Mỹ gây thêm sức ép với Iran

  • Cập nhật: Thứ bảy, 31/3/2012 | 9:10:14 AM

Tổng thống Barack Obama vừa thông qua lệnh trừng phạt mới đối với các khách hàng mua dầu từ Iran nhằm gây thêm sức ép lên chương trình hạt nhân của quốc gia Trung Đông.

Biểu đồ cho thấy tỷ lệ xuất khẩu dầu mỏ Iran đến các nước trên thế giới năm 2010.
Biểu đồ cho thấy tỷ lệ xuất khẩu dầu mỏ Iran đến các nước trên thế giới năm 2010.

Theo quyết định mở rộng cấm vận trên, Mỹ sẽ trừng phạt các ngân hàng nước ngoài vẫn tiếp tục giao dịch dầu mỏ với Iran.

Tổng thống Obama khẳng định rằng, nguồn cung cho thị trường dầu lửa thế giới đủ để lệnh cấm vận dầu mỏ Iran không gây tác động tiêu cực đến các nước đồng minh của Mỹ. Ông cho hay sẽ tiếp tục theo dõi thị trường toàn cầu sát sao để đảm bảo rằng các nước đều giảm nguồn dầu nhập khẩu từ Tehran.

Iran đang đối mặt với sức ép ngày càng lớn từ quốc tế về chương trình hạt nhân gây tranh cãi. Phương Tây nghi ngờ Tehran đang nỗ lực chế tạo bom nguyên tử nhưng nước này khẳng định chương trình hạt nhân hoàn toàn nhằm mục đích hòa bình.

Một điều luật được ông Obama ký thông qua hồi tháng 12 năm ngoái đề ra rằng, trước 31/3 phải quyết định xem liệu thị trường dầu thế giới có đủ điều kiện cho phép các nước cắt giảm mạnh nhập khẩu dầu từ Iran hay không.

Nhà Trắng thừa nhận rằng hàng loạt sự gián đoạn sản xuất ở Nam Sudan, Syria, Yemen, Nigeria và Biển Bắc đã khiến nguồn dầu từ các nước này không thể cung cấp ra thị trường những tháng đầu năm 2012. Tuy nhiên, hiện nguồn dầu lửa đã đủ để các nước giảm mạnh nhập khẩu dầu của Iran.

"Thực tế, nhiều khách hàng dầu thô Iran đã giảm lượng nhập khẩu hoặc tuyên bố đang thảo luận tích cực với các nguồn cung thay thế", Nhà Trắng cho hay.

Theo điều luật được ký hồi tháng 12, các nước có thời hạn đến 28/6 tới để chứng minh việc cắt giảm mạnh mẽ lượng dầu thô từ Iran, nếu không sẽ phải đối mặt với việc bị loại trừ khỏi hệ thống tài chính Mỹ.

Đầu tháng này, Mỹ đã quyết định miễn trừng phạt với Nhật Bản và 10 nước Liên minh châu Âu (EU), những nước đã bắt tay với Mỹ trong việc gây sức ép lên ngành kinh tế dầu mỏ của Iran. Những biện pháp mới được thông qua này sẽ là sức ép lớn đến các nhà nhập khẩu khác như Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua cho biết sẽ giảm 20% lượng dầu mua của Tehran.

"Hôm nay, chúng tôi nhắc nhở tất cả các quốc gia vẫn đang tiếp tục nhập dầu lửa hoặc các sản phẩm dầu lửa từ Iran rằng họ chỉ có 3 tháng nữa để giảm mạnh sản lượng thu mua dầu hoặc là sẽ phải chịu lệnh trừng phạt tài chính", nghị sĩ Mỹ Bob Menendez, người đồng soạn thảo luật trừng phạt cho hay.

Tuy nhiên, giới chức Mỹ từ chối bình luận về khả năng lệnh cấm vận trên có thể đẩy giá dầu thế giới tăng cao. Việc phương Tây gây áp lực lên ngành dầu mỏ Tehran được xem là nguyên nhân chính dẫn đến hệ quả giá dầu thế giới tăng kỷ lục trong thời gian gần đây ở nhiều nước, trong đó có cả Mỹ.

(Theo VnExpress)

Các tin khác
Tổng thống Syria Bashar al-Assad (giữa) đã tới thị sát Baba Amr, khu vực lân cận thành phố Homs.

Các quan chức ngoại giao ngày 30/3 cho biết Liên hợp quốc đang lên kế hoạch thành lập một phái bộ giám sát ngừng bắn ở Syria nếu chiến sự chấm dứt, tuy nhiên, chính quyền Damascus thậm chí còn chưa đồng ý cho đưa các quan chức đến đàm phán.

Bên ngoài nhà tù thành phố San Pedro Sula, phía bắc Honduras chiều ngày 29-3.

Một vụ hỏa hoạn xảy ra ở một nhà tù Honduras đã khiến ít nhất 13 tù nhân thiệt mạng và nhiều người khác bị bỏng nặng.

Trường Đại học Lomonosov của Nga giữ vị trí thứ 33 trong bảng xếp hạng 100 trường đại học tốt nhất thế giới năm ngoái.

Nước Nga dự định xây dựng riêng một hệ thống bình chọn các trường đại học quốc tế, đồng thời tiến hành cải cách giáo dục trong nước, nhằm cải thiện vị trí xếp hạng các trường đại học nước này.

Tên lửa PAC-3 rời căn cứ Hamamatsu, tỉnh miền tây Shizuoka hôm 29-3-2009 để chuẩn bị đối phó với vụ phóng tên lửa Unha-2 của Triều Tiên.

Ngày 30-3, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Naoki Tanaka đã chỉ thị cho lực lượng phòng vệ nước này bắn hạ tên lửa Triều Tiên nếu tên lửa hay mảnh vỡ của nó rơi vào lãnh thổ Nhật Bản.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục