Người thương binh với giấc mơ làm trang trại

  • Cập nhật: Thứ sáu, 25/7/2014 | 9:41:17 AM

YBĐT - "Tôi nhận ra rằng, chỉ có kiên trì, cần cù trong lao động và biết tiếp nhận những thành quả của khoa học kỹ thuật thì làm gì cũng sẽ thành công" - Đó là lời tâm sự của thương binh Lê Ngọc Châu ở thôn Ngọn Ngòi, xã Minh Quân (Trấn Yên).

Thương binh Lê Ngọc Châu chăm sóc đàn lợn.
Thương binh Lê Ngọc Châu chăm sóc đàn lợn.

Từ khai phá đồi hoang...

Hôm nay, thôn Ngọn Ngòi, xã Minh Quân (Trấn Yên) được phủ một màu xanh bạt ngàn bằng bồ đề, keo. Người khai sinh ra những cánh rừng ở thôn này chính là ông Lê Ngọc Châu, thương binh hạng 1/4. Ông Châu là con cả trong một gia đình nghèo có 7 người con. Năm 1968, ông để lại bố mẹ già, người vợ trẻ lên đường đánh Mỹ. Trong một trận đánh ác liệt, ông vĩnh viễn mất tay phải, dập nát bàn tay trái và bị một mảnh đạn găm vào chẩm phải trên đầu, mất 81% sức khỏe. Sau khi được điều trị, ông về an dưỡng tại Trạm Điều dưỡng Thương binh tỉnh Yên Bái, cuối năm 1974 trở về với gia đình và xếp hạng thương binh 1/4. 

Khi trở về quê hương cũng là lúc người vợ trẻ sinh cho ông đứa con đầu lòng. Niềm hạnh phúc lớn lao bao nhiêu thì lại mang nhiều nỗi lo bấy nhiêu vì đôi tay không còn nguyên vẹn, vết thương cũ lúc trái gió trở giời vẫn tái phát là lực cản trong vai trò trụ cột phát triển kinh tế gia đình. Có năm, gia đình ông thiếu lương thực đến 6 tháng. Sau nhiều đêm suy tính, ông đã nghĩ ra chìa khóa để mở cánh cửa thoát nghèo đó là trồng rừng.

Nghĩ là làm, ông xin chính quyền địa phương nhận những diện tích đất đồi hoang và bắt đầu cuộc hành trình vỡ đất. Lúc ấy, nhiều người bảo ông liều, khác gì “đánh bạc với giời”. Họ nói cũng có lý bởi đất ở đây lúc bấy giờ toàn cỏ tranh, lau lách rậm um tùm, trong khi đó sức khỏe thì yếu, đôi tay ông thì không còn lành lặn.

Ông bảo rằng: “Tôi nghĩ muốn trồng rừng thành công thì phải vận động nhiều người làm cùng thì mới bảo vệ được, nếu không rừng mình trồng ra họ thả trâu, bò phá hết”. Ông bàn với Trưởng thôn lúc bấy giờ là ông Thiện vận động mọi người trong thôn cùng trồng rừng. Nhờ tích cực tuyên truyền, vận động, năm 1991, Tổ hợp tác trồng rừng đã hình thành với 23 người do đích thân ông làm Tổ trưởng.

Ông và các hộ dân nhận 74ha đất đồi trọc để trồng rừng, trong đó gia đình ông nhận 10ha. Ông đứng ra vay vốn trồng rừng. Ngày đó, Nhà nước cho vay vốn trồng rừng với chỉ 520.000 đồng/ha. Thiếu vốn mua cây giống, ông Châu cùng Trưởng thôn xin Hạt Kiểm lâm huyện Trấn Yên hỗ trợ túi bầu, hạt giống để cùng ươm cây giống phục vụ trồng rừng cho gia đình mình và cung cấp cho nhân dân. Gia đình nào khó khăn, ông cho chịu tiền cây giống.

Từ đó, ngày nào cũng vậy, ông cùng vợ và các hộ dân quanh nhà tay dao, tay cuốc gieo những mầm xanh đầu tiên. Năm 2001, những diện tích keo, bồ đề đã cho khai thác. Nhưng ngày ấy, việc bán nguyên liệu gặp nhiều khó khăn, đều phải qua khâu trung gian nên giá nguyên liệu rẻ. Ông đã đề nghị với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho bán thẳng nguyên liệu về Nhà máy Giấy Bãi Bằng. Sau vụ khai thác ấy cũng đủ tiền ông trả ngân hàng. Giờ đây, không còn các tổ hợp tác nữa nhưng nhiều người trong thôn có cuộc sống khấm khá nhờ khai hoang đồi trọc như ông. Còn ông vẫn duy trì trồng, chăm sóc 10ha rừng, mỗi năm khai thác và trồng mới 2ha rừng.

... Đến giấc mơ làm trang trại

Ông Châu tâm sự: “Thực ra, tôi có giấc mơ làm trang trại từ lâu nhưng chưa làm được do một phần kinh tế khó khăn rồi nuôi các con ăn học. Năm 2009, khi các con đã trưởng thành, đã có trong tay ít vốn, tôi quyết định thực hiện giấc mơ của mình”.

Vậy là ông Châu đã có một quyết định khiến nhiều người “giật mình” là vay vốn ngân hàng để làm trang trại chăn nuôi lợn hàng hóa. Có người bảo thôn thì xa, đường đi lại khó khăn, đầu tư vào chăn nuôi thì chỉ có vỡ nợ. Song ông lại nghĩ khác, chỉ có chăn nuôi tập trung theo hướng hàng hóa mới tránh được dịch bệnh và rủi ro của thị trường. Tự xe vôi, đóng gạch, lấy cát sỏi từ ngoài suối về rồi tự mày mò kỹ thuật, tự xây dựng cơ ngơi, ròng rã cả tháng trời, cuối cùng, ông và cậu con trai út cũng xây dựng được 100m2 chuồng trại. Ngay lứa đầu tiên, ông đã nuôi với số lượng 100 con. Lứa lợn đầu tiên do không biết tính toán, giá cả lại bấp bênh nên hòa vốn nhưng không làm ông chùn bước.

Năm 2009, tỉnh có chính sách hỗ trợ chăn nuôi theo hướng hàng hóa quy mô tập trung. Chớp lấy cơ hội, ông đăng ký mô hình chăn nuôi 100 con lợn thịt/lứa. Số tiền lãi từ lứa lợn đầu tiên xuất chuồng, ông tiếp tục tái đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi. Chính vì thế, sự phát triển quy mô trang trại lợn của ông được người chăn nuôi quanh vùng coi là sự phát triển “siêu tốc” khi mà đến năm 2011, ông Châu đưa quy mô đàn lợn lên đến 350 con/lứa. Để giảm chi phí, tránh dịch bệnh, ông đã đầu tư 20 con lợn nái sinh sản để tự chủ động nguồn giống. Hàng tháng, trang trại lợn của ông xuất ra thị trường trên 2,4 tấn lợn thịt, đưa số tiền lãi sau khi trừ chi phí hàng năm lên trên 300 triệu đồng.

Ông Châu bảo rằng: “Những năm gần đây, giá đầu ra thấp, trong khi đó giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, nếu chăn nuôi nhỏ lẻ chỉ có thua lỗ. Chăn nuôi quy mô lớn thì mới tuân thủ khuyến cáo của ngành thú y về biện pháp tiêm phòng, phòng ngừa đầy đủ các dịch bệnh cho đàn lợn theo định kỳ. Quan trọng nữa là phải chủ động được nguồn giống tại chỗ mới tránh được dịch bệnh. Vì vậy, gia đình tôi vừa mua thêm 18 con lợn nái sinh sản thay thế lợn mẹ nhiều tuổi, sinh sản kém”.

Ngay cạnh hệ thống chuồng trại lợn là 1 ao thả cá hơn 1ha với các loại cá rô phi đơn tính, trắm cỏ mỗi năm bán được khoảng 7 tạ cá, thu về trên 30 triệu đồng. Hàng năm, gia đình ông còn tạo việc làm ổn định cho 3 người và hàng chục lao động thời vụ.

Chuyện trò và chứng kiến những thành quả mà ông làm ra, chúng tôi thầm cảm phục ý chí và nghị lực của những “thương binh tàn nhưng không phế” như ông. Trước lúc chia tay, ông Châu nói rằng: “Tôi nhận ra rằng, chỉ có kiên trì, cần cù trong lao động và biết tiếp nhận những thành quả của khoa học kỹ thuật thì làm gì cũng sẽ thành công”. Câu nói ấy của ông như một minh chứng, vùng đất nào cũng có thể làm giàu nếu như biết đầu tư khai phá.

Văn Thông

Các tin khác
Mô hình nuôi cá tầm của Giàng A Vàng ở xã An Lương.

Từng chỉ biết cày cấy, nuôi vài con lợn, con gà, ngày nay, nhiều hộ đồng bào Mông trên địa bàn huyện Văn Chấn đã nghĩ khác, làm khác, mạnh dạn đầu tư để chuyển đổi sang các mô hình kinh tế mới. Điều này không những minh chứng cho sự thay đổi trong tư duy và hành động mà còn thể hiện ý chí, khát khao vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên quê hương.

Thượng tá Trần Xuân Hướng (người đứng giữa) trao đổi nghiệp vụ về công tác dân vận với cán bộ cùng cơ quan.

”Cống hiến trong quân đội đã mấy chục năm trời, được đi nhiều, biết nhiều, gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn nên mình rất hiểu và luôn đau đáu trong lòng phải làm được cái gì đó giúp họ". Đó chính là khát khao cháy bỏng của Thượng tá Trần Xuân Hướng - Trưởng ban Dân vận, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh trong suốt quá trình công tác của mình.

Ông Đoàn Xuân Quý (bên trái) trao đổi với người dân trong thôn mô hình sơ chế vỏ quế tươi.

Những năm qua, với vai trò là Trưởng thôn Đồng Tâm, xã An Thịnh, huyện Văn Yên, ông Đoàn Xuân Quý luôn bám sát sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội để hướng dẫn nhân dân cách làm hay, hiệu quả, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Doanh nhân Nguyễn Mạnh Hà

Sau nhiều lần hẹn rồi lại lỡ, tôi mới được anh sắp xếp cho cuộc gặp trong hơn một giờ đồng hồ. Anh chính là doanh nhân Nguyễn Mạnh Hà- Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Think Big Group, Chủ tịch Công ty bất động sản Lộc Sơn Hà, người con của quê hương xã An Lạc, huyện Lục Yên. Hào hoa, tuấn tú và dấu ấn thành công của "tổng tài" nhưng ít ai biết anh đã đi con đường thành công không trải "hoa hồng "!

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục