Nghị quyết số 20 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XIII khẳng định quan điểm xuyên suốt của Đảng: Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế Nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là tất yếu khách quan, có ý nghĩa chiến lược và lâu dài trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Cùng với sự phát triển của các thành phần kinh tế, kinh tế tập thể (KTTT) Yên Bái đã có nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vai trò của khu vực kinh tế tập thể ngày càng được nhận thức đầy đủ hơn, KTTT mà nòng cốt hợp tác xã (HTX) phát triển cả về số lượng và chất lượng với nhiều mô hình mới, phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị được nhân rộng.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm tới KTTT và phát triển HTX từ rất sớm. Trong thư gửi điền chủ nông gia Việt Nam từ năm 1946, Bác Hồ đã viết: "Nông dân ta giàu thì nước ta giàu, nông dân ta thịnh thì nước ta thịnh. Nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh thì cần phải có HTX” "… HTX là hợp vốn, hợp sức với nhau. Vốn nhiều, sức mạnh, thì khó nhọc ít mà lợi ích nhiều”. Xác định vai trò to lớn và quán triệt tư tưởng này,
Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế tập thể (KTTT) và gần đây là Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới.
Đồng thời, Đảng ta khẳng định quan điểm chỉ đạo: "KTTT là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”.
Xác định rõ vai trò vị trí to lớn của HTX, những năm qua, tỉnh Yên Bái chú trọng phát triển KTTT theo hướng phát triển đa dạng các loại hình HTX, tổ hợp tác trong mọi lĩnh vực; tập trung phát triển HTX nông nghiệp gắn với các vùng nguyên liệu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; liên doanh, liên kết, nâng cao chất lượng chuỗi giá trị sản phẩm góp phần xóa đói, giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.
Cùng với chính sách hỗ trợ của Trung ương, nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ HTX đã triển khai như: đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và hỗ trợ thành lập mới HTX… đã tạo nguồn lực hỗ trợ cho KTTT, HTX phát triển.
Đặc biệt, Luật HTX 2012 đã tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, minh bạch tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ đồng thời làm thay đổi nhận thức trong hệ thống chính trị và người dân về vai trò quan trọng của phát triển KTTT, HTX trong các thành phần kinh tế của nền kinh tế quốc dân.
Phong trào HTX phát triển rộng khắp, cả vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển mạnh ở các lĩnh vực có lợi thế như: khai thác và chế biến khoáng sản, chế biến chè, chế biến gỗ rừng trồng, các sản phẩm từ quế và tinh dầu quế, miến đao, măng tre Bát độ, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản.
Nhiều hợp tác xã sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho thành viên và nông dân. Trong ảnh: Xử lý nguyên liệu chế biến tại Hợp tác xã Quế hồi Việt Nam, xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên.
Các HTX đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng, hỗ trợ, dẫn dắt kinh tế thành viên phát triển, làm cầu nối gắn kết sản xuất của các thành viên với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và thu nhập cho người nông dân.
Đặc biệt, HTX sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho thành viên và nông dân. Việc sản xuất hoặc phân phối theo chuỗi giá trị góp phần giảm bớt các khâu trung gian, hạ giá thành và gia tăng giá trị sản phẩm; đồng thời, nâng cao lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Nhờ đó, các HTX thu được lợi ích nhiều nhất từ sản phẩm của mình. Điển hình phải kể đến chuỗi giá trị sản phẩm măng tre Bát độ của HTX Dịch vụ tổng hợp Kiên Thành (Trấn Yên) và HTX Dịch vụ tổng hợp Hồng Ca.
Hai đơn vị này đã liên kết với Công ty cổ phần Yên Thành (huyện Yên Bình) đầu tư vật tư, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và thu mua toàn bộ sản phẩm do nông dân sản xuất. Trong sản xuất và chế biến chè, có kết quả tốt của việc liên kết giữa HTX Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận, HTX Vạn Hoa (Văn Chấn) và Công ty TNHH Hưng Thịnh (Trấn Yên) với HTX Trường Xuân, HTX Tân Hương (Yên Bình) để đầu tư kỹ thuật chăm sóc, thu hái chè theo tiêu chuẩn Unilever và VietGAP...
Các HTX đã tổ chức cho các hộ trồng chè tham gia các khóa tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác, thu hái bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng được doanh nghiệp hướng dẫn và đặt hàng, doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản phẩm HTX sản xuất, sơ chế và tiếp tục chế biến sâu phục vụ xuất khẩu. Bên cạnh đó, HTX còn khẳng đinh vai trò hạt nhân trong xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Nhiều HTX trên địa bàn tỉnh đã thay đổi tư duy, sáng tạo, lựa chọn sản phẩm của mình theo hướng đi riêng, đặc thù gắn với Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) của tỉnh. Đơn cử như HTX Quế Văn Yên, thành lập năm 2018 với ngành nghề kinh doanh chính là thu mua, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ cây quế. Đây cũng là đơn vị thuộc tốp đầu của tỉnh góp phần đưa quế Văn Yên trở thành sản phẩm chủ lực của Chương trình OCOP tỉnh Yên Bái.
Năm 2022, HTX có 6 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận OCOP 3 sao, gồm có: bột quế Văn Yên, tinh dầu quế Văn Yên, lọ tăm quế, quế thanh, quế thuốc lá và tinh dầu sả chanh Văn Yên. Năm 2023, HTX đăng ký đánh giá thêm 1 sản phẩm để được công nhận sản phẩm OCOP là trà quế Hồng Sâm.
Bà Đinh Thị Thúy Vân - Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Quế Văn Yên cho biết: "Hiện HTX có 2 cơ sở chế biến, giới thiệu và kinh doanh các sản phẩm của HTX và các sản phẩm liên kết do các HTX, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cung cấp để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Sản phẩm OCOP của HTX được niêm yết và giao dịch trên 2 sàn thương mại điện tử lớn là Voso.vn và Postmart.vn. Các sản phẩm của HTX đã được tiêu thụ rộng rãi trong nước và bước đầu vươn ra thế giới thông qua trưng bày triển lãm tại Nhật Bản, Ả rập Xê út và các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE). Hiện nay, HTX tạo việc làm cho 7 thành viên và 30 lao động thời vụ với mức thu nhập từ 7,5 - 10 triệu đồng/người/tháng”.
Theo Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đỗ Nhân Đạo, hoạt động của HTX tạo sức lan tỏa cao khi ngày càng nhiều HTX kiểu mới, điển hình được nhân rộng; số lượng HTX thành lập mới tăng nhanh với chất lượng được nâng cao.
Tính đến hết tháng 6/2023, toàn tỉnh có 692 HTX, thu hút 32.610 thành viên hoạt động đa dạng trong các lĩnh vực; trong đó, lĩnh vực nông nghiệp 400 HTX, công nghiệp 106 HTX, vận tải 11 HTX, thương mại dịch vụ 139 HTX, xây dựng 19 HTX, quỹ tín dụng nhân dân 17. 6 tháng đầu năm, doanh thu bình quân của một HTX ước đạt 1,155 tỷ đồng; lợi nhuận bình quân khoảng 225 triệu đồng; thu nhập bình quân người lao động 5,3 triệu đồng/người/tháng. Khu vực kinh tế HTX đã nộp ngân sách Nhà nước 19,8 tỷ đồng.
Nhiều HTX chủ động, tích cực phối hợp với chính quyền địa phương triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tham gia, đóng góp tích cực vào các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; phối hợp giải quyết các vấn đề xã hội… Hoạt động của HTX, tổ hợp tác, đã góp phần quan trọng phát triển văn hóa cộng đồng dân cư, đề cao tinh thần đoàn kết, tương thân, tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Văn Thông
Bài 2: Nhu cầu bức thiết