Vườn thanh long kết trái

  • Cập nhật: Thứ năm, 24/7/2014 | 8:57:59 AM

YBĐT - “Mình còn sức khỏe, còn trí tuệ, mình muốn lao động để vươn lên giữa cuộc sống còn nhiều khó khăn này!” - câu nói của anh thương binh Hoàng Văn Tinh ở tổ 13, phường Yên Ninh (thành phố Yên Bái) đã khiến chúng tôi rất xúc động và khâm phục. Tổ quốc khi lâm nguy đã có những người như anh và nay hòa bình, dựng xây càng cần những người như thế.

Vườn thanh long của gia đình thương binh Hoàng Văn Tinh đã cho thu hoạch lứa quả đầu tiên.
Vườn thanh long của gia đình thương binh Hoàng Văn Tinh đã cho thu hoạch lứa quả đầu tiên.

Anh Tinh tiếp tục câu chuyện: Dù không trực tiếp cầm súng chiến đấu nhưng khi tôi tham gia phục vụ chiến đấu tại chiến trường đã bị thương. Câu chuyện trở thành thương binh hạng 4/4 là thế này: tôi sinh năm 1954, dân tộc Tày, quê ở xã Xuân Long, huyện Yên Bình. Năm 1976, tốt nghiệp Trường Trung cấp Y Yên Bái rồi tôi lên Bệnh viện Mường Khương công tác. Ngày 17/2/1979, Trung Quốc nổ súng xâm lược nước ta, Mường Khương là trận địa rất ác liệt. Tôi và các anh: Thành, Sơn, Minh cùng công tác ở Bệnh viện được huyện điều động tham gia cứu chữa thương binh.

Tại dốc Hàm Rồng, nơi chúng tôi đến đạn nổ đinh tai nhức óc, khói lửa mù mịt. Các chiến sỹ thuộc Tiểu đoàn 2, Huyện đội Mường Khương chiến đấu rất dũng cảm, nhiều đồng chí hy sinh và bị thương nặng. Noi gương các đồng chí, anh em chúng tôi tích cực, khẩn trương băng bó vết thương cho các chiến sỹ. Khoảng gần 10 giờ sáng, một mảnh đạn sượt qua đầu, máu chảy ra ướt đầm áo bờ-lu, tôi ôm đầu gục xuống và một tiếng nổ lớn ngay gần đã vùi cả cơ thể tôi trong đống đất. Rất may, đến tối hôm đó, quân ta đã phát hiện được và đưa tôi về tuyến sau điều trị. Năm 1980, tôi được điều động vào Bệnh viện huyện Yên Bình công tác. Do sức khỏe không đảm bảo nên công tác được 10 năm thì tôi nghỉ mất sức, về cư trú tại tổ 13, phường Yên Ninh đến nay... - anh Tinh cho biết thêm.

Cuộc sống lúc ấy còn nhiều khó khăn, gia đình anh cũng vậy. Cả nhà chỉ có khoản lương mất sức của anh, vợ là quân nhân phục viên không có lương, hai con nhỏ còn ăn học. Trước hoàn cảnh ấy, anh luôn động viên các con chăm ngoan và học giỏi, động viên vợ cố gắng làm lụng, còn mình đi làm bảo vệ cho các trường học quanh thành phố. Cuộc sống khốn khó cũng dần qua đi, hai con của anh đều được học hành tử tế, giờ cháu lớn Hoàng Minh Phương đã là cán bộ của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia, cháu thứ hai Hoàng Quân Tùng là một chiến sỹ cảnh sát và chị Nguyễn Thị Tỵ - vợ anh vẫn tần tảo làm lụng, chăm sóc chồng con, thu vén gia đình.

Cuối năm 2012, tình cờ qua sách báo, anh Tinh thấy có giống thanh long đỏ giá trị kinh tế cao, dễ trồng và phù hợp với đồng đất Minh Tiến (Trấn Yên) - quê hương vợ mình. Ý tưởng về quê vợ trồng thanh long đỏ của anh được vợ và các con ủng hộ. Cả nhà góp tiền của, vay mượn thêm để về Minh Tiến mua đất trồng thanh long. Bố con anh Tinh còn cất công về tận huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc để thăm quan, học tập kinh nghiệm. Các con anh lên mạng Internet tìm tài liệu để giúp bố mình trồng và chăm sóc thanh long đúng kỹ thuật, đảm bảo năng suất, chất lượng, cho hiệu quả kinh tế.

Bất chấp nắng mưa, không quản đường về Minh Tiến lầy lội, vợ chồng cùng các con anh thương binh Hoàng Văn Tinh đã lao động quần quật trên thửa đất cằn cỗi quanh gò đình Minh Tiến. Đến đầu năm 2013, đã có 400 gốc thanh long đỏ được trồng đúng kỹ thuật, vươn mầm. 8 tháng sau khi trồng, nhiều cây đã đơm hoa, kết trái.

Tháng 7 này (sau 15 tháng), cả 400 cây đều cho thu hoạch. Dù lứa đầu quả chưa nhiều, chưa to nhưng sản lượng chắc chắn không dưới 5 tạ quả. Thanh long đỏ được trồng ngay tại Minh Tiến, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không sử dụng thuốc kích thích lại tươi ngon nên nhiều thương lái ở thành phố Yên Bái đã tìm đến tận vườn nhà anh Tinh để đặt mua với giá 40.000 đồng/kg.

Dưới mái đình Minh Tiến, chị Tỵ bổ quả thanh long đỏ tịm, ngọt và thanh mát mời khách đến thăm quan, học tập kinh nghiệm trồng thanh long. Vợ chồng người thương binh ấy vui mừng, phấn khởi lắm bởi vườn thanh long đã kết trái ngọt lành sau bao tháng ngày tần tảo chăm bón.

Lê Phiên

Các tin khác
Anh Phạm Hồng Tám (bên phải) cùng đồng nghiệp trong giờ làm việc.

Năm 2023, anh Phạm Hồng Tám - Tổ trưởng Tổ sửa chữa điện, Phòng Kỹ thuật Công ty Điện lực (PC) Yên Bái được Tỉnh đoàn Yên Bái lựa chọn là gương mặt "Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” và là 1 trong 20 người được nhận Giải thưởng "Cánh cung đỏ” Phạm Hồng Tám.

Người Mông bản Cáng Giông đã biết ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất hàng hóa. (Trong ảnh: Người dân thu hoạch quả sơn tra - cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế và hạn chế tình trạng phá rừng).

Núi rừng Mù Cang Chải như đang diễn ra lễ hội hoa với đủ các loài hoa rừng đua nhau khoe sắc. Trong đó, sắc trắng hoa ban Tây Bắc vẫn là gam màu chủ đạo, những đám mây sà xuống mái nhà gỗ của người Mông nhìn càng thơ mộng. Nhưng hôm nay chúng tôi chủ đích đi tìm gặp "bông hoa" nở cả 4 mùa, ấy là Giàng A Tùng - Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn (TK&VV) bản Cáng Dông, xã Nậm Khắt.

Lãnh đạo Hội Nông dân huyện Văn Yên thăm rừng quế của gia đình anh Bàn Văn Minh (bên phải) ở thôn Làng Câu, xã Tân Hợp.

Những thanh niên người Dao vùng đất quế Văn Yên mà chúng tôi gặp trong chuyến công tác đầu xuân vừa qua đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc về lòng nhiệt huyết, tinh thần sáng tạo, dám nghĩ dám làm vì gia đình, cộng đồng và toàn xã hội.

Đồng chí Tạ Văn Long - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đoàn công tác của tỉnh và huyện Trấn Yên thăm mô hình VAC của anh Mai Văn Tình.

Viết tiếp ước mơ dang dở nơi giảng đường đại học bằng con đường lập nghiệp tại quê hương rồi trở thành Giám đốc Hợp tác xã của chính mình, đó là lối đi của "người trẻ" Mai Văn Tình ở thôn Khang Chính, xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên. Lối đi của giám đốc trẻ Mai Văn Tình sẽ tiếp thêm động lực cho nhiều bạn trẻ đang trên con đường lập nghiệp khi đại học không phải là con đường duy nhất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục