Nỗ lực ngoại giao giảm căng thẳng trên biển Đông
- Cập nhật: Thứ sáu, 10/8/2012 | 8:35:23 AM
Indonesia, một trong những thành viên sáng lập ASEAN tiếp tục có những nỗ lực nhằm hạ nhiệt căng thẳng trên biển Đông. Phát biểu nhân dịp kỷ niệm 45 năm thành lập ASEAN, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cho biết trong cuộc gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Jakarta ngày 10-8, ông sẽ nêu quan ngại về tình hình biển Đông.
Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa trong vòng vây báo chí.
|
Nỗ lực mới của Indonesia
Báo The Jakarta Global dẫn lời Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa nói: “Chúng tôi trông đợi đón tiếp Ngoại trưởng Trung Quốc trong chuyến viếng thăm Indonesia và tôi hy vọng rằng bên cạnh những vấn đề song phương, chúng tôi sẽ đề cập về tình hình biển Đông”. Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì bắt đầu chuyến thăm Indonesia, Brunei và Malaysia từ ngày 9 đến 13-8.
Ngoại trưởng Indonesia nhấn mạnh rằng vấn đề Trung Quốc, lãnh thổ Đài Loan và một số nước ASEAN cùng xác nhận chủ quyền ở một số khu vực trên biển Đông là vấn đề cần cách tiếp cận chung, nếu không, nguy cơ căng thẳng sẽ tăng lên rất nhanh.
Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa tỏ ra rất tự tin về khả năng ASEAN và Trung Quốc đạt được Bộ nguyên tắc ứng xử trên biển Đông vào cuối năm nay. Hồi trung tuần tháng 7, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa đã đến Malaysia, Việt Nam và Canpuchia nỗ lực tìm tiếng nói chung của ASEAN về biển Đông. Sau chuyến đi này, ASEAN đã có nguyên tắc chung 6 điểm về giải quyết các tranh chấp trên biển Đông.
UNCLOS là cơ sở để giải quyết tranh chấp
Liên quan đến tình hình biển Đông, trang mạng eurasiareview ngày 8-8 đăng bài viết của giáo sư Robert Beckman, Giám đốc Trung tâm Luật Quốc tế thuộc khoa Luật Trường Đại học Quốc gia Singapore.
Theo giáo sư Beckman, một trong những nguyên nhân gây căng thẳng trên biển Đông là do không tuân thủ Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS).
Giáo sư Beckman cho rằng UNCLOS đóng vai trò quan trọng đối với giải quyết tranh chấp trên biển Đông vì nó xác lập khung pháp lý chi tiết về quyền lợi và nghĩa vụ của các quốc gia đối với việc sử dụng tài nguyên biển và điều quan trọng, hầu hết các nước trong khu vực đã phê chuẩn UNCLOS. Ngoài ra UNCLOS cũng quy định rằng trong suốt giai đoạn các quốc gia chưa hoàn thành việc xác định ranh giới biển theo UNCLOS, các quốc gia không được quyền có hành động đơn phương tại những vùng biển chồng lấn, làm phương hại đến việc đạt thỏa thuận chung về biên giới trên biển.
Trong khi đó, 40 nhà khoa học thuộc 8 nước ASEAN, Trung Quốc và nhiều chuyên gia quốc tế trong một hội thảo về sinh vật biển ở biển Đông tại Indonesia mới đây đã kêu gọi các nước có tranh chấp ở biển Đông nên mở cửa đón các nhà khoa học. Cuộc hội thảo do Viện Bảo tàng nghiên cứu đa dạng sinh học Raffles của Singapore tổ chức với sự tài trợ của Chính phủ Singapore. Đứng trước tác động của biến đổi khí hậu và tình trạng ô nhiễm, các nhà khoa học kêu gọi các nước nên tạo điều kiện để các nhà khoa học tới các vùng đảo ở biển Đông để nghiên cứu khoa học nhằm bảo tồn sự đa dạng sinh học trên vùng biển Đông.
(Theo SGGP)
Các tin khác
Ngày 9-8, hãng tin nhà nước Syria (SANA) đưa tin Tổng thống Bashar al-Assad đã bổ nhiệm ông Wael al-Halqi làm tân Thủ tướng của nước này.
Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi đã sa thải Giám đốc cơ quan tình báo và Thống đốc Bắc Sinai trong cuộc cải tổ quan trọng nhằm mở rộng quyền chỉ huy của quân cảnh và xoa dịu dư luận sau vụ tấn công đẫm máu làm 16 binh sĩ biên phòng thiệt mạng.
Đại sứ Mỹ tại LHQ Susan Rice nói rằng, bà sẵn lòng đảm nhiệm vị trí đặc phái viên chung LHQ và Liên đoàn Arab.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đã đạt được một thỏa thuận với phe đối lập rằng gần như chắc chắn có một cuộc tổng tuyển cử trong mùa thu này. Ông đã đồng ý giải tán Hạ viện sau khi một dự luật tăng thuế gây tranh cãi được thông qua.