Trấn Yên phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản gắn với phát triển vùng nguyên liệu

  • Cập nhật: Thứ tư, 3/11/2010 | 2:56:03 PM

YBĐT - Nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng thời góp phần tăng thu ngân sách trên địa bàn, Trấn Yên đã có 50 cơ sở chế biến gỗ gắn với vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng ở xã Lương Thịnh; cơ sở dây chuyền chế biến tinh dầu quế gắn với vùng rừng trồng quế ở xã Y Can; cơ sở sơ chế măng Bát Độ gắn với vùng trồng tre măng Bát Độ ở xã Kiên Thành.

Tre măng Bát Độ đang là cây xóa đói giảm nghèo ở huyện Trấn Yên. (Ảnh: Q.T)
Tre măng Bát Độ đang là cây xóa đói giảm nghèo ở huyện Trấn Yên. (Ảnh: Q.T)

Với cách làm đúng hướng này, Đảng bộ huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái đã xác định: "Phát triển vùng nguyên liệu để phục vụ cho việc chế biến gỗ trồng rừng, trồng cây nguyên liệu gắn với phát triển và mở rộng quy mô các cơ sở chế biến nông, lâm sản" là một trong các chương trình trọng điểm phát triển kinh tế của Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2010 - 2015.

"… Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả, bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới…" là một trong những nội dung của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVII về phát triển công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông thôn. Từ chủ trương này, Đảng bộ huyện Trấn Yên nhận thấy, nếu sản xuất nông nghiệp theo cách truyền thống như trước kia trong điều kiện hiện nay thì người dân cũng chỉ đủ ăn mà ít có điều kiện tích lũy vì giá trị gia tăng không nhiều.

Do đó, muốn thu nhập cao, muốn chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa, cải thiện cuộc sống và góp phần vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh, chỉ có cách là làm sao tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa để bán, để cung cấp cho công nghiệp chế biến nông, lâm sản và cũng là để phát huy thế mạnh của huyện thuần nông miền núi. Chính vì vậy, việc quy hoạch vùng nguyên liệu có diện tích phù hợp, có đủ sản lượng cung cấp cho công nghiệp chế biến phải phát triển một cách bền vững.

Xuất phát từ đặc điểm đất đai, khí hậu, điều kiện canh tác, cách thức quản lý và tư duy của người dân đồng thời rút kinh nghiệm từ việc chỉ đạo xây dựng, hình thành một số vùng nguyên liệu đã có, của cả trong và ngoài tỉnh, Đảng bộ huyện Trấn Yên đã tập trung lãnh đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII về "… Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả, bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới…" với một số giải pháp và cách làm như sau:

Một là: Phải triển khai và thực hiện tốt đồng thời có trách nhiệm về mối liên hệ bền vững giữa 4 nhà: sự chỉ đạo quản lý của huyện (Nhà nước); cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm (nhà doanh nghiệp); người làm ra sản phẩm (nhà nông); người hướng dẫn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác (nhà khoa học).

Bài học kinh nghiệm được rút ra qua việc liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà” để phát triển vùng tre măng Bát Độ, vùng trồng dâu nuôi tằm của Trấn Yên đã nói lên điều đó. Huyện có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo, phát triển vùng nguyên liệu; doanh nghiệp có trách nhiệm đầu tư (giống, phân bón, kỹ thuật canh tác), bao tiêu sản phẩm; các hộ nông dân ký hợp đồng với doanh nghiệp để trồng, chăm sóc, thu hoạch… Từ vùng nguyên liệu tre măng ban đầu mới chỉ có 200 ha, đến nay, toàn huyện đã có trên 1.200 ha và năm 2010 đã thu hoạch hơn 10 ngàn tấn cung cấp cho Công ty TNHH Vạn Đạt - đơn vị bao tiêu sản phẩm để sản xuất, chế biến xuất khẩu.

Hai là: Phải có chủ trương đúng, quyết tâm cao, chỉ đạo quyết liệt và có cách làm cụ thể trong việc phát triển vùng nguyên liệu theo hướng tập trung, không manh mún.

Muốn làm tốt việc này phải làm tốt công tác quy hoạch, giải quyết vấn đề quyền sử dụng đất, vấn đề tích tụ đất đai, vấn đề thị trường cùng các điều kiện khác bảo đảm cho vùng nguyên liệu phát triển.

Thực tế cho thấy, công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng trong những năm qua của huyện Trấn Yên rất phát triển, đa dạng về sản phẩm, đa dạng về quy mô các cơ sở chế biến. Hầu hết các xã đều có các cơ sở chế biến gỗ rừng trồng bởi vì vùng nguyên liệu này rất ổn định. Hàng năm, toàn huyện trồng mới được từ 1.800 ha đến 2.000 ha và nằm trong chương trình trọng điểm phát triển kinh tế của huyện.

Ba là: Chỉ đạo, tập trung phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực chế biến nông, lâm sản có trình độ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, đáp ứng sản xuất theo hướng hàng hóa bền vững.

Trong điều kiện đặc thù của tỉnh Yên Bái hiện nay, sản xuất nông, lâm nghiệp nhìn chung còn manh mún, nhỏ lẻ; sản xuất hàng hóa chưa phát triển; nhận thức của người dân còn mang nặng tính bảo thủ, trì trệ, chưa có thói quen công nghiệp. Cho nên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của các cơ sở chế biến sản phẩm nông, lâm sản là phù hợp. Việc phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ gắn với phát triển vùng nguyên liệu cũng là vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động trong tình hình hiện nay. Tại Trấn Yên, chỉ riêng xã Lương Thịnh với 50 cơ sở chế biến gỗ rừng trồng đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động và cũng nhờ đó mà người dân có thu nhập. Đồng thời, xã và huyện cũng có nguồn thu ngân sách từ các cơ sở chế biến này.

Bốn là: Phải tổ chức, hướng dẫn và đào tạo nghề cho nông dân, có kỹ thuật, có tư duy sản xuất công nghiệp.

Nông dân Yên Bái cần cù, chịu khó nhưng nhìn chung chưa có điều kiện để vươn lên làm ăn lớn do nhiều yếu tố tác động như: thị trường, đất đai, khoa học kỹ thuật, tính bảo thủ, bằng lòng của người nông dân… Một trong những nguyên nhân đó là người lao động chưa được đào tạo nghề nên chưa có kỹ thuật trong sản xuất. Mặt khác, tính kỷ luật, tác phong công nghiệp chưa cao dẫn đến tư duy sản xuất công nghiệp cũng hạn chế.

Thực tế cho thấy, Công ty TNHH Hương liệu Việt Trung đầu tư cơ sở chế biến tinh dầu quế tại xã Y Can ban đầu tuyển dụng công nhân một cách dễ dàng. Sau một thời gian, số lượng công nhân ít dần và khó tuyển dụng. Nguyên nhân là nông dân tại xã chỉ muốn đi làm và hưởng công nhật, tức là làm ngày nào thì thanh toán tiền ngày đó. Điều này đã làm khó doanh nghiệp trong việc thực hiện dây chuyền sản xuất, nhất là vào thời kỳ mùa vụ. Vì vậy, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn là hết sức cần thiết và cũng hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước để thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" của Chính phủ.

Năm là: Phải đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, các làng nghề quy mô phù hợp với cấp huyện để phục vụ cho việc phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, trọng tâm là chế biến nông, lâm sản. Nếu làm tốt việc này thì đạt được hai mục đích: thứ nhất, tạo ra cơ sở hạ tầng tốt để các doanh nghiệp có điều kiện tập trung phát triển sản xuất, doanh nghiệp không phải lo đầu tư về điện, nước, đường giao thông; thứ hai, nếu doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm sản phát triển thì đương nhiên, các vùng nguyên liệu tự nó cũng phát triển theo quy luật thị trường điều tiết. Thực tế vừa qua, các khu công nghiệp ở Yên Bái chưa được đầu tư đúng mức nên phần nào đã làm hạn chế sự phát triển về số lượng, quy mô của các doanh nghiệp trên địa bàn.

Có thể khẳng định, với quyết tâm cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Đảng bộ huyện Trấn Yên đã xác định một hướng đi đúng, là một trong các chương trình trọng điểm nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững, góp phần vào tăng trưởng kinh tế chung trong toàn tỉnh. 

 Nguyễn Tiến Dũng - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Trấn Yên

Các tin khác
Lãnh đạo Huyện ủy Yên Bình và Đảng ủy xã Cảm Nhân dự sinh hoạt Chi bộ thôn Kéo Sa, xã Cảm Nhân.

Việc thực hiện chấm điểm sau mỗi buổi sinh hoạt thường kỳ và sinh hoạt chuyên đề theo Quy định số 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái đã giúp cho các cấp ủy cơ sở thuộc Đảng bộ huyện Yên Bình đánh giá đúng chất lượng, có căn cứ chính xác để xếp loại tổ chức Đảng hằng năm.

Chi bộ Trường Mầm non Hoa Lan, thị trấn Mù Cang Chải tổ chức lễ kết nạp đảng viên

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 về công tác phát triển đảng viên, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đảng bộ huyện Mù Cang Chải đã kết nạp được 561/550 đảng viên, đạt 102% chỉ tiêu nghị quyết đề ra.

Đồng chí Trịnh Văn Xuê - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Trạm Tấu tặng giấy khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án 04 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác KTGS trong Đảng bộ tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025”.

Ngay trong quý I năm 2024, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Trạm Tấu đã chuẩn bị hồ sơ, tài liệu cho 2 cuộc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và chuẩn bị hồ sơ kiểm tra 2 tổ chức đảng cấp dưới thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng.

Đảng viên mới được bồi dưỡng lý luận chính trị tại Trung tâm Chính trị huyện Lục Yên.

Trong quý I/2024, Đảng bộ huyện Lục Yên đã quyết định kết nạp 88 quần chúng ưu tú vào Đảng, đạt 40,9% kế hoạch; chuyển đảng chính thức cho 72 đảng viên dự bị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục