Trấn Yên đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống: Cần có những giải pháp lớn

  • Cập nhật: Thứ năm, 28/4/2011 | 9:40:58 AM

YBĐT - Để đưa nghị quyết của Đảng sớm đi vào cuộc sống, đòi hỏi có sự quyết tâm cao của cán bộ, đảng viên toàn Đảng bộ và sự đồng thuận của nhân dân.

Công nhân một doanh nghiệp chế biến, sản xuất ván ghép thanh từ nguyên liệu gỗ rừng trồng ở Trấn Yên.
Công nhân một doanh nghiệp chế biến, sản xuất ván ghép thanh từ nguyên liệu gỗ rừng trồng ở Trấn Yên.

Để sớm đưa nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh, huyện nhiệm kỳ 2010 - 2015 vào cuộc sống, Ban Thường vụ Huyện ủy Trấn Yên đã xây dựng kế hoạch nghiên cứu, quán triệt, tổ chức thực hiện tới tất cả các chi, Đảng bộ trực thuộc và các tầng lớp nhân dân xong trong tháng 4 này nhằm tạo sự đồng thuận cao, quyết tâm thực hiện thắng lợi nghị quyết.

Đồng chí Lê Hồng Giang - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Trấn Yên cho biết: "Ngay sau khi Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII thành công tốt đẹp, huyện đã tổ chức thông báo nhanh kết quả tới cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đồng thời, huyện chỉ đạo các chi, Đảng bộ trực thuộc thông báo nhanh kết quả tới cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân các xã, thị trấn; yêu cầu 54 chi, Đảng bộ trực thuộc căn cứ nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh, huyện và của địa phương, đơn vị xây dựng chương trình hành động, quy chế làm việc của cấp ủy; chương trình kiểm tra, giám sát của cấp ủy; triển khai quán triệt, học tập, sớm đưa nghị quyết đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống”.

Đến hết quý I năm 2011, tất cả các chi, Đảng bộ trực thuộc đã hoàn thành chương trình hành động thực hiện nghị quyết của cả ba cấp (cơ sở, huyện, tỉnh). Đến trung tuần tháng 4, tất cả 100% chi, Đảng bộ trực thuộc đã triển khai nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh, huyện; các tổ chức, đoàn thể ở cơ sở đang tổ chức cho đoàn viên, hội viên nghiên cứu, học tập, quán triệt xong trong tháng 4 này.

Đại hội Đảng bộ huyện Trấn Yên lần thứ XX đã thống nhất xây dựng 6 chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm cần tổ chức thực hiện trong giai đoạn 2010 - 2015. Lĩnh vực phát triển kinh tế, huyện tập trung lãnh đạo khai thác tốt mọi tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của huyện đạt 14,5% trở lên; thu nhập bình quân đầu người đạt 19 triệu đồng trở lên; mỗi năm tạo việc làm mới cho 2.500 - 3.000 lao động; giảm 4% tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm...

Để đạt mục tiêu đề ra, Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo các xã, thị trấn sản xuất vụ xuân và chuyển đổi những diện tích bị hạn sang trồng ngô, cây màu; tăng cường đầu tư thâm canh tăng vụ, đưa vào sản xuất ổn định 1.500 ha lúa chất lượng cao, phấn đấu sản lượng lương thực có hạt đạt 32.400 tấn.

Tăng cường công tác  bảo vệ rừng phòng hộ và trồng rừng để mỗi năm khai thác từ 60.000 - 65.000 m3 gỗ,  trồng mới 1.600 - 1.800 ha rừng; trồng mới và ổn định vùng nguyên liệu măng tre Bát Độ 1.225 ha tại xã Kiên Thành, Hồng Ca, Hưng Khánh, Hưng Thịnh, Tân Đồng, Y Can; tập trung trồng, chăm sóc 8.000 ha quế hiện có; duy trì ổn định diện tích 2.200 ha chè, trong đó mỗi năm cải tạo 70 ha chè già cỗi, năng suất thấp bằng giống chè có năng suất, chất lượng cao, đưa cây chè thành cây công nghiệp mũi nhọn của huyện; duy trì, thâm canh tốt diện tích 100 ha dâu tại xã Tân Đồng, Việt Thành.

Đảng bộ vận động nhân dân các xã, thị trấn tích cực chăn nuôi gia súc, gia cầm; chuyển đổi 50 ha ruộng một vụ sang nuôi trồng thủy sản, ổn định và phát triển để có 600 lồng cá, đưa sản lượng cá các loại đạt 1.380 tấn vào năm 2015. Trong nhiệm kỳ này, huyện sẽ tập trung thu hút mọi nguồn lực để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Huyện đẩy mạnh đầu tư xây dựng 3 cụm công nghiệp đã quy hoạch tại xã Báo Đáp, Y Can và Hưng Khánh, phấn đấu đưa giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đến năm 2015 đạt trên 332 tỷ đồng, trong đó giá trị công nghiệp địa phương đạt 240 tỷ đồng; khuyến khích phát triển dịch vụ, thương mại để đến năm 2015, giá trị sản xuất ngành dịch vụ đạt trên 300 tỷ đồng...

Để đưa nghị quyết của Đảng sớm đi vào cuộc sống, đòi hỏi có sự quyết tâm cao của cán bộ, đảng viên toàn Đảng bộ và sự đồng thuận của nhân dân. Đồng chí Trần Đức Học - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Báo Đáp nêu một số khó khăn khi triển khai nghị quyết đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống: “Nhiệm kỳ 2010 - 2015, Báo Đáp được huyện chọn là xã điểm xây dựng nông thôn mới.

Trong 19 tiêu chí của một xã nông thôn mới như: cứng hóa đường giao thông nông thôn; bê tông hóa kênh mương chính, mương nội đồng; đường điện, trường học, trạm y tế, chợ... còn rất nhiều tiêu chí mà địa phương khó có thể đạt nếu như không được Nhà nước đầu tư như tiêu chí kiên cố hóa kênh mương chính.

Hiện tại, xã có 90% số mương nội đồng được bê tông hóa nhưng 6 km kênh mương chính đưa vào sử dụng đã trên 20 năm, nay xuống cấp cần được Nhà nước đầu tư thì mới mong đạt tiêu chí này. Hay tiêu chí về thu nhập bình quân đầu người phải đạt 1,2 lần so với so với bình quân chung của tỉnh đến năm 2015 là 25 triệu đồng đối với Báo Đáp là rất khó. Vì xã có 5.000 khẩu nhưng chỉ có 175 ha ruộng, 145 ha chè và hơn 300 ha rừng, chia bình quân cho 1.300 hộ  sản xuất thì khó có thể đạt tiêu chí về thu nhập.

Trong khi đó, việc dồn điền đổi thửa để thuận tiện cho việc thâm canh, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao cũng rất khó bởi địa hình đồng ruộng chia cắt, khó dồn điền...”. 

Trong thực tế, để xây dựng Báo Đáp đạt tiêu chí nông thôn mới thì tỉnh, huyện còn phải đầu tư xây dựng khá nhiều các công trình cơ sở hạ tầng vì trường học, trạm y tế... chưa được kiên cố hóa hoàn toàn. Còn tiêu chí về đào tạo nghề nông thôn, thực tế xã đã phối hợp với các ngành của huyện mở khá nhiều lớp dạy nghề song việc áp dụng vào sản xuất, phát triển kinh tế lại rất hạn chế.

Ông Nguyễn Đăng Khoa - chủ Doanh nghiệp tư nhân Đăng Khoa chuyên chế biến, sản xuất ván ghép thanh từ nguyên liệu gỗ rừng trồng đóng trên địa bàn xã tâm sự: “Doanh nghiệp chúng tôi tuyển lao động địa phương vào làm việc khó lắm. Hầu như các lớp học nghề tại xã không ai được học nghề mộc, kể cả một số lao động đã biết nghề nhưng khi tuyển vào, chúng tôi vẫn phải đào tạo lại vì tay nghề, ý thức của người lao động trong sản xuất công nghiệp còn rất kém”.

Để thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng các cấp đề ra trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, Đảng bộ xã Báo Đáp nói riêng và các cấp ủy Đảng ở Trấn Yên nói chung cần phải xây dựng chương trình hành động sát với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị; tạo sự thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên và sự đồng thuận trong nhân dân, nhất là phải đưa ra được những chủ trương, giải pháp lớn thì nghị quyết mới có thể đi vào cuộc sống. Đơn cử như việc dồn điền đổi thửa, nếu như chi bộ cơ sở, các tổ chức, đoàn thể đứng ngoài cuộc mà để các hộ dân tự đứng ra làm thì rất khó thành công.    

 Minh Hằng

Các tin khác
Chi bộ Trường Mầm non Hoa Lan, thị trấn Mù Cang Chải tổ chức lễ kết nạp đảng viên

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 về công tác phát triển đảng viên, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đảng bộ huyện Mù Cang Chải đã kết nạp được 561/550 đảng viên, đạt 102% chỉ tiêu nghị quyết đề ra.

Đồng chí Trịnh Văn Xuê - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Trạm Tấu tặng giấy khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án 04 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác KTGS trong Đảng bộ tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025”.

Ngay trong quý I năm 2024, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Trạm Tấu đã chuẩn bị hồ sơ, tài liệu cho 2 cuộc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và chuẩn bị hồ sơ kiểm tra 2 tổ chức đảng cấp dưới thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng.

Đảng viên mới được bồi dưỡng lý luận chính trị tại Trung tâm Chính trị huyện Lục Yên.

Trong quý I/2024, Đảng bộ huyện Lục Yên đã quyết định kết nạp 88 quần chúng ưu tú vào Đảng, đạt 40,9% kế hoạch; chuyển đảng chính thức cho 72 đảng viên dự bị.

Mô hình chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa đã khẳng định rõ vai trò của Đảng bộ trong công tác lãnh đạo phát triển kinh tế địa phương.

Những năm qua, Đảng bộ thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên tích cực đổi mới lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, toàn diện, sâu sát, cụ thể, lấy kết quả là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của Đảng bộ, cán bộ và đảng viên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục