Nhật không để yên việc 1.000 tàu cá Trung Quốc hoành hành
- Cập nhật: Thứ ba, 18/9/2012 | 7:47:12 AM
Nhật Bản không thể ngồi yên nếu tàu cá của Trung Quốc đến gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đây là một sự xâm phạm có thể đưa cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước lên một mức độ căng thẳng mới, một trợ lý của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda hôm 17/9 cảnh báo.
Tàu cá Trung Quốc tề tựu về cảng ở Chiết Giang vào trưa ngày chủ nhật vừa qua, chuẩn bị đổ ra Hoa Đông khi lệnh cấm đánh bắt hết vào ngày 16/9.
|
Báo chí nhà nước Trung Quốc cùng ngày 17/9 đưa tin, khoảng 1.000 tàu cá của nước này đang ồ ạt đổ về khu vực lãnh hải xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ nhiều tỉnh duyên hải như Phúc Kiến và Triết Giang... Những con tàu này được cho là đã đến vùng tranh chấp vào chiều tối ngày hôm qua.
Hành động xua một số lượng lớn tàu đánh cá đến vùng tranh chấp của Bắc Kinh được xem là cuộc biểu tình lớn nhất của nước này đối với động thái mua lại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư của Nhật Bản. Nếu 1.000 tàu đánh cá Trung Quốc đi vào khu vực lãnh hải quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, họ chắc chắn sẽ phải chạm trán với những con tàu tuần tra hiện đại của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển- cơ quan chịu trách nhiệm chính về việc tuần tra, giám sát vùng biển Nhật Bản.
Được biết, các tàu cá của Trung Quốc có thể sẽ được hộ tống bởi 6 chiếc tàu tuần tra mà Trung Quốc đã phái đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ hồi tuần trước. Hôm thứ Sáu (14/9), 6 tàu tuần tra của Trung Quốc đã vào khu vực lãnh hải quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và đã có cuộc đối đầu căng thẳng với Lực lượng Bảo vệ Bờ biển. Giới chức Trung Quốc cho biết, họ sẽ giám sát và theo dõi các hoạt động của tàu thuyền nước họ ở vùng tranh chấp với Nhật.
Trong khi đó, Tokyo cho biết, chính phủ Nhật Bản đến nay đã kiềm chế không đưa ra bất kỳ hành động khiêu khích nào đối với những cuộc biểu tình chống Nhật Bản đang lan rộng khắp Trung Quốc. Tuy nhiên, những thông tin về việc Trung Quốc đưa một số lượng lớn tàu đánh cá đến vùng tranh chấp ở biển Hoa Đông đã làm tăng mối quan ngại của chính quyền ông Noda.
Khi được hỏi về sự chuẩn bị của Nhật Bản trước “bất kỳ tình huống bất ngờ nào có thể xảy ra”, Thủ tướng Noda cho biết, ông đã chỉ thị cho các cơ quan chức năng “sẵn sàng đối phó với tình hình dựa theo luật của Nhật Bản”.
“Chính phủ đang áp dụng phương pháp tiếp cận ‘chờ xem’ vào lúc này. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không ngồi yên nếu tàu cá của Trung Quốc đổ bộ đến quần đảo Senkaku với số lượng lớn. Diễn biến đó có thể dẫn tới một giai đoạn mới”, cố vấn của Thủ tướng Noda cảnh báo.
Các quan chức chính phủ Nhật Bản cho biết, họ có thể buộc phải bắt giữ các thuyền trưởng của những tàu đánh cá xâm phạm vào vùng lãnh hải của họ. Nếu Lực lượng Bảo vệ Bờ biển không thể kiểm soát được tình hình quanh những hòn đảo thuộc Senkaku/Điếu Ngư, chính phủ Nhật Bản có thể buộc phải điều thêm Lực lượng Phòng vệ của nước này.
Bất kỳ phản ứng nào của Nhật Bản với những tàu cá của Trung Quốc đều có thể đốt nóng thêm cuộc đối đầu căng thẳng giữa hai nước xung quanh vấn đề Senkaku/Điếu Ngư.
Biểu tình bạo lực lan rộng, Nhật đóng cửa các nhà máy ở Trung Quốc
Kể từ khi chính phủ Nhật Bản mua lại 3 trong số 4 hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang nằm trong tranh chấp với Trung Quốc, các cuộc biểu tình chống Nhật đã nổ ra khắp đất nước Trung Quốc. Điều đáng lo ngại ở đây là, các cuộc biểu tình không diễn ra hòa bình mà biến thành bạo lực với rất nhiều vụ cướp bóc, đốt phá nhằm vào các cơ sở, nhà máy, nhà hàng của Nhật Bản.
Khi các cuộc biểu tình leo thang nghiêm trọng, Đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc – ông Uichiro Niwa hôm 16/9 đã nhắc lại lời kêu gọi đối với Bộ Ngoại giao Trung Quốc về việc nước này cần phải áp dụng tất cả những bước đi cần thiết để bảo vệ người Nhật ở Trung Quốc.
“Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc đảm bảo an toàn cho các công dân và công ty của Nhật Bản”, Thủ tướng Noda kêu gọi trên một chương trình truyền hình hôm 16/9.
Thủ tướng Nhật Bản cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các bên “có phản ứng bình tĩnh nhằm tăng cường mối quan hệ chiến lược, cùng có lợi giữa hai nước”.
Trung Quốc cũng đang tìm cách dập tắt những cuộc biểu tình chống Nhật bạo lực. Nước này hôm qua đã đưa ra lời đe dọa sẽ bắt những người vi phạm pháp luật trong các cuộc biểu tình và sẽ chặn những website đăng tải các hình ảnh và bài viết liên quan đến những cuộc biểu tình.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng không hết lo ngại. Họ đã đóng cửa một loạt các cửa hiệu, nhà hàng ở thủ đô Bắc Kinh, trong đó có hãng bán lẻ quần áo nổi tiếng Uniqlo. Các nhà máy của Nhật Bản thuộc tập đoàn điện tử Panasonic cũng đã tạm dừng hoạt động sau khi hai nhà máy của họ bị phá hoại hồi cuối tuần vừa rồi.
(Theo VnMedia)
Các tin khác
Ngày 16/9, hàng loạt tàu chiến đến từ các nước trên thế giới đã tập hợp tại Vùng Vịnh để tham gia cuộc tập trận hải quân quốc tế quy mô lớn do Mỹ dẫn đầu trong 12 ngày.
Nhật Bản tuyên bố đẩy mạnh tuần tra biên giới biển giữa lúc căng thẳng với Trung Quốc vẫn chưa hạ nhiệt.
Một chỉ huy lực lượng FSA ngày 16/9 tuyên bố sứ mệnh của Đặc phái viên quốc tế về Syria Lakhdar Brahimi chắc chắn sẽ thất bại.
Nguyên nhân do một trong hai chiếc tàu gặp sự cố kỹ thuật và hệ thống tín hiệu đường sắt ở đây không hoạt động.