Đụng độ Trung - Nhật đe dọa kinh tế toàn cầu

  • Cập nhật: Thứ năm, 20/9/2012 | 2:13:58 PM

Giới chuyên gia quốc tế nhận định một cuộc chiến thương mại Trung - Nhật nếu nổ ra không chỉ đe dọa thương mại giữa hai nước này mà cả nền kinh tế toàn cầu, do Đông Á đang được xem là đầu tàu tăng trưởng toàn cầu.

Một người biểu tình Trung Quốc quá khích đập phá một siêu thị Nhật ở Thanh Đảo.
Một người biểu tình Trung Quốc quá khích đập phá một siêu thị Nhật ở Thanh Đảo.

Trong những ngày qua, những cuộc tấn công, đập phá, hôi của... của người biểu tình Trung Quốc đã buộc hàng trăm doanh nghiệp Nhật từ Nissan, Honda, Toyota cho đến Sony, Uniqlo, Aeon và các cửa hàng tiện lợi 7-Eleven ở Trung Quốc phải đóng cửa.

Theo Bloomberg, hậu quả đầu tiên là cổ phiếu của các tập đoàn Nhật đã giảm 2,5-7%. Thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng sụt xuống mức thấp nhất trong hai tuần qua.

Cuộc khủng hoảng cũng ảnh hưởng đến các đồng tiền của hàng loạt nước châu Á khác. Đồng won của Hàn Quốc giảm xuống từ mức cao nhất trong sáu tháng qua trong khi đồng ringgit của Malaysia cũng hạ xuống mức thấp nhất trong ba tuần qua. Giá đồng giảm liên tiếp trong hai ngày qua (Trung Quốc là nước tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới) khiến giá đồng peso của Chile (nước xuất khẩu đồng lớn nhất thế giới) sụt mạnh. Thị trường nguyên liệu chao đảo cũng kéo giá cổ phiếu của Úc sụt giảm do Úc là quốc gia cung cấp nguyên liệu lớn cho Trung Quốc.

Tác động như thảm họa sóng thần

Giới chuyên gia kinh tế khẳng định một cuộc chiến tranh thương mại nếu nổ ra giữa Trung Quốc và Nhật sẽ ảnh hưởng đến nhiều nền kinh tế khác. Đài Loan là nền kinh tế đầu tiên lên tiếng cảnh báo nguy cơ này. Theo báo Taipei Times, căng thẳng Trung - Nhật có nguy cơ đe dọa dây chuyền cung ứng và sản xuất của Đài Loan - Nhật - Trung Quốc. Chẳng hạn, các công ty Nhật xuất khẩu thiết bị ôtô sang Đài Loan. Tại đây, các công nhân Đài Loan lắp ráp trước khi xuất sang các nhà máy lắp ráp ôtô ở Trung Quốc đại lục.

“Một cuộc chiến thương mại Trung - Nhật sẽ phá vỡ dây chuyền cung ứng này” - phó giám đốc Cục Ngoại thương Đài Loan Chen Ming Shy cảnh báo.

Úc cũng lên tiếng báo động. Báo Sydney Morning Herald la hoảng: “Tranh chấp ở biển Đông Á sẽ làm tổn thương nền kinh tế Úc”. Báo này dẫn lời chuyên gia kinh tế Mark Thirlwell thuộc Viện Lowy cho rằng dây chuyền cung ứng bị gián đoạn sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu hàng hóa Úc của các nước.

“Vụ việc xảy ra đúng vào thời điểm thương mại quốc tế và nền kinh tế toàn cầu đang chật vật. Đó sẽ lại là một cú sốc mới” - ông Thirlwell nhấn mạnh. Theo ông, một trong những thành công của mô hình tăng trưởng Đông Á là sự tồn tại của “Nhà máy châu Á” với các dây chuyền cung ứng trải dọc các nền kinh tế khu vực, mỗi nơi tập trung vào một khâu sản xuất. Sự ổn định chính trị khu vực cho phép các công ty dễ dàng luân chuyển thiết bị và lao động qua biên giới các nước. Việc các công ty Nhật buộc phải đóng cửa ở Trung Quốc là một nguy cơ lớn đối với mô hình “Nhà máy châu Á”.

Chuyên gia kinh tế Thirlwell so sánh chiến tranh thương mại Trung - Nhật nếu nổ ra sẽ tác động tương tự tác động của thảm họa động đất - sóng thần - hạt nhân ở Nhật vào năm 2011. Thảm họa kinh tế này sẽ ngăn chặn các công ty Nhật sản xuất thiết bị xe hơi, thiết bị máy vi tính, hàng điện tử như iPhone, iPad... ở Nhật. Dây chuyền sản xuất ở các nước khác cũng theo đó bị tắc nghẽn. “Trong thế giới ngày nay, rất khó để tách bạch nguy cơ chính trị khỏi nguy cơ kinh tế” - ông Thirlwell khẳng định.

Tất cả đều thua

Theo báo Wall Street Journal, các công ty Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia, Đức, Thái Lan... đều có mối liên kết sâu sắc và không thể tách rời với quan hệ kinh tế Trung - Nhật. Do đó, khi chiến tranh thương mại nổ ra giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á, các quốc gia này sẽ bị tác động lớn.

“Đây sẽ là một cú đòn nặng nề giáng vào nền kinh tế thế giới” - nhà kinh tế Andy Xie, cựu chuyên gia của Ngân hàng Morgan Stanley, nhận định. Tương tự, nhà phân tích Liu Li Gang thuộc Ngân hàng ANZ cũng cho rằng đó “không chỉ là một thảm họa đối với nền kinh tế châu Á mà cả nền kinh tế toàn cầu” do quy mô nền kinh tế Trung Quốc và Nhật hiện chiếm tới 67,5% GDP toàn châu Á.

Giới phân tích quốc tế khẳng định nếu chiến tranh thương mại bùng nổ, nền kinh tế cả hai nước sẽ lao đao chứ không riêng gì Nhật Bản như Trung Quốc Nhật Báo nhận định trước đó. Năm 2011, đầu tư của Nhật vào Trung Quốc là 6,3 tỉ USD và tổng đầu tư từ năm 1996 đến nay đã lên tới 69 tỉ USD. Trung Quốc cũng là địa điểm du lịch quốc tế lớn nhất của Nhật. Năm 2011, hơn 3,65 triệu người Nhật đã đến Trung Quốc. Nền kinh tế Trung Quốc sẽ chấn động nghiêm trọng nếu mất hai nguồn lực này.

Chuyên gia kinh tế châu Á Sarah McDowell thuộc Hãng HIS Global Insight nhận định Trung Quốc sẽ chỉ dọa suông và hai nước vẫn sẽ duy trì quan hệ thương mại do hậu quả của xung đột sẽ rất lớn. Tuy nhiên, các công ty Nhật vẫn có thể xem xét đầu tư vào các nước khác ở châu Á, một phần do lo ngại về vấn đề an toàn ở Trung Quốc, một phần do giá lao động tại nước này cũng đang tăng cao.

(Theo TTO)

Các tin khác
Trùm ma túy Daniel el Loco Barrera bị bắt ở San Cristobal, Venezuela.

Colombia cho biết tên trùm ma túy khét tiếng Daniel El Loco Barrera đã bị bắt ở Venezuela.

Ông Saeed Jalili và bà Catherine Ashton trong cuộc hội đàm tại Mátxcơva hồi tháng Sáu năm nay.

Iran và Liên minh Châu Âu (EU) đã nhất trí tổ chức một vòng đàm phán hạt nhân "trong tương lai gần". Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran Saeed Jalili tiết lộ thông tin trên tại cuộc họp báo ngày 19-9 ở thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, sau cuộc hội đàm với Đại diện cấp cao EU phụ trách chính sách đối ngoại Catherine Ashton.

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius.

Bộ Ngoại giao Pháp ngày 19-9 thông báo nước này sẽ đóng cửa đại sứ quán và trường học tại khoảng 20 nước vào ngày 21-9 tới đây do lo ngại phản ứng thù địch trước việc một tạp chí của Pháp đăng tranh biếm họa Nhà tiên tri Mohamed của đạo Hồi.

Người Trung Quốc biểu tình chống Nhật trước Tổng lãnh sự quán Nhật Bản ở thành phố Thượng Hải.

Ngày 18-9, việc kỷ niệm sự kiện Mukden năm 1931 đã đổ thêm dầu vào lửa chống Nhật Bản, với các cuộc biểu tình nổ ra tại 100 thành phố, nhằm phản đối Nhật Bản mua quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục