. Ai cũng hiểu, cơ sở để đạt tới hòa bình cho khu vực này là thông qua việc xây dựng một nhà nước Pa-le-xtin độc lập. Một nhà nước như vậy phù hợp với các nghị quyết của quốc tế và Sáng kiến Hòa bình A-rập. Ngay từ khi bước chân vào Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma cũng đã cam kết thúc đẩy cuộc đối thoại này. Oa-sinh-tơn đã nhiều lần bày tỏ sự ủng hộ việc thành lập một Nhà nước Pa-le-xtin độc lập bên cạnh Nhà nước Do Thái. Tuy nhiên, sự thể dường như đang thay đổi.

 

Trở lại với dự định của Pa-le-xtin, yêu cầu Liên hợp quốc công nhận là một quốc gia độc lập, với Đông Giê-ru-xa-lem là thủ đô và có đường biên giới vào thời điểm tháng 6-1967, mà không cần sự tán thành của I-xra-en. Mặc dù, kế hoạch đang ở giai đoạn vận động "hành lang" và thời gian tới, Tổng thống M.Áp-bát sẽ công du các nước Mỹ La-tinh tìm kiếm sự ủng hộ, nhưng những dấu hiệu vừa qua đã cho thấy kế hoạch của ông khó có thể thành công. Thêm vào đó, trong nội bộ Pa-le-xtin, các phe phái cũng không đạt được sự đồng thuận về kế hoạch này. Phong trào Hồi giáo Ha-mát, hiện đang kiểm soát Dải Ga-da, còn muốn tiến xa hơn thế với tuyên bố, không theo đuổi một nhà nước chỉ có biên giới tạm thời, mà phải là một nhà nước có chủ quyền toàn vẹn và tất cả các quyền lợi của người dân Pa-le-xtin phải được trả lại.

 

Với chính phủ cánh hữu của Thủ tướng I-xra-en Ben-gia-min Nê-ta-ni-a-hu, không ủng hộ, thậm chí phản đối sự công nhận một Nhà nước Pa-le-xtin độc lập vào lúc này là đương nhiên. Bởi một khi cộng đồng quốc tế công nhận và trao tư cách thành viên Liên hợp quốc đầy đủ cho Pa-le-xtin thì việc I-xra-en chiếm đóng lãnh thổ của nước này sẽ bị coi là vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc. Trong một động thái mới, bất chấp sức ép của dư luận quốc tế, Ten A-víp vẫn tiếp tục mở rộng khu định cư Do Thái. Đây được xem là câu trả lời cho quyết định của Pa-le-xtin. Theo đó, ngày 17-11, Bộ Nội vụ I-xra-en đã thông qua dự án xây 900 căn hộ mới tại khu vực chiếm đóng Gi-lô, thuộc Đông Giê-ru-xa-lem. Thủ tướng B.Nê-ta-ni-a-hu còn giải thích rằng, "Gi-lô là một phần không thể thiếu của Giê-ru-xa-lem".

 

Cộng đồng thế giới, ngay lập tức, đã có phản ứng với hành động này của Ten A-víp. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Mun nhấn mạnh, kế hoạch này sẽ phá hoại các nỗ lực hòa bình và gây nghi ngờ về giải pháp hai nhà nước. Trưởng đoàn đàm phán hòa bình của Pa-le-xtin, ông Xa-ép Ê-rê-cát cũng lên án mạnh mẽ và nhấn mạnh rằng, đàm phán cũng chỉ vô ích khi I-xra-en mở rộng các khu định cư tại Đông Giê-ru-xa-lem. Anh cũng cho rằng, quyết định của Ten A-víp sẽ gây thêm khó khăn cho bất kỳ thỏa thuận nào trong tương lai với chính quyền Pa-le-xtin…

 

Rõ ràng, việc Mỹ, EU từ chối công nhận Pa-le-xtin là một nhà nước độc lập đồng thời I-xra-en tiếp tục mở rộng khu định cư Do Thái, điều mà Pa-le-xtin kiên quyết phản đối, đã và đang đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông đi vào ngõ cụt và nối dài tiến trình bằng một chương bế tắc mới.

 

(Theo HNMO)

Các tin khác

Iran sẽ không chuyển uranium được làm giàu ở mức thấp ra nước ngoài để tái chế, Ngoại trưởng Iran Manouchehr Mottaki hôm 18/11 nói. Như vậy, Iran một lần nữa từ chối thoả thuận hạt nhân mà LHQ làm môi giới.

Một khu định cư Do Thái đang mọc lên ở Bờ Tây.

Mỹ và LHQ đã mạnh mẽ lên án kế hoạch mở rộng khu định cư Do Thái do Chính phủ Israel thông qua ngày hôm qua. Theo kế hoạch này, Israel sẽ xây thêm 900 căn nhà cho người Do Thái tại khu Bờ Tây.

Trực thăng Merlin chuyển lên máy bay vận tải hạng nặng C-17 của không quân Hoàng gia Anh.

Quân đội Anh đã đưa một chiếc trực thăng vận tải AgustaWestland AW101 Merlin HC3 đầu tiên của nước này đến Afghanistan.

Ít nhất 50 người đã thiệt mạng sau một vụ va chạm giữa phà chở người và một xà lan chở dầu ở vùng châu thổ Irrawaddy của Miến Điện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục