Trung Quốc đạt bước đột phá về hạt nhân

  • Cập nhật: Thứ ba, 4/1/2011 | 3:57:11 PM

Truyền hình quốc gia Trung Quốc (CCTV) hôm qua thông báo nước này đã làm chủ được công nghệ tái chế nhiên liệu hạt nhân, nhờ đó có thể đảm bảo "nguồn nhiên liệu cho các nhà máy điện nguyên tử trong vòng 3.000 năm".

Một nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc.
Một nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc.

CCTV không cho biết chi tiết khi nào Trung Quốc bắt đầu tái chế nhiên liệu hạt nhân trên quy mô công nghiệp, nhưng khẳng định hiện họ đã nắm trong tay quy trình phức tạp và tốn kém này. Với thành tựu mới, Trung Quốc lọt vào nhóm các nước Pháp, Anh, Nga, Nhật Bản và Ấn Độ có công nghệ tái sử dụng nhiên liệu hạt nhân phức tạp.

Bước đột phá công nghệ này có ý nghĩa quan trọng đối với Trung Quốc trong bối cảnh nước này vừa khởi động chương trình đầy tham vọng về việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới nhằm đa dạng hoá nguồn năng lượng, thay cho việc phải dựa chủ yếu vào than đá gây ô nhiễm hiện nay. Trong khi đó, năm 2009 Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất hành tinh.

Trung Quốc có 13 nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động và có kế hoạch bổ sung thêm hàng trăm cơ sở tương tự trong những năm sắp tới. Cũng theo truyền hình quốc gia Trung Quốc, nước này có đủ số uranium cho các nhà máy điện nguyên tử trong gần 70 năm và từ nay công nghệ tái chế cho phép Trung Quốc đảm bảo nguồn nhiên liệu cho các nhà máy trong vòng 3.000 năm.

Các nhà khoa học Trung Quốc đã bí mật nghiên cứu công nghệ tái chế nhiên liệu hạt nhân trong suốt 24 năm qua. Công nghệ này nâng cao vượt trội hiệu quả của nhiên liệu hạt nhân và giảm số rác thải phóng xạ bằng cách phân tách và phục hồi số uranium và plutonium chưa tiêu thụ hết để sản sinh năng lượng.

Tái chế nhiên liệu hạt nhân có chi phí cao hơn nhiều so với việc sử dụng nhiên liệu hạt nhân một lần rồi cất giữ như rác thải. Quy trình này cũng gây tranh cãi vì plutonium phân tách được từ rác thải hạt nhân có thể được sử dụng chế tạo vũ khí nguyên tử. Tuy nhiên đây không phải vấn đề với Trung Quốc vì nước này từ lâu đã sở hữu vũ khí hạt nhân.

Theo Forbes, Mỹ ngừng chương trình tái chế nhiên liệu hạt nhân dưới thời Tổng thống Jimmy Carter vì lo ngại vấn nạn phổ biến hạt nhân. Sau đó Tổng thống George W. Bush đã đề xuất tái khởi động chương trình này, nhưng không thuyết phục được về mặt kinh tế. Đến thời đương kim Tổng thống Barack Obama, Mỹ đã chính thức chấm dứt kế hoạch này.

(Theo VnExpress)

Các tin khác

Chính phủ Nhật Bản có thể sẽ loại hơn 400 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc ra khỏi danh sách hàng hóa được hưởng thuế suất ưu đãi.

Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak.

Ngày 3-1, trong lúc đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Triều Tiên chuẩn bị sang Đông Bắc Á để bàn cách giảm căng thẳng trong khu vực, Hàn Quốc cho biết Seoul mở đường cho đối thoại với Bình Nhưỡng nếu CHDCND Triều Tiên sẵn sàng tháo dỡ các cơ sở hạt nhân của họ.

Bà Dilma Rousseff phát biểu trước người dân tại Brasilia.

Một ngày sau lễ nhậm chức, nữ Tổng thống đầu tiên của Brazil, bà Dilma Rousseff, đã chủ trì hàng loạt cuộc đàm phán với các đặc phái viên nước ngoài trong nỗ lực khởi động một nhiệm kỳ đầy quyết tâm của mình không chỉ đối với các vấn đề trong nước mà còn là những vấn đề đối ngoại quan trọng.

Veera Somkwamkid, thành viên nổi tiếng của phe áo vàng đến tòa án Phnom Penh hôm 30.12.2010

Áp lực đang gia tăng tại khu vực tranh chấp lãnh thổ giữa Thái Lan và Campuchia sau vụ 7 người Thái bị bắt hồi tháng trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục