9 sự kiện kinh tế thế giới nổi bật năm 2010
- Cập nhật: Thứ bảy, 18/12/2010 | 9:01:39 AM
2010 chứng kiến đà phục hồi ấn tượng của một số nền kinh tế, trong khi khủng hoảng vẫn chưa buông tha Mỹ và châu Âu. Mâu thuẫn lợi ích trong giao thương thời hậu khủng hoảng đang tiềm ẩn nguy cơ chiến tranh tiền tệ cấp độ toàn cầu.
Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo bắt tay Thủ tướng Manmohan Singh trong chuyến thăm Ấn Độ hôm 16/12 vừa rồi.
|
>>>9 sự kiện kinh tế nổi bật năm 2009
1. Trung Quốc vượt Nhật Bản vươn lên vị trí số 2
Sau khi Trung Quốc tự tuyên bố lớn thứ ba thế giới về kinh tế hồi tháng một năm ngoái, Nhật Bản đứng trước nguy cơ bị soán ngôi bất cứ lúc nào. Đến đầu năm nay, nỗi lo đó đã thành hiện thực khi Trung Quốc vượt Nhật Bản về GDP (1.330 tỷ USD so với 1.280 tỷ USD) để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Không dừng lại ở đó, cộng đồng quốc tế ngấm ngầm thừa nhận một thực tế rằng việc đất nước đông dân nhất thế giới vượt Mỹ chỉ còn là vấn đề thời gian.
Tháng 11 vừa rồi, tổ chức kinh tế uy tín Conference Board cho rằng Trung Quốc sẽ vượt Mỹ ngay trong năm 2012 nếu xết về sức mua tương đương (PPP). Còn nếu xét về GDP thực, quốc gia châu Á sẽ mất hơn một thập kỷ nữa để vượt Mỹ. Nhận định này trùng khớp với báo cáo mới nhất của Ngân hàng Standard Chartered, cho rằng Trung Quốc sẽ trở thành siêu cường lớn nhất toàn cầu vào năm 2020.
Trong khi thế giới đang bận rộn đánh giá, Trung Quốc không giấu diếm hàng loạt tham vọng bành trướng của mình. Những chiếc vòi đầu tư của nước này đã vươn ra khắp thế giới từ Nam Mỹ đến châu Phi. Gần đây nhất trong tháng 12, Trung Quốc đã vượt mặt Mỹ để trở thành nhà đầu tư lớn nhất rót vốn vào Ấn Độ.
2. Mỹ vẫn mắc kẹt trong khủng hoảng
Trong khi hàng loạt nền kinh tế lớn, nhất là tại châu Á đang dần phục hồi, thì cường quốc hàng đầu thế giới vẫn loay hoay chưa tìm được đường thoát. Trong vài tháng đầu năm, kinh tế Mỹ le lói vài tin tức khả quan, khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED khấp khởi nghĩ đến việc giảm dần các gói kích thích. Tuy nhiên, đến giữa năm tình hình đột ngột chuyển sang chiều hướng xấu.
Kinh tế Mỹ giữa năm liên tục nhận được tin bi quan từ các thị trường lao động, nhà đất. Trong cuốn Beige Book phát hành cuối tháng 7, FED bày tỏ sự lo ngại khi tăng trưởng có dấu hiệu chững lại. Khảo sát của hãng AP hồi tháng 10 cho thấy giới chuyên gia bi quan hơn trước đó, chỉ đánh giá kinh tế Mỹ mở rộng 2,7% trong năm 2011. Còn điều khiến Tổng thống Mỹ Barack Obama đau đầu nhất là tỷ lệ thất nghiệp luôn ở mức cao. Thậm chí vào đầu tháng 12, tỷ lệ thất nghiệp bất ngờ tăng vọt từ 9,6 lên 9,8%.
Đứng trước những khó khăn chồng chất, đầu tháng 11, Mỹ quyết định bơm thêm 600 tỷ USD để mua trái phiếu nhằm hỗ trợ đà phục hồi. Quyết định này gặp phải nhiều búa rìu dư luận từ các nước khác như Trung Quốc, Nam Phi và cả từ các phe đối lập tai Mỹ. Dự kiến, chương trình mua lại trái phiếu sẽ kết thúc vào giữa năm sau.
3. Giá vàng đắt chưa từng thấy
So với đầu năm, mỗi ounce vàng quốc tế đắt hơn gần 400 USD. |
Sau 9 năm đi lên liên tiếp, 2010 tiếp tục chứng kiến thị trường vàng phi mã, với hàng loạt lần lập và phá kỷ lục kể từ hồi tháng 5. Nếu như trong ngày đầu năm mới, mỗi ounce chỉ tương đương 1.096 USD thì đến ngày 6/12, kỷ lục mới nhất trong năm đã đưa giá lên đỉnh cao của mọi thời đại tại 1.427 USD mỗi ounce. Cách đây 10 năm, mỗi ounce vàng chỉ ở mức 270 USD. Mới đây, Goldman Sachs dự đoán hai năm sau thị trường có thể đạt đỉnh ở 1.750 USD.
Trong số những nguyên nhân thổi giá vàng phải kể đến việc Mỹ duy trì lãi suất cơ bản ở mức thẩp kỷ lục để hỗ trợ đà phục hồi kinh tế. Khi kinh tế Mỹ chưa có dấu hiệu phục hồi, các nhà đầu tư tìm đến vàng như một chốn trú ẩn an tòan để đảm bảo tài sản. Tuy nhiên, sau khi kinh tế Mỹ có những dấu hiệu khả quan hơn, vàng lại leo thang do cuộc khủng hoảng nợ châu Âu lan tràn. Trong những tháng cuối năm, vàng tiếp tục chịu sức ép từ việc Trung Quốc siết chặt chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm kiềm chế tăng trưởng quá nóng.
4. Cuộc khủng hoảng nợ châu Âu lan rộng
Người biểu tình giương cao biểu ngữ tại thủ đô Dublin của Ireland hôm 15/12, sau khi nước này chấp thuận gói cứu trợ khẩn cấp từ EU và IMF. |
Không chỉ bó hẹp trong phạm vi Hy Lạp, sang năm 2010, cuộc khủng hoảng nợ châu Âu lan rộng sang Italy, Đức, Tây Ban Nha rồi Bồ Đào Nha. Trong những ngày cuối năm, Ireland đang là tâm điểm khi thâm hụt ngân sách ở mức đáng báo động. Trong vòng hai tháng 11 và 12, quốc gia này liên tục bị các tổ chức đánh giá từ Fitch, Moody's đến S&P 500 hạ bậc tín nhiệm dù được EU và IMF cứu trợ. Tương tự các "nạn nhân" trước là Bồ Đào Nha hay Tây Ban Nha, những chính sách thắt lưng buộc bụng nhằm kiềm chế chi tiêu khiến Chính phủ Ireland đang phải đối mặt với làn sóng phản đối quyết liệt từ người dân.
Cuộc khủng hoảng nợ châu Âu khiến đồng tiền chung khu vực lao đao so với đôla Mỹ. Tính đến tháng 5/2010, euro rơi xuống mức giá thấp nhất suốt 4 năm so với USD vì các nhà đầu tư lo sợ sẽ có thêm nhiều quốc gia đi vào vết xe đổ của Hy Lạp.
Trước đó, Hy Lạp là nước "nổ phát súng" đầu tiên châm ngòi cho khủng hoảng nợ, khi công bố thâm hụt ngân sách lên tới 12,7%, cao gấp 4 lần mức trần EU cho phép hồi tháng 11 năm ngoái.
5. Cuộc cải cách ngân hàng trên quy mô toàn cầu
Chủ tịch Ngân hàng châu Âu Jean Claude Trichet họp với các nhà ngân hàng trung ương Mỹ Latin trong hội thảo về tái cân bằng kinh tế, giá tài sản và chính sách toàn cầu hôm 10/12. |
Khi suy thoái kinh tế và khủng hoảng tài chính đang dần kết thúc, các nhà lãnh đạo ngành ngân hàng trên khắp thế giới nhận ra rằng để tránh một cuộc khủng hoảng tiếp theo, họ phải hành động ngay để siết chặt các hoạt động tài chính.
Hồi giữa năm, hàng chục chủ tịch ngân hàng trung ương đã thống nhất soạn thảo một chuẩn ngân hàng mới mang tên Basel III. Theo đó, để phòng ngừa rủi ro, các ngân hàng phải tăng 3 lần vốn cấp 1 (bao gồm vốn cổ phần và lợi nhuận giữ lại) từ 2% lên 4,5% tài sản rủi ro của mình, trong lộ trình kéo dài đến 2016. Đây là lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, các quốc gia thống nhất siết chặt quy định ngân hàng.
Một số chuyên gia nhận định các ngân hàng sẽ cần thêm thời gian so với lộ trình để thực hiện việc tăng vốn. Trong khi đó, nhiều nước khác tỏ ra quyết tâm bằng cách đưa ra những quy định của riêng họ, còn nghiêm khắc hơn cả chuẩn Basel III, như Mỹ, Anh, Thụy Sĩ.
6. Nguy cơ chiến tranh tiền tệ
Một khách hàng bước ra từ cửa hàng thu đổi ngoại tệ tại Hong Kong hôm 19/10. Những căng thẳng tiền tệ giữa Mỹ và Trung Quốc, cùng sự bất ổn của đồng euro và nguy cơ chiến tranh tiền tệ khiến nhà đầu tư thế giới lo lắng. |
Tháng 9/2010, thế giới bỗng xôn xao khi Bộ trưởng Tài chính Brazil đột nhiên lên tiếng cho rằng đang xảy ra một cuộc chiến tiền tệ ở cấp độ toàn cầu, khi các nước thi nhau hạ giá đồng tiền để cạnh tranh không lành mạnh. Trong đó, cuộc chiến giữa Trung Quốc và Mỹ là trung tâm của sự chú ý. Bất chấp lời kêu gọi mạnh mẽ từ Mỹ và cộng đồng quốc tế, Trung Quốc chỉ tăng giá đồng nhân dân tệ một cách cầm chừng và mang tính hình thức. Trong năm 2010, đã có ít nhất 2 lần (vào tháng 3 và tháng 9), Mỹ đe dọa sẽ trừng phạt Trung Quốc nếu nước này không nâng giá đồng nội tệ.
Vấn đề chiến tranh tiền tệ tiếp tục làm nóng Hội nghị Thượng đỉnh kinh tế G20 nhóm họp tại Hàn Quốc hồi tháng 11 vừa rồi. Ngay cả người đứng đầu IMF cũng cảnh báo nếu các nước tiếp tục dùng tỷ giá để giải quyết khó khăn kinh tế, thế giới sẽ đến lúc đối diện với một cuộc chiến tiền tệ thực sự.
7. Trọng tâm thế giới chuyển dịch sâu về phía Đông
Năm 2010 tiếp tục chứng kiến cuộc nổi dậy của châu Á trên bản đồ kinh tế và quyền lực thế giới. Bên cạnh sự bành trướng của Trung Quốc, Ấn Độ được dự báo cũng là một đối thủ đáng gờm của bất cứ thế lực kinh tế nào. Theo dự báo của Standard Chartered, vào năm 2030, cường quốc Nam Á sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sau Trung Quốc và Mỹ.
Ngoài ra, Hong Kong năm thứ hai liên tiếp giữ vững danh hiệu thị trường IPO lớn nhất thế giới sau khi huy động được hơn 51 tỷ USD tính đến tháng 12/2010. Theo báo cáo cũng trong tháng 12 của Ngân hàng Thế giới, nhóm các nước mối nổi, đặc biệt là ở khu vực Đông Á Thái Bình Dương, sẽ vượt mặt các quốc gia phát triển hiện nay.
8. Google rời bỏ Trung Quốc
Người dân Trung Quốc đến đặt hoa tại trụ sở Google ở địa phương sau khi hãng tìm kiếm Mỹ tuyên bố ra đi. Ảnh: Nytimes |
Tháng giêng năm nay, đại gia tìm kiếm Google đột ngột gây sốc khi đe dọa rằng họ sẽ rời bỏ Trung Quốc để phản đối việc kết quả tìm kiếm bị kiểm duyệt. Ngay cả Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton cũng vào cuộc với lời kêu gọi Trung Quốc nghiêm túc điều tra các vụ tin tặc được cho là từ Trung Quốc tấn công cơ sở dữ liệu của Google.
Để đáp lại, Trung Quốc vẫn bình thản khẳng định việc đi hay ở của đại gia từ Mỹ không làm họ bận tâm. Những công ty nào đang làm ăn tại Trung Quốc đều phải tuân thủ luật pháp của nước sở tại. Đến tháng 3, Google vẫn hạ quyết tâm ra đi, đóng cửa trang Google.cn.
Tuy nhiên, chưa đầy 3 tháng sau, đại gia Mỹ nhận thấy họ đã sai lầm khi rời bỏ thị trường màu mỡ nhất thế giới, tạo điều kiện cho các đối thủ khác như Baidu tăng trưởng chóng mặt. Hồi tháng 6, Google đánh tiếng muốn quay lại Trung Quốc nhưng cho đến nay vẫn chưa thành công. Trong khi đó, hàng loạt nhà đầu tư thế giới thuộc nhiều lĩnh vực vẫn chen chân xếp hàng để tham gia thị trường đông dân nhất toàn cầu.
9. Thảm họa tràn dầu BP
Những con chim đang hấp hối khi "tắm" trong vũng dầu tại bờ biển bang Louisiana sau thảm họa tràn dầu. |
Tháng 4/2010, một giàn khoan dầu của hãng BP đột nhiên phát nổ khiến 12 công nhân tử nạn. Tuy nhiên, đó mới chỉ là màn mở đầu cho thảm họa môi trường lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Giàn khoan hư hỏng làm hàng triệu lít dầu tràn ra mặt biển, với tốc độ khoảng 1.000 thùng mỗi ngày. Ngay lập tức, hãng BP đứng trước búa rìu dư luận. Khắp nơi trên đất Mỹ, người dân đổ ra đường biểu tình đòi ban lãnh đạo hãng phải "đền tội" vì hủy diệt môi trường sống. Không những thế, hãng còn tốn hàng tỷ USD bổi thường cho người dân, nộp phạt chính phủ, làm công tác dọn dẹp môi trường. Để kiếm tiền trang trải, BP đã phải bán hàng loạt tài sản khắp nơi trên thế giới. Trong đó, hãng đã bán số tài sản tại Việt Nam và Venezuela cho đối tác Nga với trị giá 1,8 tỷ USD. Vận đen chưa chịu rời đại gia dầu này khi hôm đầu tuần, Chính phủ Mỹ tiếp tục nộp đơn kiện đòi BP nộp phạt thêm 21 tỷ USD.
Tuy nhiên, điều an ủi đối với BP là họ không bị sụp đổ như người ta dự đoán. Trái lại, kết quả doanh thu nửa đầu năm và quý 3 đều vượt mong đợi do giá dầu thế giới tăng cao.
(Theo VnExpress)
Các tin khác
Hàn Quốc sẽ tập trận bắn đạn pháo thật trên vùng biển tây nam đảo Yeonpyeong trong một ngày khoảng thời gian từ 18 đến 21-12, đại tá Lee Bung-woo, người phát ngôn Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS), thông báo hôm 16/12.
Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) vừa khai mạc vào 22 giờ ngày 16-12 (giờ Việt Nam) trong sự bất đồng về kế hoạch phát hành trái phiếu chung và "bơm" thêm tiền cho Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) trị giá 440 tỷ euro để đối phó với những mối lo ngại về nợ đang ngày một loang rộng.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hôm 16.12 vừa quyết định thay thế Phó Tổng tham mưu trưởng liên quân và người đứng đầu Bộ Tư lệnh Chiến tranh đặc biệt. Quyết định này như một phần quan trọng của kế hoạch cải tổ quân sự sau vụ nã pháo của Triều Tiên hồi tháng trước.
Ít nhất 800 người bị bắt giữ ở Matxcơva và nhiều người ở các thành phố khác tối qua khi cảnh sát Nga tiến hành chiến dịch truy quét lớn để ngăn ngừa nguy cơ bạo động sắc tộc.