Nhiệt huyết với công tác nữ công

  • Cập nhật: Thứ tư, 23/7/2014 | 9:03:58 AM

YBĐT - Gương mặt hiền lành và giọng nói nhỏ nhẹ, truyền cảm khiến ai có dịp tiếp xúc với cô giáo Lê Minh Hiền - Trưởng ban Nữ công Công đoàn cơ sở (CĐCS) Trường Phổ thông Nội trú Trung học cơ sở huyện Mù Cang Chải đều cảm thấy gần gũi và quý mến.

Cô giáo Lê Minh Hiền nhận bằng khen tại Hội nghị biểu dương Trưởng ban Nữ công công đoàn cơ sở tiêu biểu toàn quốc.
Cô giáo Lê Minh Hiền nhận bằng khen tại Hội nghị biểu dương Trưởng ban Nữ công công đoàn cơ sở tiêu biểu toàn quốc.

Được sinh ra, lớn lên và trưởng thành ở chính mảnh đất vùng cao nắng gió khắc nghiệt này và chị chọn nghề nhà giáo bằng một sự tự nguyện bởi hình ảnh những đứa trẻ người Mông với đôi chân trần, đầu không mũ nón gùi mận, đào, sơn tra... Vì vậy sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái và được phân công về làm giáo viên Trường Phổ thông Nội trú Trung học cơ sở huyện, ngoài nhiệm vụ là giảng dạy, chị nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội.

Với lòng nhiệt tình, chị được tập thể đoàn viên Công đoàn nhà trường tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành công đoàn cơ sở (CĐCS) và giữ chức vụ là Trưởng ban Nữ công - một vị trí nếu để làm tốt được thì phải nỗ lực vượt qua rất nhiều trở ngại, bởi tuổi đời còn trẻ, ít kinh nghiệm hoạt động đoàn thể, con nhỏ và chồng luôn đau yếu, quan trọng hơn là đối với đội ngũ giáo viên trường nội trú vùng cao, việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn không chỉ đơn thuần là dạy học, mà còn phải là những người có kiến thức toàn diện, luôn sẵn sàng dành thời gian để gần gũi, hướng dẫn, chăm sóc học sinh.

Chị luôn trăn trở với suy nghĩ “Làm thế nào để không những riêng đối bản thân mà còn giúp chị em giáo viên trong trường vừa giỏi việc trường, đảm việc nhà, lại tham gia có hiệu quả các hoạt động xã hội? May mắn là chồng cùng là nhà giáo và hiểu tâm tư của chị nên anh đã ủng hộ, động viên, phần nào chị yên tâm hơn trong công tác. Chị đề ra mục tiêu cho bản thân là phải thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn và công việc gia đình, từ đó mới có thể tham gia tốt hoạt động xã hội.

Được sự tạo điều kiện của nhà trường, chị tiếp tục được đi học nâng cao trình độ. Năm 2010, chị tốt nghiệp Trường Đại học Tây Bắc. Với kiến thức được học tập, chị thực hiện xây dựng giáo án, giáo trình giảng dạy theo đúng quy định chung, tự tìm tòi nâng cao trình độ, khả năng ứng dụng tin học, làm hấp dẫn nội dung bài giảng cho học sinh.

Trong công tác nữ công công đoàn, chị ý thức được hoạt động nữ công chính là đem lại sự gần gũi, đoàn kết, sự tươi mới và qua đó chị em được nâng cao nghiệp vụ chuyên môn. Căn cứ vào các chỉ tiêu thực hiện nhiệm vụ của nhà trường, gắn với chương trình kế hoạch của CĐCS và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ giáo viên, chị chủ động xây dựng kế hoạch và tham mưu với CĐCS tổ chức các hoạt động công tác nữ công trong từng tháng, quý và năm học, để tổ chức nhiều hoạt động, như: thi nữ công gia chánh, mít tinh kỷ niệm, giao lưu văn hóa văn nghệ, tọa đàm, báo cáo chuyên đề, thăm quan học tập kinh nghiệm... thu hút 100% chị em hưởng ứng tham gia.

Bên cạnh đó, chị tham mưu và đề xuất với công đoàn, phối hợp với Ban giám hiệu nhà trường sắp xếp hợp lý về thời gian để tạo điều kiện cho chị em thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy, chăm lo nuôi dưỡng học sinh, tham gia hoạt động công đoàn, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống. Có thể nói, hoạt động nữ công đã góp phần làm nên một gia đình 30 nữ cán bộ, viên chức trường Phổ thông Nội trú Trung học cơ sở huyện Mù Cang Chải những năm qua luôn là tập thể đoàn kết, thương yêu, đùm bọc và giúp nhau cùng tiến bộ.

Tính đến thời điểm này, số giáo viên nữ có trình độ đại học chiếm tới 60%, mỗi năm có từ 1 đến 2 chị được kết nạp vào Đảng, có chị đã được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, nhiều chị được công nhận danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh và rất nhiều lượt chị được UBND tỉnh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Liên đoàn Lao động tỉnh và Công đoàn Giáo dục Việt Nam tặng bằng khen; hằng năm, 100% nữ cán bộ, viên chức đạt danh hiệu “Hai giỏi” cấp cơ sở.

Trong công tác giảng dạy, chất lượng ngày càng được nâng lên. Các năm học chị em đều có đội tuyển học sinh tham gia thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi, trong đó đã có học sinh đạt giải cao nhất trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, nhiều em thi chuyển cấp đỗ vào trường chuyên của tỉnh và hơn thế nữa là 100% các em học sinh của trường đều là học sinh chăm ngoan.

Trong công tác nuôi dưỡng, các chị cố gắng chế biến cho học sinh những món ăn, đảm bảo khẩu phần và vệ sinh an toàn thực phẩm giữ gìn sức khỏe cho học sinh. Không chỉ trong công việc, 100% gia đình nữ cán bộ, viên chức đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, mỗi gia đình đều đi đầu trong phong trào phòng chống các tệ nạn xã hội, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, sinh đẻ có kế hoạch, các con đều là những học sinh ngoan, học khá – giỏi.

Với suy nghĩ bản thân mình phải là người luôn đi đầu và làm hết sức mình, chị luôn gương mẫu, đi đầu trong các công việc của nhà trường, từ việc chăm sóc học sinh khi đau ốm, hướng dẫn các em vệ sinh thân thể đến tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa. Chị như  người mẹ thứ hai của gần 400 học trò người Mông, người Thái nơi đây. Chị cũng luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của chị em, tư vấn, giúp đỡ để các chị bố trí việc trường, việc nhà hài hòa, hợp lý. Những việc làm của chị được Ban Giám hiệu, Ban Chấp hành CĐCS ghi nhận, tập thể cán bộ, viên chức nhà trường quý mến, các em học sinh kính trọng.

Với thành tích 6 năm liên tục đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở, tháng 5/2010, chị chính thức vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Hằng năm, chị đều được UBND tỉnh, UBND huyện và Công đoàn ngành Giáo dục tặng bằng khen, giấy khen. Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 85 năm thành lập Công đoàn Việt Nam năm nay, chị vinh dự là đại biểu duy nhất của tỉnh Yên Bái được tuyên dương tại hội nghị Biểu dương Trưởng ban Nữ công CĐCS tiêu biểu toàn quốc vào tháng 6/2014.

Bích Khang

Các tin khác
Mô hình nuôi cá tầm của Giàng A Vàng ở xã An Lương.

Từng chỉ biết cày cấy, nuôi vài con lợn, con gà, ngày nay, nhiều hộ đồng bào Mông trên địa bàn huyện Văn Chấn đã nghĩ khác, làm khác, mạnh dạn đầu tư để chuyển đổi sang các mô hình kinh tế mới. Điều này không những minh chứng cho sự thay đổi trong tư duy và hành động mà còn thể hiện ý chí, khát khao vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên quê hương.

Thượng tá Trần Xuân Hướng (người đứng giữa) trao đổi nghiệp vụ về công tác dân vận với cán bộ cùng cơ quan.

”Cống hiến trong quân đội đã mấy chục năm trời, được đi nhiều, biết nhiều, gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn nên mình rất hiểu và luôn đau đáu trong lòng phải làm được cái gì đó giúp họ". Đó chính là khát khao cháy bỏng của Thượng tá Trần Xuân Hướng - Trưởng ban Dân vận, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh trong suốt quá trình công tác của mình.

Ông Đoàn Xuân Quý (bên trái) trao đổi với người dân trong thôn mô hình sơ chế vỏ quế tươi.

Những năm qua, với vai trò là Trưởng thôn Đồng Tâm, xã An Thịnh, huyện Văn Yên, ông Đoàn Xuân Quý luôn bám sát sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội để hướng dẫn nhân dân cách làm hay, hiệu quả, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Doanh nhân Nguyễn Mạnh Hà

Sau nhiều lần hẹn rồi lại lỡ, tôi mới được anh sắp xếp cho cuộc gặp trong hơn một giờ đồng hồ. Anh chính là doanh nhân Nguyễn Mạnh Hà- Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Think Big Group, Chủ tịch Công ty bất động sản Lộc Sơn Hà, người con của quê hương xã An Lạc, huyện Lục Yên. Hào hoa, tuấn tú và dấu ấn thành công của "tổng tài" nhưng ít ai biết anh đã đi con đường thành công không trải "hoa hồng "!

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục