Gây dựng cơ đồ tiền tỷ từ hai bàn tay trắng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 22/5/2015 | 12:46:48 PM

YênBái -

YBĐT - Từ một hộ gia đình nông dân nghèo khó, bằng trí óc và nghị lực vượt khó vươn lên, hai vợ chồng anh chị Hoàng Văn Doanh và Hoàng Thị Hòa ở Minh Xuân (Lục Yên) đang sở hữu khối tài sản hàng tỷ đồng, tạo công ăn việc làm có thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương.

Anh chị Doanh - Hòa (giữa) tại xưởng mộc của gia đình.
Anh chị Doanh - Hòa (giữa) tại xưởng mộc của gia đình.

Anh chị tâm sự, cả hai đều sinh ra trong gia đình đông anh em, gia cảnh nghèo khó, không có điều kiện học lên cao. Sau khi lập gia đình, anh chị ra ở riêng và được bố mẹ dựng cho một ngôi nhà nhỏ lợp cọ, giường đóng bằng 4 cọc tre. Ruộng nương ít, 2 đứa con lần lượt chào đời khiến cho hai vợ chồng trẻ nhiều năm rơi vào túng thiếu, nghèo đói. Để có cái ăn, anh chị phải làm đủ nghề. Dù cật lực lao động nhưng cuộc sống nghèo đói vẫn cứ đeo bám gia đình chị.

Đến năm 2000, thông qua Hội Phụ nữ xã, chị được vay 3 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Lục Yên. “Chưa bao giờ cầm đến tiền triệu, lấy tiền về đến nhà lo quá, đêm ngủ, hai vợ chồng phải giấu tiền vào dưới chiếu” - anh chị nhớ lại. Có tiền, anh Doanh đã mua một chiếc máy bào để làm mộc, chị Hòa mua một máy làm đậu kết hợp nuôi thêm 8 con lợn thịt. Với quyết tâm thoát cảnh đói nghèo, anh chị hăng say lao động. Anh Doanh nhận đóng mọi thứ đồ gỗ từ cái bàn, cái ghế nhỏ. Chị dậy từ 3 giờ sáng để làm đậu đem bán, tận dụng bã đậu để chăn nuôi lợn. Nhờ chăm chỉ lao động và biết tằn tiện, chắt chiu, anh chị đã có thêm vốn để đầu tư mua máy móc hiện đại phát triển thành xưởng mộc, với giá trị máy móc trên 200 triệu đồng, thu hút 3 lao động tham gia với mức lương khoảng 5 triệu đồng/người/tháng đồng thời tăng số lượng lợn thịt, có những lúc chuồng lợn lên đến 20 con.

Để tăng thu nhập, anh chị tiếp tục mua máy xay xát phục vụ bà con trong thôn, kết hợp buôn hàng sáo. “Máy xay xát ngày càng xuất hiện nhiều, nhiều hộ mua máy do không có khách đành đóng cửa nhưng do có thái độ niềm nở nên khách nhà tôi lúc nào cũng đông. Nhiều lúc vợ tôi phải đứng máy từ sáng đến tối nên thương vợ làm việc cực nhọc tôi đã bán máy đi. Ngày khách đến chở máy đi vợ tôi còn khóc vì tiếc” - anh Doanh tâm sự. Sau đó, năm 2006, anh chị lại đầu tư mua máy ấp trứng. Đến nay, gia đình anh chị đã có 3 máy ấp trứng gia cầm. Trung bình mỗi tháng gia đình anh chị cũng thu lãi khoảng 5 triệu đồng từ ấp trứng. Chị Hòa cho biết: “Trứng gia đình tôi ấp ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, hầu như các máy làm việc không nghỉ dù chỉ một ngày”. Theo chị, khi khách hàng đến mua gà, vịt con, phải biết cách tư vấn về phương pháp chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh, như vậy mới thu hút được khách hàng.

Nhận thấy nhu cầu sử dụng gạch không nung của người dân ngày càng cao, anh chị tiếp tục đầu tư mua máy đóng gạch, mỗi tháng sản xuất khoảng 25 nghìn viên, trung bình thu lãi khoảng 5 triệu đồng, tạo việc làm cho 3 lao động địa phương, với mức lương 5 triệu đồng/người/tháng. Không dừng lại ở đó, năm 2014, anh chị mua thêm 2 xe ô tô tải chuyên chở hàng hóa, vật liệu cho khách hàng với số vốn đầu tư gần 700 triệu đồng. Một chiếc anh Doanh tự lái, chiếc còn lại anh chị thuê người lái, trung bình mỗi tháng cho thu lãi khoảng 20 triệu đồng. Ngoài ra, anh chị còn tiếp tục đầu tư vốn để buôn bán vật liệu xây dựng với mức đầu tư ngày càng cao, lượng khách hàng vì thế cũng ngày càng đông hơn và đây cũng sẽ là một hướng đi cơ bản của gia đình chị trong những năm tiếp theo.

Mặc dù công việc kinh doanh, buôn bán ngày càng thuận lợi nhưng anh chị vẫn chú trọng phát triển chăn nuôi với 100 con gà đẻ, 50 con vịt thịt. Từ chăn nuôi, mỗi năm cũng cho gia đình chị 20 - 30 triệu đồng tiền lãi.
Năm 2014, số lãi anh chị thu về từ các hoạt động kinh doanh, buôn bán và chăn nuôi là trên 400 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động địa phương với thu nhập ổn định. Ông Phạm Ngọc Quảng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Minh Xuân cho biết: “Gia đình anh chị Doanh - Hòa là một hộ làm kinh tế tiêu biểu của xã Minh Xuân, không chỉ giải quyết được việc làm cho nhiều lao động địa phương mà còn tích cực tham gia các khoản đóng góp cho làng, cho xã, rất được người dân trong thôn và trong xã nể phục, quý mến”.

Hầu như toàn bộ diện tích xung quanh nhà đều được anh chị quy hoạch rất cụ thể, sử dụng triệt để và hợp lý phục vụ cho hoạt động kinh doanh, sản xuất. Và kinh nghiệm thành công của anh chị là không ngừng học hỏi, nhanh nhạy với thị trường, chịu khó lao động, biết chi tiêu hợp lý đồng thời nghiên cứu kỹ hướng đi cho mỗi ngành nghề trước khi đầu tư sản xuất.

Bài, ảnh: Triệu Huấn

Các tin khác
Anh Phạm Hồng Tám (bên phải) cùng đồng nghiệp trong giờ làm việc.

Năm 2023, anh Phạm Hồng Tám - Tổ trưởng Tổ sửa chữa điện, Phòng Kỹ thuật Công ty Điện lực (PC) Yên Bái được Tỉnh đoàn Yên Bái lựa chọn là gương mặt "Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” và là 1 trong 20 người được nhận Giải thưởng "Cánh cung đỏ” Phạm Hồng Tám.

Người Mông bản Cáng Giông đã biết ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất hàng hóa. (Trong ảnh: Người dân thu hoạch quả sơn tra - cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế và hạn chế tình trạng phá rừng).

Núi rừng Mù Cang Chải như đang diễn ra lễ hội hoa với đủ các loài hoa rừng đua nhau khoe sắc. Trong đó, sắc trắng hoa ban Tây Bắc vẫn là gam màu chủ đạo, những đám mây sà xuống mái nhà gỗ của người Mông nhìn càng thơ mộng. Nhưng hôm nay chúng tôi chủ đích đi tìm gặp "bông hoa" nở cả 4 mùa, ấy là Giàng A Tùng - Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn (TK&VV) bản Cáng Dông, xã Nậm Khắt.

Lãnh đạo Hội Nông dân huyện Văn Yên thăm rừng quế của gia đình anh Bàn Văn Minh (bên phải) ở thôn Làng Câu, xã Tân Hợp.

Những thanh niên người Dao vùng đất quế Văn Yên mà chúng tôi gặp trong chuyến công tác đầu xuân vừa qua đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc về lòng nhiệt huyết, tinh thần sáng tạo, dám nghĩ dám làm vì gia đình, cộng đồng và toàn xã hội.

Đồng chí Tạ Văn Long - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đoàn công tác của tỉnh và huyện Trấn Yên thăm mô hình VAC của anh Mai Văn Tình.

Viết tiếp ước mơ dang dở nơi giảng đường đại học bằng con đường lập nghiệp tại quê hương rồi trở thành Giám đốc Hợp tác xã của chính mình, đó là lối đi của "người trẻ" Mai Văn Tình ở thôn Khang Chính, xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên. Lối đi của giám đốc trẻ Mai Văn Tình sẽ tiếp thêm động lực cho nhiều bạn trẻ đang trên con đường lập nghiệp khi đại học không phải là con đường duy nhất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục